16/03/2020

Hòa Văn: KHÔNG HIỂU


 Không hiểu con vi vuhan* màu trắng đen hay vàng đốm** có điều nó tụt hết được mọi sự ỡm ờ lâu nay im lìm trong khe nước lã đó là sự thật cần soi rọi lương tâm đó là thước đo lòng nhân ái lâu nay phù phiếm sắp hàng chờ lên ngôi của bờ giác

03/03/2020

Hòa Văn: Giếng nước làng Đông Bàn



Theo “Ô châu cận lục” của Dương Văn An, làng Đông Bàn khai cơ lập nghiệp sớm trong 66 xã hiệu thuộc phủ Điện Bàn cũ (Triệu Phong, Thuận Hoá).

Chuyện xưa kể rằng, lúc bấy giờ nơi đây (Gò Nổi) dân cư thưa thớt, đất trời hoang sơ, núi rừng hiểm trở, các loài thú dữ, chim muông rình rập bao quanh. Tuy nhiên, đất đai màu mỡ, khai khẩn đến đâu gieo trồng đến đó hoa lợi tốt tươi mang lại lương thực, thực phẩm dồi dào. Hằng năm lũ lụt bồi đắp phù sa nên mùa màng thêm bội thu. Nguồn nước sinh hoạt có sông Thu Bồn, ngòi Đông Bàn nên không cần giếng khơi. Song, có một điều sau hàng trăm năm dân làng vào đây lập làng kể từ ngày vua Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi (Hồng Đức nhị niên 1471) nhưng dân cư làng Đông Bàn không phát triển mấy, lòng người không yên, có người định bỏ đi tìm vùng đất mới. Lũ lụt mỗi năm mỗi to và dữ dằn hơn như muốn cuốn phăng tất cả... Nước ngập xóm Nam Dương, Tây Hà, nước cuồn cuộn chảy xiết ngập xóm Tây Xuyên, Bắc Tân, Đông Hà, Hòa Bình, đến gần cuối làng, con nước xoáy mạnh xói lở nhiều năm thành bàu rộng đến trên ba mẫu đất (nay còn gọi cánh đồng bàu Lở). Dân làng bàn tính phương cách chống chọi lại với thiên tai, có người ý kiến tốt nhất nên dời khu dân cư ra xa nơi lũ xoáy để tránh tai hoạ. Bàn tới tính lui chưa có kế sách nào khả thi thì vào một đêm các cụ cao niên trong làng ngủ mơ thấy có một vị trưởng lão người quắc thước, râu tóc bạc phơ mách bảo: Dân làng hãy đào ở ngay rốn của vùng nước xoáy ấy một giếng nước mang hình trời đất vừa để lấy nước sinh hoạt, vừa khiến lũ sẽ không xoáy không gây xói lở nữa, đồng thời làng xóm sẽ hanh thông nhiều mặt!.
Y lời vị trưởng lão, dân làng Đông Bàn góp công góp sức xây một giếng nước sâu hơn 4,5 mét, phần chìm dưới mặt đất được khép đá hình cung thành giếng tròn (ý biểu trưng là trời), phần từ mặt đất trở lên (thành giếng) được ghép 4 miếng đá vào 4 cây trụ đá, có hai bờ thành đối xứng rộng 2,10 mét và hai thành đối xứng rộng 2,19 mét (biểu trưng là đất). Tại đây dân làng dựng om nhỏ, khắc bia ghi: “Tĩnh tuyền Long mạch Tứ Trụ Đông Bàn tôn Thần”. Tương truyền giếng nước Đông Bàn (còn gọi giếng Bốn Trụ) có hình chữ Tĩnh, nhiều cụ cao niên giảng giải ý nghĩa của giếng Ngũ thường: Phần giếng hình tròn từ đáy giếng đến mặt đất là Nhân, thành bờ giếng phía Đông là Nghĩa, phía Nam là Lễ, phía Tây là Trí và bờ thành giếng phía Bắc là Tín. 4 trụ thể hiện ước muốn hiển đạt khoa danh và cũng là Tứ đức.
Từ ngày đào giếng khơi thông long mạch, làng Đông Bàn hưng thịnh. Nước giếng trong xanh, ngon ngọt ngoài sử dụng ăn uống, làng còn dùng nước nầy nấu với các loại gạo từ các giống lúa co, ba trăng, lốc của quê nên cho ra rượu có hương vị đậm đà nổi tiếng.
Dân làng Đông Bàn có lệ thường tổ chức lễ rước nước giếng Đông Bàn về cúng lễ Kỳ Yên tại đình làng vào ngày mồng 10 tháng hai âm lịch. Nghi thức lễ rước nước được tổ chức trang trọng. Nước được đựng trong hũ bằng sành đặt trên kiệu do bốn người ăn mặc trang phục kiểu cổ khiêng. Trước và sau kiệu có các bậc cao niên, trung niên, thanh niên, và phụ nữ tháp tùng. Lại có người khua chiêng, đánh trống, người cầm cờ cỗ đi hai hàng dẫn đầu. Lệ tục này thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”.
Nguồn nước giếng làng Đông Bàn từng nuôi nấng bao thế hệ con dân của làng, nhiều người trở thành hiền tài giúp nước ích đời lưu lại tiếng thơm muôn thuở. Tiêu biểu như Tiến sĩ Phạm Phú Thứ - Nhà tư tưởng canh tân đất nước nổi tiếng thời Nguyễn. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Thị Hồng; Ông Đinh Bá Thi (Hồ Đảng), đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau 1975) tại Liên hiệp quốc, Tiến sĩ Toán học Phạm Phú Hiển...
Trải qua các thời kỳ chiến tranh, vùng Gò Nổi thành vành đai trắng, thế mà giếng nước Đông Bàn vẫn còn nguyên vẹn. Nguồn nước luôn luôn ngon ngọt và đặc biệt nước chưa bao giờ cạn. Giếng hiện tọa lạc tại xóm Hòa Bình, làng Đông Bàn (thôn Tân Bình 3, xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) là một trong các giếng cổ, là di tích văn hóa vật thể quý giá đang được xã bảo tồn phục vụ tham quan du lịch và khảo cổ.
Dù đi đâu, ở đâu, nói đến giếng nước làng Đông Bàn, người dân làng Đông Bàn và nhiều người Gò Nổi – Điện Bàn đều cảm thấy rất tự hào!./.
Hòa Văn
Bài đã đăng dienban.gov.quangnam

11/07/2012