08/09/2019

Võ sĩ Trần Văn Kim



Võ sĩ Trần Văn Kim và các con ông.

Nhớ lại lần nói chuyện với võ sư Trần Văn Kim (con trai út của võ sư Trần Khương (1880 – 1968) tục danh là thầy Tư Phụng, chưởng môn nhân sáng lập võ phái Tứ Phụng – một võ phái nổi tiếng có nguồn gốc từ Gò Nổi, và là điểm xuất phát của hầu hết các môn phái võ ta sau này ở Quảng Nam – Đà Nẵng) hơn 20 năm trước và lúc đó tôi có viết trong một bài báo in ở địa phương: “Các môn võ nổi tiếng trên thế giới thì các đòn đá của chân bao giờ chân cũng cứng như một chiếc gậy, chỉ riêng võ ta thì chân lại mềm như chiếc roi, nó không cứng nhắc là thứ để tấn công mà còn có thể dùng để khều, móc, đạp, hất… (gồm 24 thế cước)! Các môn võ của thế giới thì bay cao, đánh xa; võ ta thì trườn sát đất, thoắt đã áp sát đối phương và những thế đòn quyết định nhất lại là cùi chỏ, đầu gối, gót chân! Chính vì vậy các môn võ như karate, taekwondo thường thất bại trong thi đấu tự do với võ ta. Xin đừng bắt các bạn gái phải lao lên kẹp cổ đối thủ như của vovinam. Biểu diễn đã khó coi, mà trong thi đấu cũng có hại!” Chính vì là môn võ dùng để đánh giặc, cứu nước nên các đòn của võ ta vô cùng hiểm, hạ gục đối phương càng nhanh càng tốt bất kể đó là bộ phận nào trên cơ thể. Chính vì vậy các thầy dạy võ ngày xưa bao giờ cũng chú ý đến việc rèn luyện nhân cách của học trò và chỉ truyền những đòn hiểm nhất cho người học trò chín chắn nhất, từ đó hình thành nên nền tư tưởng võ học vô cùng sâu sắc. Tiếc là nền võ học này chỉ truyền miệng và đến nay thì những người nắm được tinh hoa của nó đã vắng dần, võ sư Trần Văn Kim cũng vậy, chúng tôi đi tìm ông để hỏi lại chuyện cũ thì mới hay ông đã mất từ hơn mười năm trước. Học võ là để hoà chứ không phải để thắng Ai học võ mà không mơ thành nhà vô địch, thế nhưng với võ sư Trần Văn Kim thì ông đã được thầy, và cũng là cha mình, dạy một bài học khác về sự vô địch. Võ sư Trần Văn Kim kể: “Năm 17 tuổi, tôi đã hạ gục ngay trên võ đài một võ sĩ Thái Lan trong dịp sang thách đấu với Việt Nam. Võ sĩ này đã thắng anh tôi, tức nhà vô địch Trung kỳ lúc đó. Rất thoả mãn với chiến thắng này, tôi hỏi cha tôi: – Thưa cha, con đã thắng được võ sĩ vô địch Thái Lan, liệu con đã là người vô địch không? cha không đáp và cấm tôi vào sàn tập chín tháng vì tội lên võ đài mà không xin phép. Sau đó, khi trở lại tôi đã tiếp tục hạ ba học trò giỏi nhất của thầy, và tôi lại hỏi ông: – Thưa cha con đã thắng võ sĩ vô địch Thái Lan, lại thắng cả anh Khanh vô địch Bắc kỳ, anh Phúc vô địch Trung kỳ, vậy con đã trở thành nhà vô địch được chưa? Cha tôi gọi anh Sơn, là một võ sinh học võ chưa đầy năm nhưng thân hình thì to như hộ pháp ra đứng giữa sân rồi bảo tôi: – Con muốn được công nhận là nhà vô địch thì con đánh thằng Sơn đây trào máu họng cha xem. Đến lúc đó tôi vẫn chưa hiểu ý cha mình. Tôi thừa sức đánh cho Sơn hộc máu nhưng mấy lần hạ thủ tôi vẫn không thể ra được đòn độc. Và khi ý nghĩ chém vào yết hầu của Sơn vừa loé lên thì tôi chợt hiểu tất cả. Tôi quỳ sụp dưới chân cha mình. Ông nói: – Con mê cái danh vô địch mà làm cái gì. Cao nhơn tất hữu cao nhơn trị. Một phát súng của thằng khùng cũng có thể khiến con bỏ mạng. Nhà vô địch chỉ là con gà đá không hơn không kém. Học võ là để làm nhân chứ không phải để đi đấu như gà. Hơn nữa, muốn vô địch thì phải độc. Bất độc bất anh hùng. Cái danh đó không đáng để ta đánh đổi cả cuộc sống thanh thản của phần đời còn lại của mình đâu. Tôi nghe đó, hiểu cũng nhiều lời cha lúc đó, nhưng cả cuộc đời còn lại của mình cho đến lúc này tôi mới ngày càng hiểu được rằng học võ, đấu võ là để hoà chứ không phải để thắng! Sống ở đời cũng vậy, hãy tìm cái hoà trong các mối quan hệ chứ đừng cố công tìm lấy sự chiến thắng, trả giá lớn lắm!” Nếu đối thủ đứng ngang thì chỉ cần một cái đạp chân như thế võ này cũng khiến gãy đầu gối. kể xong câu chuyện, ông đọc: Ngày thường đừng có tự cao Khiêm cung lễ độ khác nào văn nho Gặp quân hung hãn đừng lo Nghệ cao, đảm đại đều do ở mình Khuyên ai luyện võ cho tinh Giữ thân giữ nước công trình nghìn thu… Võ ta đang mất đi? Học võ chứ không phải học múa! – võ sư Võ Kiểu nói. Các trường dạy võ cổ truyền của chúng ta hiện nay cứ võ sinh nào đi được hai, ba bài quyền quy định thì được cấp bằng võ sư. Chính vì cả xã hội đều thích loại võ biểu diễn, động tác bay lượn, nên võ ta đã dần bị quên lãng. Xét về góc độ học võ để hộ thân, để luyện rèn tính cách thì không môn phái võ nào bằng võ ta, nó vừa nhu lại cũng vừa cương, vừa dữ dội lại cũng vừa ôn hoà, vừa đẹp nhưng cũng vừa thiết thực. Nó thích hợp không chỉ cho người mạnh mẽ, ham muốn thi đấu mà còn thích hợp cho người yếu đuối, nhỏ con, cho phụ nữ. Những người còn nắm được tinh hoa môn võ này đều rất cao tuổi và ngày càng hiếm dần. Võ sư Võ Kiểu là người trong cuộc, lại có trí nhớ tốt, có khả năng diễn đạt và ông đã ngồi viết lại tất cả những câu chuyện về võ thuật miền Trung và Quảng Nam. Kỳ lạ là không một nhà xuất bản, không sở văn hoá nào tài trợ để ông in những cuốn sách vô cùng hay ấy để rồi ông phải bỏ tiền túi ra in rồi tự đi gởi bán. Tiền tài trợ cho nghiên cứu văn hoá và in các loại sách thơ ca, hồi ký trên cả nước là vô cùng lớn, sao lại khắt khe với những tập sách rất mỏng nhưng lại vô cùng quý giá của người võ sư này đến vậy?. 
Trích theo Phạm Nguyễn Phi Hùng

1 nhận xét:

  1. chú ơi, cho phép con được nói lên vài điều, chú làm blog này thì trên máy tính đọc được chứ điện thoại đọc khong được, chú chỉnh sữa lại mã nguồn tí để điện thoại đọc được đi ạ

    Trả lờiXóa