30/09/2019

Truyện ngắn Hòa Văn: ĐỜI DẾ



Tranh Văn Tuấn

Con tôi đứa học lớp 4 đứa học lớp 8. Phải nói ngoài chuyện học hành chăm chỉ, học tốt, thuộc loại Giỏi, còn lại mọi chuyện đều sưa sớt, chính vì vậy bị mẹ la mắng miết. Tôi để ý mới biết  do chúng mê đá dế quá.


Có chừng năm đến bảy hội viên, nhỏ tuổi nhất là cu Hiến con trai út của tôi, cao niên là ông Tư Hân đã trên sáu hai tuổi. Có thể tóm tắc tiêu chí mục đích hội bằng câu nói ngắn gọn đầy ý nghĩa của Ba San – một cây nuôi dế, đá dế giỏi nhất trong hội: “Thư giãn – Vui vẻ”.


Gò Nổi quê tôi, có trò chơi đá dế từ trên năm trăm năm tức là khi vùng đất màu mỡ nầy được các bậc Tiền hiền khai cơ lập nghiệp thời Vua Lê Thánh Tông. Bấy giờ nơi đây là vùng nước lạ rừng thiêng.Sách Ô Châu cận lục của Tiến sĩ Dương Văn An, xuất bản năm 1555 có ghi địa danh xã hiệu Đông Bàn, một trong số 66 làng thuộc phủ Điện Bàn cũ, thuộc Triệu Phong, Thuận Hóa, nơi có ngòi Đông Bàn chảy ngang qua rừng nguyên sinh, sáng sáng chiều chiều chim chóc ca hót líu lo. Còn trong phổ hệ của một số dòng họ đến trước khi đề cập vùng đất mới nầy ghi: “... Điền địa phì nhiêu, thảo mộc tú mận, nhật tắc lâm trung trảm phạt, dạ thăng thượng mộc cao miên...” (Đất màu mỡ, cây cối xanh tốt, ban ngày vào rừng chặt phá, ban đêm lên cây cao ngủ).

Có một hôm vì quá giận bởi có ai đời ham chơi dế quên cả ăn cơm tối, tôi bắt phạt hai đứa con tôi, bằng cách viết ra giấy những gì biết về họ nhà dế, hạn nộp bài trong vòng hai ngày, nếu làm được “Ba sẽ cho tiếp tục cho chơi dế, còn không, chấm dứt ngay!” tôi nói như ra lệnh như thế.
Cứ tưởng cả hai sẽ ỉu xìu đàng này vui hẳn lên, út Hiến lí nhí nói với Hai Hùng:
"Nhận đi! Nhận đi!"
Hai Hùng ngập ngừng:
“Thưa ba cho con ngày Chủ nhật tới nộp bài phạt”. Tôi gật đầu đồng ý.
Đúng y lời hứa, sáng Chủ nhật cả hai anh em Hùng cùng ngồi vào góc học tập, đăm chiêu suy nghĩ rồi viết.
Sau đây là bài nộp phạt:
“Dế sinh sôi nẩy nở cách đây hàng ngàn năm,có vòng đời khoảng một trăm mười lăm ngày, trong đó tính từ khi trứng nở đến lúc trưởng thành mất năm mươi ngày, dế đẻ trứng vào ngày thứ chín mươi lăm, mỗi lứa bảy ngàn đến tám ngàn trứng, sau bảy ngày trứng nở ra dế con. Dế già yếu chết trong mười ngày còn lại.

Dế có nhiều loại như dế than, dế lửa, dế dũi, dế cơm, dế mèn... Truyện Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài đã đi vào tâm trí nhiều trẻ thơ, hàng xóm của dế mèn có con tên là dế Choắt... Dế than đá chiến nhất!.

Ba biết không, trò chơi đá dế thú vị lắm,muốn có con dế đá hay phải chọn kỹ và phải bồng nước nó mới chịu đá”.
Tôi thắc mắc làm sao hai đứa có được những thông tin như trên, bất ngờ Ba San đến nhà. Không rõ có sự sắp đặt chi đây hay không mà “ông sư” của trò chơi đá dế lại xuất hiện đúng thời điểm nầy?.
Phải nói vui tính như Ba San, mà trẻ con không thích gần gũi mới lạ!. Vừa bước vào sân Ba San vồn vã chào tôi...

Đã gần năm mươi mấy rồi chứ ít gì đâu, nom Ba San như tuổi mới khoảng bốn mấy! làm ruộng giỏi chăn nuôi cũng cừ và vui chơi cũng khá, xứng danh “lão nông tri điền thời @” do bọn trẻ phong. Có điều cách rong chơi của Ba San mang dáng dấp nghệ sỹ tài tử, là tay đàn ghi ta nhất vùng Gò Nổi, giọng nói tuy hơi khàn khàn song khi hát những bài tình ca, giọng lại ngọt như mía lùi!. Còn môn đá dế thuộc hạng siêu đẳng, nhiều lần út Hiến trầm trồ về những chú dế chiến của Ba San, nhất là con dế cánh đen có điểm nhiều vệt màu nâu óng ánh như vệt lửa, tuy vóc dáng không to lớn bằng đối thủ nhưng xung trận nào thắng trận đó.
Rót ly nước chè xanh nóng hổi mời Ba San,tôi nói:
"Anh có thú vui thư thái?..."
Không để tôi nói hết câu Ba San tiếp lời:
"Cũng kỳ công lắm anh ơi! Được cái chiều chiều thay vì la cà nơi quán xá nhậu nhẹt say xỉn mình lại cùng các nhóc trong xóm như hai đứa con của anh chẳng hạn thi đá dế chơi! Theo mình nghĩ đây là trò chơi không tốn kém, ví như chơi đá gà phải tốn tiền trăm tiền triệu mới chơi được còn dế ở đất mình có sẵn ngoài biền bãi, chịu khó dành thời gian đi xốc các đống cây đậu cây bắp sau mùa thu hoạch sẽ có dế ngay thôi."
Tôi hỏi:
“Thế làm sao anh biết để chọn dế đá hay?"
Ba San cười tươi bưng ly chè xanh lên hớp thêm một ngụm, khen loại cây chè trồng ở đất Phú Thượng lâu nay nổi tiếng nước xanh có hương vị chát đặc biệt ngon thiệt rồi mới trả lời:
"Cái nầy tuỳ, bọn trẻ khen lấy khen để tôi thế thôi chứ đá hay đá dở do con dế chứ mình làm sao biết được, có điều phải biết tuyển chọn, trong hàng chục con dế bắt về nuôi, chăm chút sửa soạn qua mấy ngày sẽ biết tay nào hay dở ngay".
Lúc nầy hình như có “bạn” đến chơi và đang giảng giải về trò chơi đá dế, hai đứa con tôi mang ra gần như đầy đủ đàn dế của nó. Ở trong những chiếc họp bằng cạt tông vuông vức, trang trí đẹp đẽ,từng chú dế tung tăng chạy nhảy. Chú dế có đôi cánh đen nhánh ở trong chiếc  bình nhựa trong suốt – loại bình đựng kẹo của bà Chín hàng xóm bán tạp hóa  – vừa chạy vừa gáy ceéc... ceéc... vui nhộn. Ba San nhẹ nhàng vừa bắt chú dế lên nói với tôi:
“Như con dế nầy chắc phải đá hay thôi vì trông bộ dạng lanh lợi...”
a San thả dế trở lại bình nhựa xong lấy từ túi áo ra một hộp nhỏ bằng giấy, đặt trên bàn:
“Còn đây là  con dế hay nhất của tôi!. Chỉ tội nó chẳng còn sống bao lâu nữa đâu!”. Ba San nói giọng buồn buồn. Tôi hỏi tại sao vậy?
Ba San nói:
"Bắt nó về đã hơn hai tháng, mà dế chỉ sống gần bốn tháng rồi chết!"
Không khí trầm lắng, tôi đề nghị:
"Giờ thi đá dế coi chơi được không anh Ba San?"
Hai Hùng tán thành ngay: "Chú Ba San ơi! chú để dế chiến của chú đá với con số một của tôi đi!". Ba San gật gật đầu "Ừ!"và giao kết: "Dế nào đá thua nộp mạng luôn!"

Tôi châm thêm lượt trà, còn Ba San và Hai Hùng loay hoay bồng nước cho dế. Từng nghe nói chuyện bồng nước cho dế trước khi vào mỗi hiệp đá, nay mới tỏ tường Ba San bắt dế lên nhẹ nhàng và cẩn thận, rồi dùng một sợi tóc gấp đôi lại móc vào bẹn chân của con dế, sau đó xách hỏng dế lên, chúm miệng thổi thổi phù phù dế tung cánh quay mòng mòng, phun cho nó một ít nước giải, Hai Hùng cũng gọn gàng làm đúng như vậy, xong thả hai chú dế vào chiếc thùng để chúng đá. Nhiều khi gặp nhau dế đá ngay nhưng thường thường phải dùng chiêu “cò mồi” nó mới xáp trận, “cò mồi” bằng cách lấy một cái đầu con dế cắm vào cây que cầm huơ huơ chiếc đầu dế ấy trước mặt cặp dế, một lúc chúng sẽ hăng máu đá nhau...
Tôi chợt nghĩ đời con dế ngắn ngủi thế mà nó có biết gì đâu? Vô tư sống, kể cả vô tư hỗn chiến với nhau qua trò chơi đá dế của con người đến nỗi mẻ đầu sứt tráng. Có một chi tiết gây cho tôi nhiều boăn khoăn, suy ngẫm sau khi coi trận đá dế gay cấn hấp dẫn giữa chú dế Ba San với chú dế Hai Hùng là khi chú dế chiến Ba San chiến thắng oanh liệt, nó vung đôi cánh lên và gáy vang ca khúc khải hoàng. Còn chú dế của Hai Hùng bị thương khá trầm trọng, chiếc đầu vẹo vẹo, đôi chân trước bị chấn thương phải bò cà nhắc cà nhắc trông thảm hại...
"Sự đời hơn thua nhau mà sinh ra nhiều nhiêu khê, cuộc sống con người rồi sẽ qua đi chóng vánh, anh và tôi chẳng  hạn mới đây thôi còn trai trẻ với bao hoài vọng, giờ thì..."

Ba San trầm ngâm một chặp rồi nói tiếp:
"Thế mà có người không biết thế nào họ tưởng chừng..."
Tôi nói chen vào:
"Anh cũng như tôi cứ sống thẳng ruột ngựa làm gì không va chạm nọ kia"

Ba San gật gật đầu phân trần một hơi dài:
"Sống theo sự hiểu biết của mình không dễ, sự ganh tỵ nầy kia lồ lộ tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống đạo đức...Từ lâu rồi tôi chỉ mong sao giữ chữ tâm được trọn vẹn trong sáng, mà xem ra không dễ!.
Anh thấy đó, con dế của tôi sau mỗi lần đấm đá hễ đắc thắng thì hớn hở gáy vang, nhìn bộ dạng của nó tôi thương hại quá!. Không biết gáy rồi để  làm gì!. Anh có nghĩ nếu có sinh vật nào đó có đời sống cao hơn ta một bậc thấy cuộc đời nầy, suy xét giống như ta khi nhìn thấy rõ mồn một về "đời" những con dế không?".                                                                                                          
                                                                                                                                    Hòa Văn

28/09/2019

Nguyễn Đức Bạt Ngàn: TỰ PHÁC HỌA - VỀ VỚI VÔ CÙNG

 
Nhà thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn


Được tin nhà thơ N Đ B N từ trần RR XIN CHIA BUỒN!
 

TỰ PHÁC HỌA 

Từ cuối tháng ba năm ngoái (2018)
tôi đã cùng bệnh tật đấu đá lẫn nhau
hiện tại tuy đang thủ huề
nhưng biết đâu
không chừng tôi sa cơ
sẽ hóa không

bất chợt hào hứng
nên tạm phác họa dăm chút đời mình
(cho mai sau nhìn lại)

về bản thân:
sinh ra từ một làng quê
mẫn cảm
vướng nợ chữ nghĩa
từ niên thiếu cho đến tận bây giờ
tâm tư phóng túng hồn nhiên
yêu tự do khai phá 
đời thơ hư ảo mông lung
đời thường tỉnh táo

về ứng xử:
bình đẳng
tôn trọng chúng sinh
không phân biệt lớn nhỏ sang hèn thông minh ngu dốt trí tuệ tài năng
bởi vì vận hành nhân giới cũng như cây lá
bộ phận nào cũng quan trọng
thiết yếu như nhau

về sáng tác:
thơ đến với tôi như ám chướng
viết vì không thể không viết

về thưởng ngoạn:
không có tác giả lớn cũng không có tác giả nhỏ
không có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở
tất cả đều được tôi học tập nâng niu
chiêm nghiệm để bồi bổ cho vốn “sống-viết” của mình

về bằng hữu:
đời thường có nhiều bạn thân
tri kỷ của đời thơ rất hiếm

về tình nhân:
cám ơn em hương sắc
hồng hào chất ngất

về đại gia đình:
thời thơ ấu ấm áp
trưởng thành thì xa cách cha mẹ anh em

về đời riêng:
làm chồng làm cha bất xứng
rất may là được cô vợ khoan hòa thực tế đại lượng tri kỷ chí tình

về tác phẩm:
hầu hết được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Canada (Library and Archives Canada)
đã đăng ký bản quyền (certificate of registration of copyright) tại Canadian Intellectual Property Office

di ngôn:
tri ân sự sống có tôi
dự phần
cám ơn sự chết đang thân ái chờ tôi
họp mặt
sống chết bình an
tôi vô cùng thênh thang

NGUYỄN ĐỨC BẠT NGÀN
Apri 13th, 2019
Edmonton Canada
---
GHI CHÚ: trang Face (NĐBN) này, từ nay sẽ do thân nhân của tôi  cập nhật cùng với những trang sau:
http://ndbn.blogspot.ca/
https://www.facebook.com/ngducbatngan/
https://www.facebook.com/blogNDBN/

 Thái Hồ Lô

@@@@@ 


VỀ VỚI VÔ CÙNG   



*
ánh mắt đó bây giờ xin trả lại
cho vàng son của dáng dấp thơ ngây
tôi buồn lắm trong tháng ngày hiện tại
ôi vì em nên thân xác đọa đày

*
chừ về đó em buồn không hở thỏ
có bao giờ đoái tưởng nhớ thương tôi
hay cũng lãng quên trong ngày tháng đó
ép tình mình vào ký ức xa xôi

*
nhớ làm sao cả khung trời hò hẹn
vàng chiều nao em đẹp dáng hoang đường
tình rụng xuống trôi theo dòng nước muộn
đi xa rồi còn ngoái lại rất thương

*
giờ kết tóc em bay theo làn gió
tôi cũng buồn nên trải cánh theo mây
tình sống lại như ngày xưa gắn bó
ôm nhau đùa trong nắng đổ hây hây

*
tình réo gọi như những lần em khóc
tình u buồn trong hờn dỗi tôi mưa
ngồi tưởng nhớ những lần em đã đến
ôi vòng tay siết chặt mấy cho vừa

*
tình hấp hối tôi là người ở lại
cất bây giờ làm tinh huyết mai sau
nhìn dáng em cúi đầu, tôi không nói
thôi hết rồi chiều xám đã buông mau

Nguyễn Đức Bạt Ngàn













27/09/2019

Truyện ngắn Hòa Văn: TRÂU HAY

Ảnh nguồn internet


CHẲNG cần tới tháng tám nắng mới nám trái bưởi, do biến đổi khí hậu, nửa tháng năm dương lịch mà thời tiết oi bức nắng như thiêu như đốt, cách đây mấy bữa trước có mưa rải rác xã Tây, xã Trung, còn ở xã Đông nầy không có hột mưa nào, cánh đồng từ sau gặt hái trơ gốc rạ, những đám ruộng cày bệ đất khô ải trắng bốc, vụ Hè thu tới không biết ra sao chứ vụ Đông xuân vừa rồi nhiều diện tích lúa, màu đang trổ gặp đợt mưa lạnh bất thường, ngô hạt không đầy cùi, đậu phụng nhiều trái vú heo, lúa ngơ bông lép hạt, năng suất giảm trên dưới ba mươi phần trăm, có thửa hư nặng hơn sản lượng thua hết một nửa so với cùng vụ năm ngoái.
Làm ruộng nói như bốn Nghiên “Cơm cũ đổi gạo mới” đầu vụ cày bừa, gieo cấy… lam lũ cuối vụ thu hoạch xong trả các khoản chi phí phân bón, thuốc men, công cán… chẳng còn bao nhiêu, được cái có lúa gạo trong nhà đỡ lo đói, nhà nào làm ruộng chay không dễ gì khá lên!.

21/09/2019

Truyện ngắn Hòa Văn: MẸ CHỒNG TÔI


 
Chuyện vợ chồng. Có rất nhiều câu chuyện vợ chồng đã được viết và được kể... Tuy vậy với tôi lại e dè... không biết nên hay không nên?.
 
Bà mẹ chồng. Xin được gọi theo con đầu lòng của bà theo tục của làng. Bà Dinh. “Mẹ tôi hiền hậu và bao dung”. “Có thể nói rất hiền hậu và bao dung đằng khác.”. Ấy là ý kiến của bà con họ hàng và chòm xóm chứ không phải dâu con trong nhà mà tâng thêm đâu?.
 
Chính vì vậy mà trong rất nhiều truyện tôi viết hình bóng mẹ lâu lâu lại hiện ra rõ mồn một. Khi thì giống bản tính, khi thì giống nét đẹp không có chỗ nào chê của đôi mắt, lúc thì nụ cười. Nụ cười là khó tả nhất. Và trong truyện đang viết tôi cũng chỉ cố gắng viết được chừng nào hay chừng nấy mà thôi.
 
Đứng dậy đi tới tủ lạnh lấy một chai nước lọc, tôi rót ra một ly gần đầy uống một hơi xong ngồi vào chiếc ghế salon ngả người ra đàng sau thư thái nghĩ ngợi...
 
Ngày đầu tiên theo anh Dinh về nhà chồng. Anh Dinh là chồng tôi.
 
Mẹ đón tôi ở cửa phòng tân hôn, việc đầu tiên mẹ trìu mến tặng cho tôi nụ cười... Nụ cười toại nguyện lắm!. Tôi suy từ mẹ đẻ của tôi mà đoán thế. Nụ cười rất tươi, rất đẹp. Đẹp nhất là nụ cười nở trên đôi môi phơn phớt đỏ thắm màu cánh sen. Hồi đó tôi nghĩ ai khéo chọn cho mẹ màu son đúng mode và sành điệu quá làm tôn thêm vẻ đẹp của đôi môi mẹ!. Về sau khi ở chung lâu ngày mới rõ môi mẹ ngày thường cũng vậy không cần son sơn gì!. Nụ cười như đoá hoa tươi tắn có sức lan toả hơi ấm tình yêu tới người được mẹ chia sẻ... Phải thật thà nói suốt tuần trăng mật “tại gia” tôi hưởng trọn vẹn hạnh phúc bởi chồng mang lại có khoảng bảy mươi phần trăm còn số phần trăm còn lại mẹ trao cho tôi.
 
Chắc các bạn không tin chứ gì?.
 
Đám cưới vào mùa Đông. Không biết ai là người đầu tiên khởi xướng mùa cưới là mùa Đông nhỉ?. Nó đúng trên một trăm phần trăm. Ai cố ý tổ chức trật mùa cưới. Như cưới vợ lấy chồng mùa Xuân, mùa Hạ chẳng hạn về sau sẽ cả đời nuối tiếc cho mà xem!.
 
Mùa Đông ở miền Trung sướng lắm, nó kéo dài... Mưa. Mưa. Những cơn mưa dài đăng đẵng... dài lê thê... khỏi phải nói ai cũng biết!.
 
Và mưa to lắm. Bởi vậy có câu “Mưa như cầm chĩnh đổ”. Cạnh mưa là gió. Gió bấc kèm theo mưa phùn, rồi tới rét nàng bân, rồi gió chướng kết hợp với lũ... Gì thì gì mùa đông cũng dành cho đôi trai thanh gái lịch những ngày nắng ấm để trai thành hôn gái vu quy.
 
Rồi không rõ tại sao cứ sau đám cưới thời tiết đột ngột thay đổi, tệ cũng mưa gió dồn dập, to hơn có bão, lũ!. Thành ra quen rồi chẳng có gì sợ sệt nữa!.
 
Anh Dinh thầy giáo một trường cấp Ba. Tôi cô giáo cấp Hai. Hồi trước đây công việc dạy học lúc đầu như một nhiệm vụ, về sau ngoài nhiệm vụ thầy cô thấy cần phải có quyền lợi nữa chứ!. Thế là một số đã bỏ nghề làm bất cứ việc gì để có thu nhập khá hơn. Dinh chuyển sang buôn bán hàng chuyến từ Trung vô Nam.
 
Ở thời buổi kinh tế “xôi đậu”. Chỉ có dăm bảy năm sau ngoài nhà cao cửa rộng Dinh còn tích cóp khá bộn tiền vàng và dĩ nhiên mối liên hệ làm ăn ngày càng mở rộng. Cô giáo cấp Hai theo chồng buôn buôn bán bán. Rồi hai vợ chồng lập công ty... Cái thời buổi công ty mọc như nấm ấy mà!. Kinh tế giàu có chừng nào cuộc sống gia đình “chật vật” chừng nấy!.
 
Chắc bạn không tin?. Chính tôi cũng không tin chứ đừng nói bạn. Thường nghe nói “Có tiền mua tiên cũng được”. Có thể trúng ở việc gì còn việc của vợ chồng tôi chẳng trúng chút nào.
 
*
Tình yêu là gì?. “Tình yêu như thứ mật ngọt được đun sôi, đun lâu quá sẽ khiến nó cháy và trở nên đắng ngắt.” Tôi đọc câu nầy trên một tờ báo viết giới thiệu một tác phẩm văn học của một tác giả...(*) viết về tình yêu. Quyển truyện hay dở thế nào chưa bàn riêng sự ví von tình như mật ngọt mà mật đun sôi, đun lâu quá sẽ... thì đúng. Vợ chồng tôi là như vậy.
 
Điều mẹ chồng tôi mong mỏi sớm có cháu để bà chăm ẵm, để bà cất tiếng ru à ơi ơi à...!. Trong mái nhà ấm êm. Mong muốn tưởng dễ dàng đối với tôi, cô con gái đẹp nết đẹp người, có công ăn việc làm thu nhập khấm khá.
 
Sau tháng... năm... lại thêm một lần phải thật thà thưa thiệt tôi ngây ngất trong men yêu thương tình chồng nghĩa vợ. Những... những nụ hôn cháy bỏng từng một thời mơ mộng đã là hiện thực. Những mơn trớn... điều mà ở tuổi đôi mươi mới chợt nghĩ ngợi... đã “đỏ mặt tía tai” chẳng thấm tháp gì so với những gì Dinh dành cho tôi... và tôi dành cho Dinh. Nếu nói con mèo có thân mình mềm chừng nào tôi cũng mềm chẳng thua kém... Trong vòng tay Dinh tất cả tôi trở thành con số không to... to... lắm!. Mà chỉ có như vậy thôi?. Tôi dằn vặt. Những vỉ thuốc ngừa thai “nghi binh” cho Dinh an lòng trước sự chậm trể đường con cái chỉ có tác dụng một đôi năm.
 
"Hôn nhân là gì? Đó chính là nơi bạn tạo nên hạnh phúc, là nơi luôn tràn ngập tình yêu. Nếu bạn tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân nghĩa là bạn đã đặt chân tới thiên đường. Trong hôn nhân quà tặng không chỉ còn là nụ hôn, sự tung hứng cho và nhận niềm hoan lạc... Hôn nhân phải đơm hoa thơm kết quả ngọt. Chất xúc tác đồng thời là chất keo kết dính mọi người lại với nhau thành mái ấm gia đình là đứa con. Nếu bạn không tìm thấy sự đồng cảm với nhau trong hôn nhân hoặc có đồng cảm mà không có con cái thì bạn sẽ mãi mãi không thể thoát ra khỏi sự nghi ngờ, bạn sẽ lại chìm ngập trong dằn vặt đau khổ và sẽ chẳng bao giờ bạn có thể tìm được hạnh phúc. Sự lãng mạn của tình yêu và sự nhạt nhòa khô cằn của hôn nhân hai thái cực đối lập.". (*)
 
Mẹ bảo:
 
“Các con có thiếu gì đâu?. Sao chẳng chịu...”
 
Rất hiểu ý mẹ mà mẹ làm sao hiểu con?. Những ánh mắt trìu mến hằng ngày mẹ dành cho con, ngày một giông giống như mũi kim nhọn châm thẳng vào trái tim con. Tôi liên tưởng dại dột như thế các bạn ạ!.
 
Một hôm mẹ vô thẳng trong phòng riêng của tôi ân cần nói:
 
“Hay con có điều gì trắc trở?”.
 
Nước mắt. Nước mắt của tôi tích luỹ bao nhiêu năm từ ngày về làm dâu mẹ tuôn trào hơn thác lũ... Mẹ hoảng hốt rồi sau đó bần thần ngồi im lặng. Mái tóc mẹ hình như chỉ trong chốc lát chuyển từ phơ phơ trắng thành trắng phau phau. Đôi môi mẹ đẹp như sơn son vậy mà giờ... Cả căn phòng tôi tối sẩm...
 
Dinh đi làm về. Lúc nào cũng vậy câu đầu tiên anh hỏi mẹ ở đâu? làm gì?. Bữa hôm nay sau câu hỏi và biết những điều anh ngờ ngợ tính dò hỏi... Tôi cảm nhận rõ ở trong Dinh nỗi đau hơn trời long đất lở!. Mà làm gì được bây giờ?. Tôi ôm mẹ khóc nức nở. Dinh vỗ vỗ vai tôi nói câu gì đó ngụ ý an ủi.
 
Tôi không bao giờ quên hình ảnh mẹ điềm đạm bày tỏ hết mọi ưu tư về khó khăn của tôi mỗi khi mẹ đứng trước tượng bà mụ. Tượng được thờ trang trọng trong ngôi chùa nổi tiếng ở Hội An xưa nay. Nhưng mọi cố gắng của mẹ và tôi như muối bỏ biển.
 
Ngày cứ qua đêm cứ lại. Vợ chồng tôi vẫn yêu thương nhau. Vẫn dành cho nhau tất thảy mọi điều tốt đẹp nhất và kỳ vọng...
 
*
Mẹ. Mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng trong nỗi niềm...
 
Tôi cực sốc khi mẹ mất. Với tôi mẹ không chỉ là chỗ dựa đơn giản của một nàng dâu nơi mẹ có cả bầu trời cao rộng tình yêu và biển cả của sự chia sẻ. Dinh là người chồng rất tốt nhưng có gì đảm bảo khi không còn có mẹ bên cạnh anh không bỏ rơi tôi để đến với người con gái khác có thiêng chức làm mẹ. Chuyện dễ hơn hút ốc!. Tôi lo lắng hoang mang...
 
Và chỉ sau đó một thời gian không lâu. Trái tim của tôi vỡ oà điều không tưởng...
 
Người ta thường nói nhiều lúc quá sốc, cơ thể người bị sốc có một sức đề kháng làm đổi mới hoàn toàn những khả năng không thể để thành có thể. Dinh lý lẽ như thế trong trường hợp của tôi.
 
Khi mà hương lửa của tình yêu ngỡ chỉ còn bụi tro tàn thì chính là lúc mầm mống sự sống lại nhen nhúm. Trong tôi đã có hai con tim đang cùng đập.
 
Tự truyện nầy xin gởi đến người tôi tôn kính: Mẹ chồng!.
 
Những đứa con trai con gái của tôi và Dinh bây giờ nên bề gia thất chắc càng kính yêu bà nội hơn khi biết chuyện./.
 
(*): Tiểu thuyết tình yêu Khi em khóc, trái tim anh nhói đau! của tác giả Văn Hân Nguyệt.
 
Hòa Văn

16/09/2019

Hòa Văn: Lá chuối sứ


Ngày xưa lá chuối sứ chỉ xử dụng mỗi năm nhiều nhất vào ngày mồng 5 ngày tết Nguyên đán mà nhà nào ở quê cũng có dăm ba bụi chuối này nên đa phần nhà ai nấy dùng có khi cho nhà trong xóm cùng dùng để gói bánh tét, bánh rò, bánh chưng, nem chả, bánh ú tro... Bây giờ khác rồi! Cây chuối sứ ngoài cho búp, trái làm rau ăn với nhiều món như thịt bò thui, thịt gà, mì Quảng.... cây chuối sứ còn cho vài ba tháng một đợt lá. Lá chuối ở quê thông qua các người chuyên đi mua bán lại cho các đầu mối các chợ rồi được chuyển đi đến nơi chuyên gói các loại bánh và cả thay bao bì nilon gói hàng thực phẩm... Đã có cầu nên có cung, nhiều nhà ở quê nay trồng thêm chuối sứ. Mỗi khu vực có vài ba người chuyên đi mua lá chuối, có khi cả vợ liền chồng cùng làm nghề này. Giá mua tùy theo vụ như tết, lễ,... giá nhích lên còn bình thường cứ tính gốc chuối và độ tốt xấu của lá chuối mà ước lượng mua bán, thường thường mua hóa như vậy mới có lời. Sau khi thỏa thuận giá cả xong người mua dùng cây sào có cột cái dằng làm dụng cụ giựt lá chuối, giựt xong vườn nhà nào thì gom đống lại rồi rọc lá xếp cuộn cột từng xấp từng bó gọn gàng. Mỗi bữa mua năm ba nhà như vậy đến chạng vạng chở về nhà sáng mai chở đi bán chiều tiếp tục đi mua... Mua hóa giá nhưng bán theo ký mà giá lá chuối cũng khá ổn định đồng thời hiện ngoài gói bánh truyền thống, thực hiện bảo vệ môi trường lá chuối còn được nhiều nơi xử dụng thay cho bao túi nilon gói hàng nên nghề mua bán lá chuối đắt hơn giúp cho nhiều người ở quê cải thiện cuộc sống. 

Hòa Văn

11/09/2019

Truyện ngắn Hòa Văn: Tiếng chim


MY MY biết viết nhật ký từ năm đầu bậc Trung học cơ sở. Hồi ấy không ai biểu cũng chẳng có ai hướng dẫn gì. Thế mà tự nhiên sau mấy buổi đến trường lớp mới, gặp gỡ các thầy cô giáo mới và dĩ nhiên cặp thêm được hai bạn cùng lớp mới toanh thêm vào ba bạn cùng lớp 5 năm ngoái nay ngồi chung lớp 6/1. My My nảy ý định viết ghi lại những điều nghe thấy thường ngày...
Nghĩ là thế nhưng mãi đến một buổi chiều đi học về nhà, My My hình như cảm giác thấy trong "người" lớn lớn... lên gì gì... ấy! Rồi ngồi vào bàn ở góc học tập hí hoáy viết, ban đầu viết những suy nghĩ nào là thầy Khanh, cô Tuý dễ mến, giảng bài hay..., nào là bạn Tum, bạn Quy chỉ sau ba tháng nghĩ hè phát tướng trông thấy, giọng nói của cả hai rè rè, còn điệu bộ đi đứng ra vẻ người lớn... thế thôi!. Dần dà quyển sổ nhật ký của My My tràn đầy kỷ niệm. Kỷ niệm một thời nhỏ không ra nhỏ, lớn không phải lớn ấy mà!.
12/11/..... Cô bé Hà Phương trông bắt mắt thiệt, mới mưa lất phất có mấy hạt chứ đã vào mùa đông đâu mà diện chiếc áo lạnh màu gi trông đẹp ơi là đẹp!.
...
14/11/... Là bạn với mình từ bé xíu hạt tiêu đến chừ chứ ít ỏi đâu, nên cái "con người" ấy cái gì mình không tường tận. Ôi thôi! Khóc nhè một cây! Hỡ một điều gì chưa hiểu, hơi ấm ức một chút, khóc nhè!. Bạn nào chưa kịp trả cây bút! Khóc nhè!. Riết một hồi ngồi cùng bàn bên cạnh Hà Phương, My My bị lây cái tính nhõng nhẽo của Hà Phương lúc nào không hay.  Chỉ có điều trong cặp bài trùng My – Phương, mỗi "quý cô nương" có cách khóc nhè khác nhau rất xa cả chục cây số!. Đó là nhận xét của bạn Quy và bạn Tum.
...
Tên đầy đủ của Tum là Nguyễn Kon Tum, nghe kể "cậu" sinh ra trên miền đất Tây Nguyên đầy nắng, gió và đất đỏ badan, vào thời điểm năm một ngàn chín trăm chín tám, ba mẹ lên trên ấy trồng cà phê cho ông cậu ruột. Về sau ba mẹ của "cậu" làm ăn khá giả, có vườn tược nhà cửa đàng hoàng và có cả mấy chục hecta đất trồng cây cà phê đang thời kỳ thu hoạch, nhưng bà nội thì nhất quyết không chịu bỏ quê xứ bốn bề sông nước Gò Nổi nầy, để lên trên đó, do vậy "cậu" được ba má đưa về đây ở cho có bà có cháu, nhất là khi bà đau lúc bà ốm có người chăm nom!. Tum có cá tính mạnh, thích gì làm cho bằng được, nhưng không nghịch ngợm bao giờ, đây là điều My My và cả nhóm bạn thích nhất. Với bạn bè nhất là với cánh con gái, Tum nhát lắm! cứ lí nhí không nói được gì, mỗi khi gặp gỡ bất kỳ trong lớp học hay ở nhà, được cái tham gia chơi nhiệt tình tất cả những trò chơi mà nhóm con trai và con gái bày ra như ăn ô quan, nhảy cò cò, bịt mắt bắt dê, bỏ khăn, trốn tìm, u u... và cả đánh nẻ cũng xịn lắm!. Đặc biệt Tum rất thích cái vụ bắt và nuôi chim cu gáy.
                                                                                   "         
Ở hiên nhà, Tum treo lủng lẳng trên chục cái lồng to nhỏ khác nhau, đây là những "ngôi nhà" mới của chim, Tum giỏi sơ tuyển và tập huấn các nhóc chim cu gáy từ ra ràng đến biết gáy sành. Nếu tính từ ngày Tum quay trở lại quê trong hai năm nay chí ít cũng đã có hàng trăm nhóc chim được Tum bắt, nuôi, nhiều con chim hay được bán cho giới buôn bán chim cảnh chuyên nghiệp. Riêng chú chim gáy có cái tên đặc biệt “E.Y. của tôi” là Tum không bán cho ai, dù chú chim ấy có lần một ông cụ thích nuôi chim cảnh ở Sài Gòn về trả giá trên 5 triệu đồng, thế mà Tum lắc đầu lia lịa: “Không bao giờ bán! Không bao giờ bán!”. Hôm ấy My My có tại nhà Tum, chứng kiến mọi việc!.
Khi ông Sài Gòn đi rồi, My My ngồi co gối ngấp nghé nhìn chú chim “E.Y. của tôi” đang tung tăng nhảy nhót và gù gù liên hồi. Chú chim như tỏ ý thích cô bé có cái răng khểnh!. Tum nói với My My: “Hay là Tum tặng chú chim nầy cho My My nghe!”. Bất ngờ My My không nói gì. Tum tiếp: “Mần thinh là đồng ý đó nghen!”.
Và Tum vồn vã kể lai lịch chú chim “E.Y. của tôi”.
Chú chim nầy sinh ra lớn lên ở vùng đất Tây Nguyên, có tiếng khi gáy biết cách luyến láy nhiều giọng lên cao, xuống thấp, được ba mình cưng lắm. Hôm về quê ở với nội, lúc ba nắm lấy tay Tum dặn dò rất nhiều điều, mắt của ba ngân ngấn nước mắt. Ba bảo: “Về ngoài chắc con buồn lắm!” Rồi ba quay vào nhà xách chiếc lồng chim có con chim cu gáy hay nhất đem trao Tum và nói: “Con mang về, chú chim nầy sẽ là "bạn" giúp con ngơi bớt nhớ ba mẹ và các em trong những ngày đầu tiên ở quê!”. Tum lúc ấy nước mắt cũng ràn rụa, chỉ biết ậm ừ dạ dạ rồi đón nhận lồng chim của ba một cách lặng lẽ!. Sau khi về tới quê Tum đặt lại cho nó tên mới là “E.Y. của tôi”.
Và đúng y như ba đoán trước, nếu không có chú chim chắc Tum buồn lắm!.
Buổi tối ở quê yên tĩnh quá. Bà nội ăn cơm uống nước xong đi ngủ liền, bà nói: “Quen rồi, hễ không nằm chợp mắt một chút ở lúc chạng vạng, dễ sẽ không ngủ luôn đến sáng.”. Có lần Tum đã nghe ba nói rồi nên khi học bài, hay làm chuyện gì cũng nhẹ nhàng cố gắng không ảnh hưởng đến nội. Những lúc như vậy chú chim “E.Y. của tôi” là “người bạn” thân thiết giúp Tum đỡ nhớ thằng cu Tỉn - đứa em trai út của Tum học lớp hai – và cũng bớt nhớ thằng Chương bạn thân cùng học một lớp với Tum hồi ở Kon Tum ấy.
Đó là cách đây hơn ba tháng, còn bây giờ Tum đã có nhiều bạn bè cùng trang lứa ở xóm và bạn học trên trường, lớp rồi. Mà nhất là cô bé My My, nhà chỉ cách nhà Tum năm phút đi bộ.
My My không biết làm gì trước cử chỉ ân cần của Tum, bằng tìm cách hoãn binh: “Cảm ơn Tum!. Mình sẽ nhận nếu ba mẹ mình cho phép.”
Tum gật gật đầu và nói: “My My biết không, ba mình là “cây” chơi chim gáy ở Kon Tum đó!. Ông biết tất tật mọi sở đoản sở trường loại chim nầy, vì thế có thể phân biệt con nào hay con nào dở...
Ba chỉ cho Tum cụ thể nhiều kiểu nhiều giọng gáy khác nhau của chim - trong giới chim cảnh gọi là bô - tiếng gáy tuỳ lúc sáng sớm, buổi trưa hoặc chiều. Liều trơn: cúc cu cu. Liều bổ một: cúc cu cu, cu. Liều bổ hai: cúc cu cu, cu cu. Liều bổ ba: cúc cu cu, cu cu cu. Con trống và con mái đều gáy được như vậy. Tum nói tiếp: “Ba Tum quí nhất là con gáy liều bổ ba: cúc cú cu, cu cu cu”. Ông gọi nó là con chim mồi "kim bất hoán", ý nói ai có đem vàng đổi nó, chủ nhân cũng không muốn đổi. Phần nhiều chim gáy bốn tiếng (bổ tứ), gọi là gáy tiếng đủ, còn những con gáy năm tiếng là gáy tiếng thừa. My My ngẩn tò te ngồi nghe Tum thao thao bất tuyệt bao nhiêu chuyện chung quanh thú nuôi chim cu gáy, không nói ra nhưng lòng cảm phục Tum lắm!.

Bên ngoài trời bắt đầu mưa nặng hạt, cơn mưa giữa mùa đông làm tăng thêm cái lành lạnh của đêm Noel giống y chang thuở còn học lớp 12, My My cùng Tum đi dạo phố cổ Hội An, bữa ấy Tum chững chạc thiệt, hai đứa bách bộ hòa vào dòng người đi Noel đông ơi là đông! Tới gần nhà thờ người chật như nem!. Nói thật đến bây giờ My My cũng không biết lý do tại sao “Ừ cái rẹt” để đi như vậy. Trong lòng My My trống rổng, có vấn vương chút xíu nào “yêu” Tum đâu. Nếu mà như bây giờ chắc My My đời nào dám!. Cũng lạ lúc không có tình ý gì lại gần gũi... còn nay... My My bước vào phòng tìm quyển sổ nhật ký.
Đọc những trang nhật ký viết về Tum, My My còn nghe vang vang đâu đây tiếng gáy, giọng gụ của loài chim một thời gần gụi thương mến. My My xúc động ôm quyển nhật ký vào ngực!. Không biết lúc nầy du học ở Canada, Tum có nhớ gì không nhỉ!. My My thì không quên chú chim “E.Y.của tôi” Tum cho ngày xưa, nay là nick – neam “e.y.cuatoi” của My My trên mạng.
Bây giờ đang ngồi ở giảng đường đại học sư phạm, lại học khoa Sinh, nên những yêu thích về chim muông, cây, hoa, lá, của Tum luôn hiển hiện trong My My thường ngày.
Nay mai đứng trên bục giảng, cô giáo My My sẽ cố gắng truyền đạt cho các em học sinh thật nhiều tình yêu..., thật nhiều kiến thức... về môi trường sống của con người để các em tham gia bảo vệ tốt nhất.
Gấp quyển sổ nhật ký lại. Lòng My My rộn rã bao niềm vui. 
Tái bút cho truyện ngắn Tiếng chim "e.y.cuatoi":
My My! Anh đọc được tình yêu của em đúng vào thời điểm sắp đến mùa Noel năm nay, lòng của anh muốn hát lên bao khúc ca "em yêu của tôi" ("e.y.cuatoi") ơi!. Nhớ nhớ quá chừng những ngày ở quê (hương). Bây giờ anh ước gì... ông già Noel cho phép đằng vân anh bay cái vụt về ... bên em một chặp, không làm gì, chỉ ngồi lặng lẽ ngắm nhìn đôi mắt em, chiếc răng khểnh của em, rồi anh bay qua trở lại... Canada ngay, cũng vui lắm!.
À! Bên mình mưa lạnh phải không em? Em biết không mùa đông Canada kéo dài từ tháng mười hai đến tháng hai, nhiệt độ phần lớn các miền thường thấp hơn 0 độ cả ngày và đêm. Có khi có tuyết rơi nữa đấy!. Cái lạnh ở mình một ở đây gấp nhiều lần, nhất là ở vùng phía bắc lạnh lắm! Nơi anh đang ở Montral giờ nầy 9 độ.
Tối 24 lúc 22 giờ (VN) sau khi em đi Noel với bạn về, nhớ hát qua điện thoại bài em hay hát đó. Bài hát có câu gì ... à! "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời..." được không?.
 Anh Nguyễn Kon Tum.
                                                                                                                                H.V

Hòa Văn: Từ tâm


1. 
Tới chừ làng Cẩm Đồng còn nhớ chuyện: 
Hồi năm 1975 khi chiến tranh vừa kết thúc ai ai cũng thi nhau khai hoang vỡ hoá để có đất sản xuất. Cả biền bãi mé sông Thu Bồn ở đây mới có lưng nửa tháng đã sạch cỏ tranh; lau bói. Thế mà trong thửa đất hơn hai sào của ông Liêu lại có một chòm lau bói đứng chơ vơ...

 Ông An cuốc đất kế bên hỏi:
 “Chứ ông để mần chi?”.  

Vuốt những giọt mồ hôi trên tráng xong ông Liêu nói: 
 “Bên trong nớ có một tổ chim!”.
  
 Một thời gian sau từ nơi chòm lau bói có ba chú chim non chập chững tập chuyền!. 

 2. 
Xa quê Gò Nổi vô Sài Gòn từ những năm 60 nay ở tuổi “cổ lai hy” ông Trí vẫn không quên các chú chim chóc một thời trai trẻ từng thấy từng biết và ham thích... 
 Bởi vậy khi anh con trai của ông xây căn nhà mới ông đề nghị: 
“Con cho ba tầng thượng để nuôi chim...”.  

Sau hơn hai năm ông Trí mua hàng tạ thóc, đậu, mè, ngày nào cũng mang lên sân thượng tỉ mẩn rải... đến nay có hàng trăm... con chim đủ các loại không rõ từ đâu thường xuyên bay đến vui đùa với ông Trí như bạn thân trên sân thượng!. 
Quả là từ tâm./.

 HÒA VĂN

08/09/2019

Võ sĩ Trần Văn Kim



Võ sĩ Trần Văn Kim và các con ông.

Nhớ lại lần nói chuyện với võ sư Trần Văn Kim (con trai út của võ sư Trần Khương (1880 – 1968) tục danh là thầy Tư Phụng, chưởng môn nhân sáng lập võ phái Tứ Phụng – một võ phái nổi tiếng có nguồn gốc từ Gò Nổi, và là điểm xuất phát của hầu hết các môn phái võ ta sau này ở Quảng Nam – Đà Nẵng) hơn 20 năm trước và lúc đó tôi có viết trong một bài báo in ở địa phương: “Các môn võ nổi tiếng trên thế giới thì các đòn đá của chân bao giờ chân cũng cứng như một chiếc gậy, chỉ riêng võ ta thì chân lại mềm như chiếc roi, nó không cứng nhắc là thứ để tấn công mà còn có thể dùng để khều, móc, đạp, hất… (gồm 24 thế cước)! Các môn võ của thế giới thì bay cao, đánh xa; võ ta thì trườn sát đất, thoắt đã áp sát đối phương và những thế đòn quyết định nhất lại là cùi chỏ, đầu gối, gót chân! Chính vì vậy các môn võ như karate, taekwondo thường thất bại trong thi đấu tự do với võ ta. Xin đừng bắt các bạn gái phải lao lên kẹp cổ đối thủ như của vovinam. Biểu diễn đã khó coi, mà trong thi đấu cũng có hại!” Chính vì là môn võ dùng để đánh giặc, cứu nước nên các đòn của võ ta vô cùng hiểm, hạ gục đối phương càng nhanh càng tốt bất kể đó là bộ phận nào trên cơ thể. Chính vì vậy các thầy dạy võ ngày xưa bao giờ cũng chú ý đến việc rèn luyện nhân cách của học trò và chỉ truyền những đòn hiểm nhất cho người học trò chín chắn nhất, từ đó hình thành nên nền tư tưởng võ học vô cùng sâu sắc. Tiếc là nền võ học này chỉ truyền miệng và đến nay thì những người nắm được tinh hoa của nó đã vắng dần, võ sư Trần Văn Kim cũng vậy, chúng tôi đi tìm ông để hỏi lại chuyện cũ thì mới hay ông đã mất từ hơn mười năm trước. Học võ là để hoà chứ không phải để thắng Ai học võ mà không mơ thành nhà vô địch, thế nhưng với võ sư Trần Văn Kim thì ông đã được thầy, và cũng là cha mình, dạy một bài học khác về sự vô địch. Võ sư Trần Văn Kim kể: “Năm 17 tuổi, tôi đã hạ gục ngay trên võ đài một võ sĩ Thái Lan trong dịp sang thách đấu với Việt Nam. Võ sĩ này đã thắng anh tôi, tức nhà vô địch Trung kỳ lúc đó. Rất thoả mãn với chiến thắng này, tôi hỏi cha tôi: – Thưa cha, con đã thắng được võ sĩ vô địch Thái Lan, liệu con đã là người vô địch không? cha không đáp và cấm tôi vào sàn tập chín tháng vì tội lên võ đài mà không xin phép. Sau đó, khi trở lại tôi đã tiếp tục hạ ba học trò giỏi nhất của thầy, và tôi lại hỏi ông: – Thưa cha con đã thắng võ sĩ vô địch Thái Lan, lại thắng cả anh Khanh vô địch Bắc kỳ, anh Phúc vô địch Trung kỳ, vậy con đã trở thành nhà vô địch được chưa? Cha tôi gọi anh Sơn, là một võ sinh học võ chưa đầy năm nhưng thân hình thì to như hộ pháp ra đứng giữa sân rồi bảo tôi: – Con muốn được công nhận là nhà vô địch thì con đánh thằng Sơn đây trào máu họng cha xem. Đến lúc đó tôi vẫn chưa hiểu ý cha mình. Tôi thừa sức đánh cho Sơn hộc máu nhưng mấy lần hạ thủ tôi vẫn không thể ra được đòn độc. Và khi ý nghĩ chém vào yết hầu của Sơn vừa loé lên thì tôi chợt hiểu tất cả. Tôi quỳ sụp dưới chân cha mình. Ông nói: – Con mê cái danh vô địch mà làm cái gì. Cao nhơn tất hữu cao nhơn trị. Một phát súng của thằng khùng cũng có thể khiến con bỏ mạng. Nhà vô địch chỉ là con gà đá không hơn không kém. Học võ là để làm nhân chứ không phải để đi đấu như gà. Hơn nữa, muốn vô địch thì phải độc. Bất độc bất anh hùng. Cái danh đó không đáng để ta đánh đổi cả cuộc sống thanh thản của phần đời còn lại của mình đâu. Tôi nghe đó, hiểu cũng nhiều lời cha lúc đó, nhưng cả cuộc đời còn lại của mình cho đến lúc này tôi mới ngày càng hiểu được rằng học võ, đấu võ là để hoà chứ không phải để thắng! Sống ở đời cũng vậy, hãy tìm cái hoà trong các mối quan hệ chứ đừng cố công tìm lấy sự chiến thắng, trả giá lớn lắm!” Nếu đối thủ đứng ngang thì chỉ cần một cái đạp chân như thế võ này cũng khiến gãy đầu gối. kể xong câu chuyện, ông đọc: Ngày thường đừng có tự cao Khiêm cung lễ độ khác nào văn nho Gặp quân hung hãn đừng lo Nghệ cao, đảm đại đều do ở mình Khuyên ai luyện võ cho tinh Giữ thân giữ nước công trình nghìn thu… Võ ta đang mất đi? Học võ chứ không phải học múa! – võ sư Võ Kiểu nói. Các trường dạy võ cổ truyền của chúng ta hiện nay cứ võ sinh nào đi được hai, ba bài quyền quy định thì được cấp bằng võ sư. Chính vì cả xã hội đều thích loại võ biểu diễn, động tác bay lượn, nên võ ta đã dần bị quên lãng. Xét về góc độ học võ để hộ thân, để luyện rèn tính cách thì không môn phái võ nào bằng võ ta, nó vừa nhu lại cũng vừa cương, vừa dữ dội lại cũng vừa ôn hoà, vừa đẹp nhưng cũng vừa thiết thực. Nó thích hợp không chỉ cho người mạnh mẽ, ham muốn thi đấu mà còn thích hợp cho người yếu đuối, nhỏ con, cho phụ nữ. Những người còn nắm được tinh hoa môn võ này đều rất cao tuổi và ngày càng hiếm dần. Võ sư Võ Kiểu là người trong cuộc, lại có trí nhớ tốt, có khả năng diễn đạt và ông đã ngồi viết lại tất cả những câu chuyện về võ thuật miền Trung và Quảng Nam. Kỳ lạ là không một nhà xuất bản, không sở văn hoá nào tài trợ để ông in những cuốn sách vô cùng hay ấy để rồi ông phải bỏ tiền túi ra in rồi tự đi gởi bán. Tiền tài trợ cho nghiên cứu văn hoá và in các loại sách thơ ca, hồi ký trên cả nước là vô cùng lớn, sao lại khắt khe với những tập sách rất mỏng nhưng lại vô cùng quý giá của người võ sư này đến vậy?. 
Trích theo Phạm Nguyễn Phi Hùng