Như nhiều làng quê xưa ở Điện Bàn (Quảng Nam) đất đai tiếng là màu mỡ nhưng dân làng Đông Bàn quanh năm cơ hàn do chỉ sản xuất lúa gieo, trồng khoai trồng sắn... tất cả được mất trông ở trời. Gặp năm hạn hán mùa màng thất bát, năm thuận cỏ dại mọc nhiều hơn lúa nên công chăm sóc nhổ cỏ rất cực nhọc, năng suất trúng lắm cũng chỉ đạt trên 10 ang một sào.
Tình cảnh ấy kéo dài cho đến khi cụ Phạm Phú Thứ - Tiến sĩ, người con của làng, đưa mô hình xe gió ở Ai Cập về quê làm thành xe đạp nước, phục vụ cấy lúa nước, cuộc sống dân làng mới khấm khá.
Đó là vào tháng 6 năm 1863, nhân chuyến đi Pháp và Tây Ban Nha theo dụ vua Tự Đức nhằm điều đình chuộc lại 3 tỉnh ở Nam Kỳ. Hành trình dài gần một năm từ 21. 6. 1863 đến 28. 3. 1864, cụ Phạm Phú Thứ đã học kỹ thuật làm xe "đạp nước" của dân bản xứ ở Ai Cập và khi về nước truyền lại cho dân làng Đông Bàn.
Xe đạp nước được chế tác từ các vật liệu sẵn có tại địa phương. Một bánh vành bằng tre đường kính 10- 12 mét, các thanh tre kết nối quanh một trục ngang gỗ lim hoặc gỗ trầm thị, trên vành tre lắp đặt ống tre một đầu kín cách đều nhau nghiêng theo một chiều 20 độ, các ống tre nầy dùng để múc nước từ dưới ao (hồ), đìa đưa lên mương máng. Hệ thống xe đạp nước đặt cố định trên bờ ao, đìa làm sao cho vành tre quay theo trục ngang khi có lực đạp đều lên thanh tre ngang trên vành, một xe đạp nước và một ao, đìa nước chiếm diện tích khoảng 1 sào đất, thường đặt ở trung tâm cánh đồng để tiện cho việc tưới nước. Trung bình một hồ xe cung cấp đủ nước tưới cho 2 mẫu (1 ha) ruộng.
Sau khi có xe đạp nước hơn 100 mẫu ruộng làng Đông Bàn xưa trở thành đồng lúa nước, năng suất tuy chưa cao (khoảng 25 ang/ sào), nhưng hồi đó đã là tiến bộ đáng kể. Để tính thời gian phiên nước bà con nông dân dùng trục chỉ quấnồìa trục ống tre cắm cố định nối với trục của xe đạp nước. Một chỉ nước (tức là hết 1 trục chỉ) bằng 120 vòng quay (khoảng 1 giờ) thì nước đủ tưới khoảng 1 sào lúa với mực nước ở ruộng trên dưới 1 tấc.
Sau này dân làng Đông Bàn cải tiến xe đạp nước thành xe trâu. Xe trâu xử dụng các thiết bị như xe đạp nước, có thêm 2 bánh xe răng cũng làm bằng gỗ mít ròng đường kính 0,5 mét và một trục gỗ lim (hoặc gỗ trầm thị) dài 7- 8 mét, đường kính 0,25 mét. Hệ thống nầy cài vào cổ trâu (ách trâu) khi trâu đi vòng quanh trên một thửa đất bên đìa (ao); lực kéo của trâu làm cho vành bánh xe nước quay, đưa nước từ đìa lên mương máng tưới ruộng. Năng suất xe trâu nhanh gấp 3 lần đạp nước. Một xe trâu tưới đủ nước cho hơn 5 mẫu ruộng. Cho đến năm 1965, ở làng Đông Bàn có 17 xe trâu và 5 xe đạp nước với đầy đủ hệ thống mương nội đồng.
Từ xe đạp nước, xe trâu ở làng Đông Bàn, về sau nhiều nơi trong ngoài tỉnh Quảng Nam làm theo và trở thành công cụ thuỷ lợi phổ biến phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ngày nay, trên cánh đồng làng Đông Bàn xưa (thôn Nam Hà 1, Nam Hà 2, Tân Bình 3, Tân Bình 4, xã Điện Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) còn di tích nhiều ao (hồ), đìa, mang tên của chủ các xe đạp nước, xe trâu như Đìa xe trâu (còn gọi là hồ xe) các ông Hương Hẳn, Thủ Cầm, Thủ Thị, Xã Thành, Hương Triệu, Trùm Cũ, Tư Quán, Cửu Chương, Cửu Thám...
Nhắc lại một công cụ hữu ích: xe đạp nước, xe trâu một thời gắn bó với bà con nông dân, càng nhớ về cụ Phạm Phú Thứ- người con của quê hương Điện Bàn, Quảng Nam với tư tưởng canh tân đất nước nổi tiếng.
Hình ảnh xe đạp nước, xe trâu nếu được tôn tạo đặt ở một vị trí gần khuôn viên lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ (ở thôn Nam Hà 1, xã Điện Trung) chắc sẽ góp phần ý vị cho du khách đến đây trước thắp nén hương kính tưởng nhớ cụ, sau thưởng lãm công cụ thuỷ lợi nổi tiếng một thời.
Hòa Văn