Mấy hôm nay trời oi bức, ngồi lai rai cùng mấy ông bạn già ở gốc mít nhà anh Bè nghe tu hú lảnh lót vọng về khiến lòng tôi nhung nhớ đến thèm thuồn món mít trộn quê nhà.
Hồi đó, vườn nhà thường trồng ba giống mít: Mit ướt, mít nghệ và mít ráo. Trong đó mít ráo được người làng yêu chuộng hơn cả. Bởi công năng của nó ngoài việc cho gỗ để làm hàng mộc, quả mít ráo được chế biến nhiều món ăn. Nhớ lại những năm thời hoa lửa, ruộng đồng bị bom cày đạn xới, người làng thiếu đói, nhiều gia đình nhờ mít để ấm lòng. Vả lại, thổ nhưỡng ở quê tội phù hợp với giống cây này. Đến thời kỳ cho quả, có cây có đến trên trăm trái. Chúng mọc thành chùm, lúc ngúc khác nào như đàn lợn con vây quanh bầu vú mẹ.Mít chín múi vàng ươm, bọng nước thơm lừng. Từ quả mít được đôi bàn tay khéo léo của các chị, các mẹ chế biến nhiều món ăn ngon miệng. Chẳng hạn, qủa mít già bóc xơ đem hông ăn vừa bùi vừa ngòn ngọt. Hột mít luộc chín vừa bùi vừa béo. Mít non dùng để nấu canh, đặc biệt kho với cá chuồn muối sươi. Ở đây mình nói thực lòng nghe: Món dân dã này thì cơm mấy cũng không vừa, khó món ăn nào sánh kịp. Vì vây mà nó được đi vào thi ca đối với người dân xứ Quảng. “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”.
Trong các món ăn chế biến từ quả mít thì người làng khoái khẩu hơn cả vẫn là mít trộn. Nguyên liệu để làm món ăn dân dã này cũng thật giản đơn. Trước hết chọn quả mít non không bi sâu bệnh mập mạp, thịt chắc; rồi dùng dao gọt bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, bỏ cùi bên trong, cắt thành từng miếng bằng nắm tay người lớn. Sau đó đem luộc. Khi mít vừa chín tới, thì vớt ra rổ để nguội, rồi dùng dao xắt nhỏ. Phía bếp đặt chảo khử dầu mà phải là dầu phụng chính hiệu Điện Thắng mới đúng đô. Dầu vừa chín thì nhắc chảo khỏi bếp để nguội, tiếp đến thả mít vào chảo trộn đều cùng thịt heo ba chỉ, muối, bột ngọt, đường, tiêu, chanh, ớt. Nên nhớ món mít trộn mà thiếu rau răm, rau húng và đậu phụng rang thì hương vị của nó xem như mất đi một nửa. Đâu vào đấy dùng muỗng xúc ra đĩa. Để tô điểm đĩa mít trộn thêm phần đẹp mắt, hấp dẫn các mẹ, các chị dùng ớt đỏ cắt tỉa hình cánh hoa bày lên trên.
Ăn mít trộn là phải ăn nhứ thế này mới ngon: tuyệt đối không gắp bằng đủa, bằng thìa mà phải dùng tay xúc bằng bánh tráng nuớng, nhưng là bánh tráng Phú Chiêm, Điện Phương mới hợp gu. Thưởng thức mít trộn nên ăn từ từ, thong thả mới cảm nhận hết hương vị độc đáo của nó, bùi bùi, beo béo của mít non. Chua chua, cay cay ngòn ngọt của đường, của ớt, của chanh. Giòn dai của bánh tráng, đậu phụng, thịt heo ba chỉ. Mùi thơm dịu ngọt của húng, răm ... nếu có thêm chén đế phụ họa thì càng hấp dẫn, ăn hoài không biết ớn. Do vậy mà món ẩm thực này người làng dủng để thết đãi bằng hữu, người thân đi xa về thăm quê hay các thành viên gia đình đoàn tụ.
Sau ngày giải phóng, hướng ứng chủ trương xóa vườn tạp, phát triển mô hình kinh tế vườn để thoát nghèo, cho nên vườn nhà ở quê tôi thay dần các loại cây truyền thống. Họ nhà mít cũng chịu chung số phận lần lượt suy tàn. Thay vào đó giống cây mới có tiềm năng kinh tế. Theo đó món mít trộn thưa dần trong mỗi gia đình
Bản thân tôi cũng có thời ngược xuôi được may mắn thưởng thức nhiều món ăn đặc sản các miền, nhưng đâu cũng không bằng mịt trộn quê nghèo. Đến bây giờ cứ mỗi độ giêng hai, nghe tiếng tu hú, thấy cá chuồn xanh ngời từ biển Địện Dương về khu phố chợ làng là lòng tôi mường tượng hương vị mít trộn như đang lẫn quẫn đâu đây, khiến nỗi thèm thuồng trong tôi trổi dậy và dạt dào niềm cảm xúc lâng lâng khó tả.
H.D