31/10/2019

Amineh: BẢN BI CA





BẢN BI CA CHO SYRIA
 Bài thơ của Amineh,13 tuổi, đoạt giải thưởng thi ca Betjeman 2019 Anh Quốc 

Chim bồ câu Syrian kêu vang rền trên đầu tôi tiếng than oán của chúng
 khóc ngất trong mắt tôi. 
Tôi đang cố gắng vẽ ra 
một quê hương 
phù hợp với bài thơ của mình 
và không bị rúng động 
khi suy nghĩ 
nơi binh lính 
không dẵm đạp lên mặt tôi. 
Tôi đang cố gắng vẽ ra 
một quê hương 
nơi hãnh diện về tôi 
nếu có ngày 
tôi trở thành nhà thơ 
và cho phép tôi 
một khi tôi cần phải bật khóc. 
Tôi cố gắng vẽ ra 
một Thành Phố 
của Tình Yêu, Hòa bình, Hòa Hợp 
và Nhân Ái, không hỗn độn, chiến tranh, tàn phá và khổ đau. 
Ôi Syria, tình yêu của tôi 
Tôi nghe người rên van 
trong tiếng bồ câu 
ai oán 
tôi nghe người 
kêu gào. 
Tôi rời bỏ quê 
bỏ vùng đất xót xa 
bỏ hương hoa nhài thơm ngát 
đôi cánh tôi, như cánh người, gãy nát. 
Tôi đến từ Syria 
Từ mảnh đất 
nơi người ta 
lượm lên mảnh bánh mì vụn 
để nó không bị dẫm đạp 
Từ một nơi 
người mẹ dạy con trai của bà 
không được dẫm lên 
dù chỉ một con kiến, vào mỗi cuối ngày. 
Từ một nơi 
thằng bé gắng dấu đi điếu thuốc 
để tỏ lòng kính trọng người anh trai. 
Từ một nơi 
bà ngoại tưới đám hoa nhài 
mỗi bình minh. 
Từ một khu phố 
có hương cà-phê mỗi sáng 
Từ: mời cô, mời dì, mời cậu, mời chị với tấm lòng nhường nhịn 
Từ một nơi đã chịu đựng, chờ đợi, vẫn đang chờ đợi được cứu nạn. 
Syria. 
Tôi sẽ không làm thơ 
cho bất kỳ ai khác 
Ai đó có thể nào dạy 
cho tôi phải làm sao 
để tạo ra một quê hương? 
Tôi chân thành biết ơn 
và xin gởi lời cảm ơn
tha thiết nhất, từ căn nhà của đàn chim én, từ cây táo của đất mẹ Syria, với tất cả tình thân. Amineh Abou Kerech 
Hòa Bình Lê phỏng dịch
 --------
 “Tôi tìm từ ngữ khắp nơi,” Amineh Abou Kerech kể sau khi biết tin mình thắng giải Thi Ca Betjeman 2017 dành cho thiếu nhi từ 10 đến 13 tuổi. 
“Tôi học từ ngữ từ bài hát, phim ảnh, từ những gì tôi thấy trên máy điện toán, trên truyền hình. Và tôi nối chúng lại với nhau.” Em nói nghe như có vẽ dễ dàng đơn giản lắm, nhưng chị lớn của em thì nói khác, “Cả ngày em ấy cứ ngồi trong phòng thực tập và thực tập (tiếng Anh).” 
 Cũng như bao trẻ em sinh ra ở Hoa Ky, Amineh Abou Kerech ra đời tại đất nước Syria 13 năm trước, khi quê hương của em còn là một đất nước thanh bình hiền hòa. Em bắt đầu làm thơ trong 4 năm khi gia đình em lánh nạn ở Ai Cập, nhưng khi sang đến Anh Quốc vào mùa hè năm 2016, em tập trung hết sức vào việc học ngôn ngữ và hội nhập vào nền văn hóa hoàn toàn mới, em làm việc chăm chỉ gấp đôi để trau dồi chữ nghĩa để có thể nêu lên tiếng nói của mình. Bài thơ thắng giải thi ca Betjeman 2017 của em, Bản Bi Ca cho Syria, được viết một nửa bằng tiếng Anh, một nữa bằng tiếng Arabic, và được chị của em giúp dịch sang tiếng Anh hoàn toàn, nhờ cô giáo dạy tiếng Anh, và nhờ Google dịch. 
Tại buổi lễ nhận giải, đứng kế tượng đài của John Betjeman ở St Pancras, em đọc đoạn thơ đầu bằng tiếng Anh sau đó chuyển sang tiếng Arabic ở câu “Tôi đến từ Syria.” 
 Amineh vừa tròn tám tuổi khi gia đình em rời Syria. Cuộc nội chiến bắt đầu một năm trước đó, vào năm 2011, khởi chiến từ nhóm Arab và được khích động từ sự căm phẫn đối với chính quyền Assad. Khi đó gia đình em đang sống ở Darayya, một vùng ngoại ô của Damascus được biết đến như một khu vực chống chính quyền. Khi bạo loạn nổi dậy, Ba Mẹ của em là Tammam và Basmeh cùng các con nhỏ trốn chạy khỏi thành phố này.
 Họ lang thang khắp nơi suốt một năm trời, ăn, ngủ ở bất cứ nơi nào họ tìm được nơi trú ẩn, cho đến khi những vùng còn lại của đất nước Syria hoàn toàn không còn có chỗ dung chứa, họ trốn sang Ai Cập.
“Ở Syria, chúng tôi lúc nào cũng sợ hãi,” Amineh nói. Khi đi lánh nạn sang sống ở Cairo, mặc dù gia đình em mất tất cả (họ có một tiệm bán vải ở Damascus trước đó) và dù sống ở một điều kiện căn bản tối thiểu, Amineh cảm thấy bớt lo sợ. Em bắt đầu làm thơ, theo em, để diễn tả nỗi mất mát xa cách bằng từ ngữ. 
“Khi tôi nhớ đến Syria tôi buồn và khóc và tôi bắt đầu viết.” Sau bốn năm ở Ai Cập, gia đình em được nhận đi tị nạn ở Anh Quốc, định cư tại Oxford nơi Amineh và chị và em của em – Ftoun, 14 tuổi, và Mohammad, 11 tuổi – được trở lại trường học. Tại Oxford Spires, một học viện đa văn hóa phía tây thành phố nơi hơn 30 ngôn ngữ được sử dụng, chị em Amineh tham gia vào chương trình văn hóa do nhà thơ người Iraq là Adnan Al-Sayegh hướng dẫn. 
Tại đây các em gặp cô giáo/nhà văn Kate Clanchy, là giảng viên tại đây từ năm 2009, được cô tận tình dạy dỗ và khuyến khích tài năng của các em trong lớp học hàng tuần. Clanchy nhấn mạnh việc Amineh chỉ mới làm quen với tiếng Anh được một năm. 
Cô nói “Một số học sinh viết văn của tôi mất đi ngôn ngữ của các em khi còn rất nhỏ, các em đến định cư ở Anh Quốc và bỗng dưng mất đi khả năng kể chuyện của mình, điều này đôi khi có tác dụng mạnh, khiến các em tập trung vào bản thân. Ở lứa tuổi này các em có một khả năng đặc biệt trong việc đặt ra những câu cú, ngôn từ với vần điệu và âm thanh dị thường bằng tiếng Anh, khiến các em trở thành những nhà thơ nhỏ tuyệt vời.”
 Ban giám khảo giải thi ca thiếu nhi Betjeman đồng khẳng định bài thơ của Amineh nổi bật lên trên hẳn so với hơn 2000 bài thơ tham gia dự thi từ khắp các trường lớp ở Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan. 

Giám khảo Rachel Rooney chia xẻ: “Tôi thật sự cảm động. Bài thơ của em vừa tâm huyết vừa sâu sắc. Em hỏi: ‘Làm thế nào em có thể tìm lại quân bình bản thân qua một bài thơ? 
Làm thế nào em có thể tạo ra một quê hương trên trang giấy?” Và chính em đã làm được điều đó. Một cách tài giỏi.” Giám khảo Riddell thì cho rằng “Bài thơ đụng đến một vấn đề đương đại làm nhói tim chúng ta, thơ em vừa có tính trang trọng, nhưng cũng rất trẻ em được nhìn từ cặp mắt của một đứa trẻ. Nhưng dù nhìn từ bất kỳ khía cạnh nào, bài thơ tự nó xứng đáng được xếp vào vị trí thi ca.”  
Tuy tên gọi của giải thương nhân danh một nhà thơ người Anh, giải thi ca thiếu nhi Betjeman đại diện cho nhiều tiếng nói đa văn hóa từ khi được khởi xướng vào năm 2006. Đây là nhãn quan toàn cầu – một trong những em vào chung kết cùng với Amineh, 10 tuổi, Shanelle Furtado, vẽ ra cảnh nhà ông bà ngoại ở Mangalore qua sáu bài thơ haikus – cho thấy rằng không chỉ người lớn mới có những điều quan trọng cần lên tiếng. Bà Imogen Lycett Green giám đốc của giải thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của thi ca trong thế giới bấp bênh này: “Họ nhìn vào những sự kiện, nhìn vào đời sống, tình yêu và bản thân họ từ một vị trí ngoài rìa. Và khi nhìn nghiêng từ góc độ này, sự thật hiện ra. Nếu các nhà thơ người lớn tìm kiếm sự thật, tôi nghĩ trẻ em, là những người cầm bút đang lớn lên, còn gần với sự thật hơn nữa.” 
 Khi bài thơ của em đoạt giải, Amineh trông thật sửng sốt, rồi em vùi đầu mình vào lòng tay và nức nở. Sau khoảnh khắc đó, khi gia đình em tụ tập xung quanh chúc mừng em, khuôn mặt em sáng lên. “Thật là bất ngờ cho tôi, như một giấc mơ,” cha của em cho biết thi ca không nằm trong gia đình ông, “Tôi viết những điều đơn giản, nhưng sau chiến tranh, sau giai đoạn khốn khó, chúng tôi không nghĩ ra có điều gì cần viết xuống nữa. Chúng tôi thoát mạng và sống còn.” Vào cuối bài thơ, Amineh hỏi “Ai đó có thể nào dạy cho tôi / làm sao để tạo ra một quê hương?” Mặc dù tương lai của quê hương em vẫn còn xám xịt, em đã cảm thấy yên lành hơn ở quê nhà mới. Em tin tưởng nói: “Ở đây tôi cảm thấy vui lắm vì tôi có một tương lai và không còn phải sợ hãi nữa. Mọi thứ rồi sẽ ổn, và chúng tôi sẽ có bình an dài lâu.” 
 Gần đây, xu hướng của chính quyền Hoa Kỳ cũng như một số cường quốc trên thế giới nghiêng theo chiều hướng bảo thủ hướng nội, chống di dân, đóng cửa biên giới và quay lưng ngăn chặn người tị nạn. Tinh thần lạc quan của em bé tị nạn Syrian phần nào đem lại cho chúng ta chút hy vọng về tấm lòng giữa con người và con người trên trái đất, nhắc nhở rằng nhờ sự tử tế này mà chúng ta, những người tỵ nạn cộng sản, được sinh sống trên đất nước tự do và an lành. Trước thềm xuân Mậu Tuất cầu chúc một năm mới an lành và hòa bình. 
Xin mời đọc bài thơ Bản Bi Ca Cho Syria. Hòa Bình tổng hợp Từ 2011: Cuộc xung đột Syria đã giết chết hơn 320.000 người và cũng buộc hơn một nửa dân số rời khỏi nhà của họ. Trong khi khoảng 6,3 triệu người bị di tản trong nước, khoảng 5,5 triệu người là những người tị nạn ở các quốc gia gần đó. Theo UNHCR, họ là nhóm tị nạn lớn nhất thế giới. Gần một triệu người Syria đã xin tị nạn ở châu Âu. 
 (Theo Vietbao.com)

26/10/2019

Hòa Văn: SÔNG VĨNH ĐIỆN


Sông qua Vĩnh Điện ngọt ngào
Nửa dòng chảy nửa xôn xao níu bờ
Vì đâu ngơ ngẩn ngẩn ngơ
Bóng cầu in bóng giấc mơ... xưa về!.

08/10/2019

Hữu Dũng: THƯƠNG LẮM CHỢ LÀNG





Chợ Vải hay còn gọi là chợ Cũ, nằm cạnh bến sông (nay thuộc thôn Thanh Quýt  5) xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam. Chợ Vải có mặt ở làng tôi ( làng Thanh Quýt) tự bao giờ?
Thực hư thế nào tôi không rõ, theo các bậc cao niên kể lại: Chợ Vải hình thành do bà Vải. Bà Vải rất giỏi giang nghề canh cửi. Bà dạy cho dân làng làm bông, kéo sợi. Tiếng lành đồn xa, chị em các làng phụ cận đến đây học nghề và giao lưu sản phẩm may mặc, theo đó mà thành chợ. Nhớ ơn công đức, sau khi bà mất, dân làng đặt tên là chợ Vải và lập Miếu thờ. Hàng năm ngày đầu xuân, dân làng tổ chức tế lễ và tổ chức hát hò khoan đối đáp tại sân miếu.  Đây là chợ duy nhất của làng bấy giờ.  
Chợ Vải chỉ họp phiên buổi sáng, buổi chiều đông dưới quốc lộ 1A. Người mua, kẻ bán không chỉ người trong làng mà các làng phụ cận như: Điện Hòa, Điện Ngọc, Điện An… .  Bến sông đầu chợ ghe thuyền tấp nập từ thượng nguồn xuôi xuống, Hội An, Chợ Được (Duy Xuyên) ngược dòng đỗ bến và mang hàng hóa, sản phẩm địa phương để  bán mua, trao đổi. Trên bến dưới thuyền sầm uất, đông vui.
Chợ Vải không tường xây, mái ngói. Hai dãy lều lúp xúp, mái lợp rơm rạ. Trong lều đặt chiếc sạp làm bằng tre, trưng bày các mặt hàng, từ cây kim, sợi chỉ, mắm muối đến cân lợn, mớ rau… phục vụ cho dân nghèo.
Chiều đông, vắng người, đến chợ Vải mới cảm nhận hồn làng, tình xứ sở thân thương, dịu kỳ đến nên thơ. Bến sông sóng nước nhấp nhô vỗ bờ. Những mái lều phất phơ, lẫy bẫy; mẩu lá chuối khô vương vãi nâng mình lã lơi theo từng cơn bấc buốt da giữa không gian ảm đạm, êm đềm… như bức tranh quê mộc mạc, yên bình, khiến lòng người man mác, nao nao.    
 Chiến tranh tràn về, chợ Vải cùng đồng cam cộng khổ với dân làng và chứng kiến bao cảnh thăng trầm thời cuộc. Trong  đó, hình ảnh người thiếu niên quả cảm Nguyễn Đức Quýt Em liệu ai còn nhớ hay đã quên…?.
     Sau khi bắt bị tra tấn một cách dã man, bán sống, bán chết, Quýt Em quằn quại dùng sức lực yếu ớt của mình, cố lê lếch ra phia bờ sông đầu chợ ẩn náu. Do không ai băng bó, một đêm đau đớn, vết thương ra máu quá nhiều nên Quýt  Em vĩnh viễn ra đi ở tuổi trăng rằm để lại bao niềm tiếc thương vô hạn của dân làng và đồng đội. ( ghi theo lời kể của đồng đội)
Và biết bao kỷ niệm vui buồn của bao người đối với chợ Vải. Bây giờ chợ Vải không còn, vắng đôi tay thoăn thoắt, dịu dàng của bao thôn nữ dệt bông, kéo sợi. Bến sông hiu hắt, chạnh buồn. Tiếng ồn ã, nói cười tan vào thinh không. Chỉ còn lại bao niềm hoài cổ nhớ nhớ, thương thương hình bóng chợ làng xưa cũ. Ai một thời đến chợ làng được mẹ mua nào kẹo ú, kẹo mè, keo cau… bơ bở của bột, cay cay của gừng, ngọt lịm của đường thấm tan trên đầu lưỡi mới yêu Chợ Vải biết ngần nào !?.


https://hoavanruotra.blogspot.com/2019/10/huu-dung-thuong-lam-cho-lang.html?m=1

Hòa Văn: MÊNH MÔNG CHI XỨ



NƯỚC MÊNH MÔNG CHI XỨ

Tôi nghe câu này khi lên chín lên mười và chỉ nghe vậy thôi chứ không thắc mắc tại sao người quê tôi Gò Nổi - Điện Bàn, Quảng Nam lại nói như thế khi thấy nước lũ lụt đóng thềm nhà.
Tức là cả làng cả xóm trừ nền nhà ở còn lại lũ lụt đã ngập hết.
Khi viết bài thơ Ký ức lũ tôi định đưa "mênh mông chi xứ" vô nhưng không được tôi chỉ viết:
...
"Lũ về chìm nổi
Mênh mông mênh mông...
Trong xóm ngoài đồng
Gánh gồng gian khó
Tối lửa tắt đèn
Có nhau"
...
Mới đây gõ cụm từ "mênh mông chi xứ" vô google chỉ có duy nhất bài đăng trên báo Thừa Thiên Huế mới biết À Gò Nổi mình là đất tiên tổ xứ Thanh - Nghệ... vào khai cơ lập nghiệp cách nay 548 năm ông bà đi mang theo thổ ngữ ví như hói là lạch nước, và mênh mông chi xứ...
Thổ ngữ đẹp quá!.
H.V




          



 MÙA CÁ NHẢY

TTH - Thường thì giữa tháng 9 dương lịch, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống xối xả tràn đầy mấy cái hồ trong xóm thì dân xóm lụt nơi tôi ở gọi nhau i ới là mùa cá nhảy đã về. Bây giờ ở lâu thành quen, đến mùa tôi cũng mang thau đi nhặt cá nhảy như mọi người.





Nhớ mùa đầu tiên đến ở xóm này tôi không hề biết điều đó. Chỉ nhớ sau mấy ngày u ám, mưa to gió lớn, một sớm mai thức dậy đi làm. Tôi thấy nước lênh láng đầy đường xóm mà ngao ngán. Có nghe đài hay báo nói lũ lụt gì đâu mà trước sân nhà, rồi quanh vườn và cả xóm ngập chìm trong nước. Bây giờ mới thấm thía vì sao họ gọi vùng đất này là xóm lụt. Trước đây khi quyết định mua đất ở xóm nhỏ này, tôi nghĩ khá đơn giản chỉ cần làm nền cho cao thì mọi sự không liên quan chi đến mình. Hóa ra người tính không bằng trời tính, mưa thì mới mấy trộ, không nghe đài báo nói chi về lụt, vậy mà quanh xóm đâu cũng có nước. Cái này người ta quen gọi là nước ứ, nước ngập ở những vùng trũng, hay còn gọi là ngập cục bộ.

NƯỚC MÊNH MÔNG CHI XỨ (*) như vậy nhưng cũng phải đi làm, nguyên lội ra cho hết cái xóm này thôi cũng đủ làm xe chết máy và xâm xoàng vì hai cẳng chân như muốn dị ứng vì nước dơ. Chưa hết bàng hoàng vì sự tình dân xóm lụt, với ý nghĩ hèn chi xóm ni không giàu nổi thì thấy nơi cái hồ cạnh nhà nhiều tia nước vọt lên cao mà giật mình. Định thần nhìn kỹ, hóa ra nhiều con cá quăng mình, nhảy tanh tách từ mấy cái hồ lên mặt đường và chúng trườn mình trong nước. Nhìn kỹ chỉ thấy toàn cá rô, những con cá có màu xám đen, kỳ rất sắc. Cứ nghĩ lũ cá rô chắc thấy nước mát búng mình lên dạo chơi rồi mắc cạn nên lần lượt từng con một tôi ném chúng xuống hồ. Vừa chạm xuống mặt nước mấy con cá rô đẹn trùi trũi lại nhảy lên, búng mình ra đám cỏ ven bờ rồi trườn mình ra lối đi, có con may mắn hơn nhảy sang ao hồ bên cạnh. Thôi thì đã thương cố thương cho trót, tôi lại ném chúng xuống hồ lần nữa và chúng lại tiếp tục nhảy lên. Lần thứ ba này tôi không đủ kiên nhẫn để trả chúng về với thiên nhiên mặc dù chúng đã có màn chào sân lý thú như vậy, tôi đem tất cả số cá mình lượm được bỏ vào cái thau và tạ ơn trời với màn bất chiến tự nhiên thành.

Chuyện sáng ra nhặt được bầy cá rô béo ngậy làm tôi suy nghĩ, chắc cá nhảy lên bờ để sinh đẻ đây? Mà cũng có thể là điềm lành gì đây? Chưa hết băn khoăn thì thấy mấy nhà trong xóm cũng ra nhặt cá, họ cười nói râm ran như quên đi bao phiền toái của chuyện hậu lũ lụt khi rác rưởi tấp đầy xóm.

Mấy con cá rô chỉ nhảy lên bờ vài hôm đầu rồi thôi. Thì có còn cá nữa đâu để tái diễn màn ngư ông đắc lợi. Giờ thì tôi đã hiểu cá rô chỉ đẻ vào tháng 4, chúng có tập quán di cư từ hồ này sang hồ khác bằng cách búng mình lên như thế. Qúa trình ấy của đám cá rô xóm tôi đã không thành vì cả xóm ai cũng trông chờ mùa nước ngập này để tóm chúng. Khỏi phải nói cảnh đi nhặt cá trong xóm đông vui đến chừng nào, ai cũng thấy mình may mắn khi không mà có cá ăn. Ôi hạnh phúc của cư dân xóm lụt này tưởng như chưa bao giờ gần gũi đến vậy.

Năm nay mùa mưa đến muộn. Mấy cái hồ trong xóm tôi đang vào tình trạng thiếu nước, không biết lũ cá rô trốn mình đi đâu trong đám rong rêu gần như trơ tận đáy này. Đến đầu tháng 12 dương lịch mới có những đợt mưa đầu tiên. Dạo này đường xóm được nâng cao mấy tấc nên đám cá nhảy lên bờ nằm phơi mình trên mấy bụi cỏ xâm xấp nước. Cả xóm xắn quần đi nhặt cá. Những con cá rô chiên giòn chấm với nước mắm chanh tỏi sao hấp dẫn lạ. Có nhà là bữa cơm ngon lành hứa hẹn, có nhà là buổi mưu sinh cho qua ngày đông. Dẫu sao mùa cá nhảy với tôi đang là điều gắn liền với nơi tôi sinh sống, là cái xóm lụt nghèo có mùa cá nhảy buổi đông về...

Nguyễn Thị Nguyên Hương

-----
(*): Chữ In hoa là do H.V vi tính lại. Nguyên bản chữ thường.