Truyện ngắn
HỒI mới hòa bình về lại quê, Tri có một thời cùng anh em thanh niên trong xã đi nông trường Quyết Thắng trồng chè nên gọi Tri chè, để phân biệt với Tri ở cuối xóm – tới giờ trên năm lăm tuổi rồi mọi người vẫn gọi thế.
Lâu quá tôi mới có dịp ghé lại nhà thăm và rủ nhau đi lên đồi núi chơi. Ông Tin cha của Tri chè, người trông hơi mệt nhưng vui lắm vì trước đây khi chưa đi Sài Gòn, tôi thân với gia đình và cùng Tri đi trầm. Ông Tin tuổi đã trên tám mươi, da dẻ hồng hào, người cứng cáp sắc thái đĩnh đạc. Tôi khen “Tri ở vậy nuôi ông già, chắc ghê!” Hình như câu lỡ lời của tôi chạm vào nỗi niềm thầm kín của ông, khi đứa con trai độc nhất ở tuổi “tri thiên mệnh” rồi mà chẳng chịu lập gia đình, khiến ông Tin buồn thiu quay mặt vào vách tường khúc khắc ho.
Tôi đánh trống lảng: “Như Tri mà được, chứ kiểu thằng Vương có vợ bằng không!” Ông Tin nói: “Kể chi vợ con thằng nớ!”.
Tri chè cười cười rồi giục tôi đi kẻo trễ. Nhìn những quả đồi trơ trụi, tôi bần thần như người mất hồn, không tin nỗi cớ sự đến như thế nầy!. Nơi mà chỉ cách đây hai mươi mấy năm rừng có rất nhiều loại gỗ quí hiếm, cây lá bạt ngàn, đi cả ngày không thấy vạt nắng nào rộng hơn cái nong phơi lúa.
Tri nói: “Mấy hôm nay trời mưa không khí dịu bớt, chứ nếu không chừ oi bức nắng rát da không chụi nỗi đâu!!”.
Đâu rồi tiếng chim hót véo von, tiếng nước suối róc rách chảy! Dạo ấy tôi rất thích vườn chim cu gáy ở nơi đây. Không rõ chúng tụ tập lại làm tổ từ bao giờ, mà sinh nở ra rất đông đúc. Khi chứng kiến cảnh chim mẹ đút mồi cho con ăn mới thấy hết tình “mẫu tử” của loài vật đâu kém con người?. Mỗi lần nghe tăm hơi chim mẹ vỗ cánh bay về, chim non nằm trong ổ nôn nả há mỏ to hết cỡ để chim mẹ mớm mồi. Mọi sự việc bình thản đáng yêu quá! Được cái không ai phá phách tổ hay bắt chim nhờ thế đàn chim chẳng có chút gì sợ sệt con người. Thế mà giờ… Tri kéo tôi đi…
***
Hương trời đất theo gió bám vào nơi trầy xướt trên thân cây dó bầu, lâu ngày biến thành trầm hương. Đó là theo tương truyền dân gian còn khoa học xác định khi cây dó bị thương tích, chất dầu trong cây tụ lại đề kháng bệnh, dần dần chuyển hóa thành trầm. Kinh nghiệm những cây dó có trầm thân cành thường xơ xác.
Những chuyến đi tìm trầm hương kéo dài. Có một đêm đang ngủ say, tôi bổng thấy tất cả rừng bị huỷ diệt. Không như chuyện cổ tích Công chúa ngủ trong rừng, từng nghe cậu Tám kể hồi còn học lớp 4 trường làng, với bao hình ảnh tươi đẹp của quê hương, nào là có bà tiên Hiền, cô tiên Lành, trìu mến yêu thương trẻ thơ, khuyên nhủ mọi người hãy giữ gìn môi trường sinh thái tự nhiên và lúc nào cô Tiên cũng tặng cho tuổi thơ những điều ước tốt đẹp.
Trong cơn ác mộng tôi thấy bọn quỷ dạ xoa đang tâm đốt cả đại ngàn. Lửa ngùn ngụt bốc cháy, cháy, cháy… Muông thú chạy tán loạn… Cây cối to nhỏ quằn quại đau đớn trong lửa đỏ. Bầu trời mù mịt khói và tro bụi. Từng đàn, từng đàn chim chơi vơi bay, bay… Không biết chúng chạy và bay về đâu?. Bị mắc kẹt bịt bùng trong đám lửa khói cháy, tôi hoảng hốt, miệng ú ớ liên hồi... chân cố hết sức chạy thoát, nhưng chẳng được… cả người như đang bị một vật gì đó quá nặng đè bẹp xuống đất...
Bỗng bà Tiên Hiền xuất hiện nắm tay tôi kéo bay vút đi lên không trung.
***
Mới đó đã qua trên hai mươi mấy năm. Giờ không chỉ là giấc mơ, mọi việc đang xảy ra rành rành... Rừng… rưng rưng.
Tri chè vẫn y nguyên hồi xưa, suốt một buổi tâm sự chuyện cũ chuyện mới rôm rả, mặc cho ai nói gì thì nói anh chỉ ngồi cười cười, nụ cười giống hệt nụ cười của các bà mẹ vùng trung du nầy, rất hiền và ẩn chứa mạch sống mãnh liệt của núi rừng thuở nào!. Nhiều người tỏ ý lo ngại trước sức tàn phá không nương tay của con người, núi rừng sông suối ngày một hoang tàn, môi trường bị huỷ hoại…
Tri chè cũng chỉ cười cười nói: “Biết làm răng chừ!”./.
Hòa Văn
(4/2012)
-----
Ảnh: Internet