31/10/2019

Amineh: BẢN BI CA





BẢN BI CA CHO SYRIA
 Bài thơ của Amineh,13 tuổi, đoạt giải thưởng thi ca Betjeman 2019 Anh Quốc 

Chim bồ câu Syrian kêu vang rền trên đầu tôi tiếng than oán của chúng
 khóc ngất trong mắt tôi. 
Tôi đang cố gắng vẽ ra 
một quê hương 
phù hợp với bài thơ của mình 
và không bị rúng động 
khi suy nghĩ 
nơi binh lính 
không dẵm đạp lên mặt tôi. 
Tôi đang cố gắng vẽ ra 
một quê hương 
nơi hãnh diện về tôi 
nếu có ngày 
tôi trở thành nhà thơ 
và cho phép tôi 
một khi tôi cần phải bật khóc. 
Tôi cố gắng vẽ ra 
một Thành Phố 
của Tình Yêu, Hòa bình, Hòa Hợp 
và Nhân Ái, không hỗn độn, chiến tranh, tàn phá và khổ đau. 
Ôi Syria, tình yêu của tôi 
Tôi nghe người rên van 
trong tiếng bồ câu 
ai oán 
tôi nghe người 
kêu gào. 
Tôi rời bỏ quê 
bỏ vùng đất xót xa 
bỏ hương hoa nhài thơm ngát 
đôi cánh tôi, như cánh người, gãy nát. 
Tôi đến từ Syria 
Từ mảnh đất 
nơi người ta 
lượm lên mảnh bánh mì vụn 
để nó không bị dẫm đạp 
Từ một nơi 
người mẹ dạy con trai của bà 
không được dẫm lên 
dù chỉ một con kiến, vào mỗi cuối ngày. 
Từ một nơi 
thằng bé gắng dấu đi điếu thuốc 
để tỏ lòng kính trọng người anh trai. 
Từ một nơi 
bà ngoại tưới đám hoa nhài 
mỗi bình minh. 
Từ một khu phố 
có hương cà-phê mỗi sáng 
Từ: mời cô, mời dì, mời cậu, mời chị với tấm lòng nhường nhịn 
Từ một nơi đã chịu đựng, chờ đợi, vẫn đang chờ đợi được cứu nạn. 
Syria. 
Tôi sẽ không làm thơ 
cho bất kỳ ai khác 
Ai đó có thể nào dạy 
cho tôi phải làm sao 
để tạo ra một quê hương? 
Tôi chân thành biết ơn 
và xin gởi lời cảm ơn
tha thiết nhất, từ căn nhà của đàn chim én, từ cây táo của đất mẹ Syria, với tất cả tình thân. Amineh Abou Kerech 
Hòa Bình Lê phỏng dịch
 --------
 “Tôi tìm từ ngữ khắp nơi,” Amineh Abou Kerech kể sau khi biết tin mình thắng giải Thi Ca Betjeman 2017 dành cho thiếu nhi từ 10 đến 13 tuổi. 
“Tôi học từ ngữ từ bài hát, phim ảnh, từ những gì tôi thấy trên máy điện toán, trên truyền hình. Và tôi nối chúng lại với nhau.” Em nói nghe như có vẽ dễ dàng đơn giản lắm, nhưng chị lớn của em thì nói khác, “Cả ngày em ấy cứ ngồi trong phòng thực tập và thực tập (tiếng Anh).” 
 Cũng như bao trẻ em sinh ra ở Hoa Ky, Amineh Abou Kerech ra đời tại đất nước Syria 13 năm trước, khi quê hương của em còn là một đất nước thanh bình hiền hòa. Em bắt đầu làm thơ trong 4 năm khi gia đình em lánh nạn ở Ai Cập, nhưng khi sang đến Anh Quốc vào mùa hè năm 2016, em tập trung hết sức vào việc học ngôn ngữ và hội nhập vào nền văn hóa hoàn toàn mới, em làm việc chăm chỉ gấp đôi để trau dồi chữ nghĩa để có thể nêu lên tiếng nói của mình. Bài thơ thắng giải thi ca Betjeman 2017 của em, Bản Bi Ca cho Syria, được viết một nửa bằng tiếng Anh, một nữa bằng tiếng Arabic, và được chị của em giúp dịch sang tiếng Anh hoàn toàn, nhờ cô giáo dạy tiếng Anh, và nhờ Google dịch. 
Tại buổi lễ nhận giải, đứng kế tượng đài của John Betjeman ở St Pancras, em đọc đoạn thơ đầu bằng tiếng Anh sau đó chuyển sang tiếng Arabic ở câu “Tôi đến từ Syria.” 
 Amineh vừa tròn tám tuổi khi gia đình em rời Syria. Cuộc nội chiến bắt đầu một năm trước đó, vào năm 2011, khởi chiến từ nhóm Arab và được khích động từ sự căm phẫn đối với chính quyền Assad. Khi đó gia đình em đang sống ở Darayya, một vùng ngoại ô của Damascus được biết đến như một khu vực chống chính quyền. Khi bạo loạn nổi dậy, Ba Mẹ của em là Tammam và Basmeh cùng các con nhỏ trốn chạy khỏi thành phố này.
 Họ lang thang khắp nơi suốt một năm trời, ăn, ngủ ở bất cứ nơi nào họ tìm được nơi trú ẩn, cho đến khi những vùng còn lại của đất nước Syria hoàn toàn không còn có chỗ dung chứa, họ trốn sang Ai Cập.
“Ở Syria, chúng tôi lúc nào cũng sợ hãi,” Amineh nói. Khi đi lánh nạn sang sống ở Cairo, mặc dù gia đình em mất tất cả (họ có một tiệm bán vải ở Damascus trước đó) và dù sống ở một điều kiện căn bản tối thiểu, Amineh cảm thấy bớt lo sợ. Em bắt đầu làm thơ, theo em, để diễn tả nỗi mất mát xa cách bằng từ ngữ. 
“Khi tôi nhớ đến Syria tôi buồn và khóc và tôi bắt đầu viết.” Sau bốn năm ở Ai Cập, gia đình em được nhận đi tị nạn ở Anh Quốc, định cư tại Oxford nơi Amineh và chị và em của em – Ftoun, 14 tuổi, và Mohammad, 11 tuổi – được trở lại trường học. Tại Oxford Spires, một học viện đa văn hóa phía tây thành phố nơi hơn 30 ngôn ngữ được sử dụng, chị em Amineh tham gia vào chương trình văn hóa do nhà thơ người Iraq là Adnan Al-Sayegh hướng dẫn. 
Tại đây các em gặp cô giáo/nhà văn Kate Clanchy, là giảng viên tại đây từ năm 2009, được cô tận tình dạy dỗ và khuyến khích tài năng của các em trong lớp học hàng tuần. Clanchy nhấn mạnh việc Amineh chỉ mới làm quen với tiếng Anh được một năm. 
Cô nói “Một số học sinh viết văn của tôi mất đi ngôn ngữ của các em khi còn rất nhỏ, các em đến định cư ở Anh Quốc và bỗng dưng mất đi khả năng kể chuyện của mình, điều này đôi khi có tác dụng mạnh, khiến các em tập trung vào bản thân. Ở lứa tuổi này các em có một khả năng đặc biệt trong việc đặt ra những câu cú, ngôn từ với vần điệu và âm thanh dị thường bằng tiếng Anh, khiến các em trở thành những nhà thơ nhỏ tuyệt vời.”
 Ban giám khảo giải thi ca thiếu nhi Betjeman đồng khẳng định bài thơ của Amineh nổi bật lên trên hẳn so với hơn 2000 bài thơ tham gia dự thi từ khắp các trường lớp ở Anh Quốc và Ái Nhĩ Lan. 

Giám khảo Rachel Rooney chia xẻ: “Tôi thật sự cảm động. Bài thơ của em vừa tâm huyết vừa sâu sắc. Em hỏi: ‘Làm thế nào em có thể tìm lại quân bình bản thân qua một bài thơ? 
Làm thế nào em có thể tạo ra một quê hương trên trang giấy?” Và chính em đã làm được điều đó. Một cách tài giỏi.” Giám khảo Riddell thì cho rằng “Bài thơ đụng đến một vấn đề đương đại làm nhói tim chúng ta, thơ em vừa có tính trang trọng, nhưng cũng rất trẻ em được nhìn từ cặp mắt của một đứa trẻ. Nhưng dù nhìn từ bất kỳ khía cạnh nào, bài thơ tự nó xứng đáng được xếp vào vị trí thi ca.”  
Tuy tên gọi của giải thương nhân danh một nhà thơ người Anh, giải thi ca thiếu nhi Betjeman đại diện cho nhiều tiếng nói đa văn hóa từ khi được khởi xướng vào năm 2006. Đây là nhãn quan toàn cầu – một trong những em vào chung kết cùng với Amineh, 10 tuổi, Shanelle Furtado, vẽ ra cảnh nhà ông bà ngoại ở Mangalore qua sáu bài thơ haikus – cho thấy rằng không chỉ người lớn mới có những điều quan trọng cần lên tiếng. Bà Imogen Lycett Green giám đốc của giải thưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của thi ca trong thế giới bấp bênh này: “Họ nhìn vào những sự kiện, nhìn vào đời sống, tình yêu và bản thân họ từ một vị trí ngoài rìa. Và khi nhìn nghiêng từ góc độ này, sự thật hiện ra. Nếu các nhà thơ người lớn tìm kiếm sự thật, tôi nghĩ trẻ em, là những người cầm bút đang lớn lên, còn gần với sự thật hơn nữa.” 
 Khi bài thơ của em đoạt giải, Amineh trông thật sửng sốt, rồi em vùi đầu mình vào lòng tay và nức nở. Sau khoảnh khắc đó, khi gia đình em tụ tập xung quanh chúc mừng em, khuôn mặt em sáng lên. “Thật là bất ngờ cho tôi, như một giấc mơ,” cha của em cho biết thi ca không nằm trong gia đình ông, “Tôi viết những điều đơn giản, nhưng sau chiến tranh, sau giai đoạn khốn khó, chúng tôi không nghĩ ra có điều gì cần viết xuống nữa. Chúng tôi thoát mạng và sống còn.” Vào cuối bài thơ, Amineh hỏi “Ai đó có thể nào dạy cho tôi / làm sao để tạo ra một quê hương?” Mặc dù tương lai của quê hương em vẫn còn xám xịt, em đã cảm thấy yên lành hơn ở quê nhà mới. Em tin tưởng nói: “Ở đây tôi cảm thấy vui lắm vì tôi có một tương lai và không còn phải sợ hãi nữa. Mọi thứ rồi sẽ ổn, và chúng tôi sẽ có bình an dài lâu.” 
 Gần đây, xu hướng của chính quyền Hoa Kỳ cũng như một số cường quốc trên thế giới nghiêng theo chiều hướng bảo thủ hướng nội, chống di dân, đóng cửa biên giới và quay lưng ngăn chặn người tị nạn. Tinh thần lạc quan của em bé tị nạn Syrian phần nào đem lại cho chúng ta chút hy vọng về tấm lòng giữa con người và con người trên trái đất, nhắc nhở rằng nhờ sự tử tế này mà chúng ta, những người tỵ nạn cộng sản, được sinh sống trên đất nước tự do và an lành. Trước thềm xuân Mậu Tuất cầu chúc một năm mới an lành và hòa bình. 
Xin mời đọc bài thơ Bản Bi Ca Cho Syria. Hòa Bình tổng hợp Từ 2011: Cuộc xung đột Syria đã giết chết hơn 320.000 người và cũng buộc hơn một nửa dân số rời khỏi nhà của họ. Trong khi khoảng 6,3 triệu người bị di tản trong nước, khoảng 5,5 triệu người là những người tị nạn ở các quốc gia gần đó. Theo UNHCR, họ là nhóm tị nạn lớn nhất thế giới. Gần một triệu người Syria đã xin tị nạn ở châu Âu. 
 (Theo Vietbao.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét