Đỗ đại học kiến trúc, học ra trường theo ngành nghề đi Đông đi Tây đến cùng Nam tới cực Bắc làm nên biết bao công trình đẹp và nổi tiếng.
Danh phận có dư là bà nầy bà nọ tuy vậy không rõ tại duyên phận hay do tính nết của sếp mà cho đến nay khi đã nghỉ việc Kha Luân vẫn là nữ tướng “phòng không”!.
Chuyện của Kha Luân tự thân đã là truyện nên từ ngày quẳng cây bút chì, quên các lập trình đồ họa trên máy vi tính cô chúi mũi vào một công việc mới không ai tưởng viết văn.
Ban đầu viết cho khuây khoả lúc rỗi việc ở nhà quanh quẩn chăm mấy chậu lan, chậu cúc thế mà giống như cô gái cô gái đương lớn tràn đầy sức trẻ với bao ham muốn khám phá bao điều kỳ bí của cuộc sống chung quanh Kha Luân ôm chiếc laptop ngày nầy qua ngày khác chẳng khác gì ôm anh chàng điển trai trẻ trung yêu mến rầm rầm rì rì không nên lời chỉ toàn chữ với chữ...
Ông trời không phụ công. Kha Luân nổi lên với những truyện ngắn thu hút độc giả nhiều tờ báo tiếng tăm. Truyện ngắn của nhà văn – bây giờ được mọi người gọi thêm một danh xưng mới nhà văn rồi! – Truyện ngắn của nhà văn Kha Luân viết tưng tửng ngó bộ dễ ợt như được móc ra từ cái túi ba gang của câu chuyện cổ tích “Ăn khế trả vàng” xa xưa... Tức là nhà văn kể câu chuyện sao mà nó gần gũi... như thế mà lâu nay bao nhà văn trăn trở không biết lấy đâu ra đề tài để viết, đến khi Kha Luân viết ra độc giả mà nhất là đồng nghiệp mới à thì ra “biết rồi”!.
Tôi biên tập viên văn nghệ báo... đến sang năm sẽ đến tuổi hưu. Đáng lẽ như nhiều ông bà sắp hưu khác tôi sẽ tành tành hưởng những giây phút cuối của cuộc đời “sáng xách ô đi tối xách ô về” đàng này hơn hai năm qua phải "lăn lộn" trên từng trang bản thảo của Kha Luân gởi tới tòa soạn.
Sáng nay vô email đọc thêm một truyện ngắn mới của Kha Luân “Chó sữa”.
Cũng văn phong không khúc mắc chẳng chải chuốt y bỡn cợt y viết cho vui mà lôi cuốn...
Khoan ghi lại truyện ngắn, tôi kể vài chi tiết về bút danh của Kha Luân.
Số là trong truyện ngắn đầu tiên có cái nhan đề dài ngoằn “Anh chỉ giùm em cách em xa anh thật nhanh mà không còn chút gì để nhớ!” người đàn bà tự giới thiệu “Thưa Ban biên tập. Em (đúng tác giả xưng hô như vậy) người đàn bà năm nay đã năm mươi tuổi đang sống ở phố Hàn gởi truyện ngắn nầy đến mong Ban biên tập để ý xem giùm nếu được lên báo thì em vui lắm!”.
Tiếp sau “em” giới thiệu bút danh có kèm theo tên thật, số điện thoại... Tôi chưa đọc vội truyện ngắn mà để ý đến bút danh Kha Luân Con, sao lại Kha Luân Con?. Theo số điện thoại “em” gởi kèm tôi bấm 0905111... điện thoại không đổ chuông mà nổi lên bài hát của Trịnh Công Sơn “Tình nhớ” với giai điệu và lời ca thiết tha...
Không lâu sau đó “em” bắt máy:
“Dạ. Dạ em nghe!”.
“Em” là tác giả truyện ngắn... Khi hỏi tôi phải nhìn chăm chăm vào màn hình vi tính mới đọc đầy đủ tên truyện “Anh chỉ giùm em...”.
Như mũi tên phóng ra khỏi cung sau khi người xạ thủ lẩy cò, “em” vồn vã cho tôi biết “em” là tác giả và giải thích về bút danh cũng không kém thú vị (chữ thú vị là tôi tự ngẫm nghĩ chứ không nói cho “em” biết). Đó là “em” có ước muốn làm một điều gì đó cho văn chương cỡ như nhà thám hiểm Kha Luân Bố ngày xưa (năm 1492 – chú thích của tôi) đã vượt Đại Tây Dương tìm ra vùng đất mới Châu Mỹ. À ra vậy...
Tôi ngã người ra phía sau ghế thoả thích với ý tưởng khá mạnh bạo của “em” tác giả Kha Luân Con.
Tuy vậy đến khi cho chạy bài tôi lại đề nghị Kha Luân Con thôi cứ giữ ý tưởng tốt đẹp ấy trong tâm tưởng còn báo sẽ đăng truyện “Anh chỉ giùm em...” với bút danh Kha Luân.
“Em” đồng ý.
Và vậy là Kha Luân thường xuyên xuất hiện trên trang văn nghệ của báo... tôi phụ trách và nhiều truyện nữa cũng đăng trên nhiều báo, tạp chí trung ương và địa phương.
Heo sữa thì rõ rồi... là heo con nuôi đến lúc chuẩn bị dứt sữa người chăn nuôi bán cho người buôn heo xác họ đưa heo sữa đến các lò quay.
Những con heo mơn mỡn u ú non nớt thật đáng yêu thế mà qua các công đoạn làm thịt tẩm gia vị và nướng lửa than trở thành một món ăn“khoái khẩu” thịt heo sữa ở các nhà hàng, quán nhậu.
Ban đầu có tiếng bấc tiếng chì nào là “tội nghiệp” nhưng thời buổi cái gì có lợi có kinh tế là thiên hạ làm ngang xương lòng chứ “tội tình chi”.
Có một chuyện ở gia đình nông dân X bà vợ thì ưng bán heo sữa bởi nếu tính toán chi li thị trường mà chạy cứ nuôi nhiều heo nái cho đẻ gối vụ sẽ cho ra nhiều lứa heo sữa mỗi lứa chi ít cũng mười con, năm con nái mỗi năm đẻ hai lứa hai mươi con vị chi sẽ có cả trăm con heo sữa, lợi... lợi hơn so với cắc củm nuôi đến heo tạ lỡ gặp bệnh dịch hoặc giá cả ế ẩm mất cả công lẫn cám!.
Ông chồng vốn “ăn hiền ở lành” thấy vậy “tội” cho heo con quá nên không chịu thế là hai vợ chồng lục đục cả năm. Về sau do heo sữa rớt giá mối bất đồng mới được giải toả, gia đình vợ chồng nông dân X êm ấm trở lại.
Đàng nầy...
* * *
“Tôi – đứa con gái vừa tròn năm mươi tuổi”. Kha Luân mở đầu truyện như vậy.
Tôi – biên tập viên trang văn nghệ – đang chăm chú đọc từng con chữ vi tính cỡ 12, nhỏ nhắn chứa trong đó từng chi tiết... Chi tiết nào ít nhiều cũng có lý thú. Điều nầy chắc truyện đăng lên mặt báo bạn đọc sẽ đồng ý với tôi còn bây giờ có thể có bạn nghi nghi ngờ ngờ.
Việc nầy không có gì khác thường vì đúng như vậy. Độc giả luôn được cái quyền khen hoặc không khen, thích hoặc chưa thích một tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung truyện nói riêng.
Tác giả ít nhiều phải hiểu rõ và luôn giữ tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi phản hồi từ bạn đọc quý mến của mình từ khi đứa con tinh thần được sinh nở. Tôi không biết Kha Luân đã chuẩn bị trạng thái khen - chê?. Trong văn chương có điều lạ đôi khi tác phẩm viết nhanh nhất ít “đầu tư” nhất lại được “khen hay”ngược lại đôi khi một tác phẩm hao công tổn sức nhiều thì chẳng những không đạt mà còn mang đến bao phiền hà ngoài ngoài ý muốn. Đó là chưa kể có lúc có người chưa tiếp xúc với tác phẩm đã bình với luận! và gắn lên tác phẩm những điều nầy nọ theo chủ ý bắt nguồn từ suy diễn nọ nầy...
Những điều trên đây là tôi rút ra từ trong truyện “Chó sữa” của Kha Luân chứ không phải tự tôi nói như thế.
“Có một hôm sau khi viết xong cái mở đề của một truyện mới tôi (Kha Luân) nhận cuộc điện thoại từ anh bạn hồi còn trung học phổ thông. Anh Hốt (đúng tên anh như vậy) tên giữ chữ đặt dù không hay không đẹp như tên Hùng, như Tuấn hoặc đơn giản gọi theo thứ như Ba chẳng hạn nhưng Hốt chưa bao giờ thổ lộ với ai việc anh thích hay không thích cái tên do cha mẹ anh không rõ lý do gì lại đặt như vậy.
Chính thái độ nghiêm túc rất bất thường trên đã khiến cho bạn bè trong lớp trong trường không ai có ý (hay không dám có ý) nói lời gì “trêu ghẹo” anh, trái lại lâu nay còn có cảm giác phục anh Hốt học giỏi nhất lớp, nổi tiếng cả trường!.
Hốt điển trai. Hồi tôi đang học năm cuối bậc phổ thông trung học đã nhận biết như vậy và đã từng ước mơ... ước mơ được Hốt dành cho riêng mình một tình cảm gì đó đặc biệt...
“Dạ!. Em có nghe dì Năm nói lại.”
“Dạ!. Dì Năm nói anh đến tìm em để làm gì ấy...”
“Dạ!. Anh về quê bao giờ?”
“Dạ!. Dạ!...”
Qua điện thoại Hốt nói có khi là giọng Sài Gòn có khi quê kiểng chân chất... Tất thảy đều nhẹ nhàng từ tốn y như ngày xưa.
Anh hẹn gặp tôi vào buổi chiều.
Mùa đông mà buổi chiều thì bạn biết rồi. Thời gian chạy nhanh như trốn ai đó điều gì. Mới bốn giờ rưỡi mà không gian lờ mờ kiểu như chạng vạng của mùa xuân hay mùa hạ. Bờ sông Hàn bữa nay tịnh gió nhưng nước dâng đầy và còn rơi rớt lại đôi cảnh vật xơ xác bởi liên tiếp hai cây bão ập vào cách đây một tháng. Những cây xanh trốc gốc được dựng lại chưa kịp nẩy lộc. Nghe nói loại sưa vàng dễ tái sinh nhưng không ít cây ở đây có thể sẽ không vượt qua nổi sự tàn phá của gió bão vỏ cây bắt đầu khô héo... có màu xám chứ không xanh như vốn có.
Ngồi ở quán cà phê nhìn ra sông tôi thấy anh thoáng vẻ buồn buồn chứ không vồn vã như hồi mới gặp.
Tôi hỏi:
“Anh... về có một mình?”
Anh quay lại nhìn chăm chăm vào đôi mắt tôi. Ánh mắt anh vẫn dịu và ẩn chứa bên trong sự réo gọi gì đó của thời áo trắng. Không trả lời Hốt lại hỏi tôi:
“Nếu anh về một mình?”
Một thoáng bối rối chợt ùa đến trong tôi. Cảm giác mà có lẽ từ bao lâu rồi mất hẳn. Sự đời luôn cho tôi những thích ứng mang tính có qua có lại len lỏi vào tôi không rõ từ đâu và lúc nào nhưng chắc chắn không mới. Đã quen rồi với trọng vọng từ mọi người đến khi xa rời nó lui về với góc khuất riêng mình tôi mới thấm thía những gì đã qua cứ ngỡ như vật chất chỉ cần tiền là có.
Lúc nầy tôi nhớ một ai đó có lần nói “Điều gì mua được bằng tiền thì không khen và cũng đừng nên thưởng!”. Xác suất trúng sai của ý nghĩ trên là bao nhiêu tôi chưa ngẫm nghĩ kỹ theo tôi trong một số trường hợp xác suất đúng hơi nhiều. Hốt học giỏi đỗ cao nhưng sau chiến tranh anh không xử dụng việc anh giỏi giang ở trường lớp vào sự nghiệp công danh như kẻ khác. Điều nầy là lạ và có người bảo lập dị. Tôi thì nghĩ khác. Đúc kết sự học có một nghịch lý rất nhiều bạn cùng trương lứa ngày đi học xuất sắc lắm ra đời lại hẫng hụt nhiều ngược lại lực học trung bình nhiều khi yếu lại năng động chớp lấy thời cơ về sau làm ông kia bà nọ... tóm lại họ thành đạt. Ở quê tôi có người học hành chẳng ra gì mà trở thành đại gia ở thành kia tỉnh nọ.
Anh nhắc tôi dùng cà phê và cười cười. Nụ cười từng làm tôi mất ngủ nhiều đêm hồi xa xưa nay vẫn thế. Mỗi lần anh cười khuôn mặt rạng rỡ lên gấp bội lần.
Tôi lí nhí:
“Anh cũng uống cà phê chứ!. Tại anh...”
Tôi bỏ dở câu nói bưng ly cà phê được chủ quán mua hạt về tự rang tự xay ngay ở quầy cho khách nhìn thấy sản phẩm chính hiệu không có sự pha chế theo kiểu “cà phê mà không phải chỉ có cà phê”- loại cà phê tự rang và tự xay này có mùi vị ngon tuyệt.
Hớp một ngụm cà phê định nói tiếp, anh lại nói:
“Về một mình và định nhờ em (anh bao giờ cũng gọi tôi thân mật như thế) một việc...”
* * *
Cái việc mà anh nhờ tôi có thể nói là thường tình thôi nhưng có điều hơi lạ. Con trai của anh cùng “dân kiến trúc” với tôi, học ra trường đã mấy năm. Theo anh nếu nó đồng ý xin việc theo kiểu ngoài quen biết kèm theo “nầy nọ...” thì chẳng có gì phải bàn. Đàng nầy “Con công không giống lông cũng giống cánh” y chang tính khí của cha.
Tín (con của anh) nói:
“Con ở nhà nuôi "chó sữa”!”
Và tưởng nói chơi nó làm thật.
Mãnh vườn trên năm mươi mét vuông phía sau nhà được rào chắn chung quanh bằng lưới B40, phần sát mặt đất lên hơn một mét được che chắn thêm lưới ni lon ken dày để chó con không rúc ra ngoài. Thế là không rõ từ đâu nó mang về hàng chục con chó và nuôi...
Anh kể tiếp vợ chồng anh lo lắm mà không lo sao được khi thiên hạ dẫu tốn tiền muôn bạc vạn cũng lo chạy cho con chỗ nầy chỗ nọ làm gì cũng được miễn có chân “ông kia bà nọ” là được. Ai mà lo nghĩ việc thanh với bạch tốt với xấu có đạo hay vô đạo...”.
Anh dừng kể và nói với tôi:
“Giờ mẹ nó – Mẹ của Tín trước đây với tôi học cùng trường Nữ trung học, tuy không thân thiết lắm nhưng là bạn – Giờ mẹ nó có viết cho em lá thư nội dung chính nhờ em cố gắng tìm cho nó một nơi làm việc mà không cần “lệ phí”, chỉ có như vậy nó mới đi làm...”.
Cầm lá thư nét chữ thân quen của bạn, tôi thật sự khó liệu tính. Nếu nhận lời giúp theo kiểu “nói nước bọt” không biết được không khi nay tôi đã “hạ cánh” còn chối từ thẳng thừng thì “thương” anh quá!.
Thấy tôi chần chừ anh giục:
“Em giúp anh nghe!”
Nếu... Nếu ngày xưa ấy anh nhờ em bất kỳ điều gì kể cả “yêu anh” em trả lời ngay không một giây suy nghĩ:
“Dạ! Dạ! em nghe anh!”. Bây giờ mọi việc đã an bài. Có thể anh nói “Em hãy giúp anh bao nhiêu tiền...” còn dễ hơn vì em không thiếu tiền nhưng...
Truyện của Kha Luân bao giờ cũng vậy, hay, đơn giản, nhẹ nhàng với những tình huống tưởng khơi khơi mà ám ảnh mà đau đáu. Vẫn có người như Tín để còn hi vọng. Nhưng đau hơn là sự bất lực... Kha Luân sẵn sàng đến tận cùng...?.
Cuối truyện Kha Luân cho biết dạo nầy món “chó sữa” đang thịnh hành... Tín có tham gia không?.
P/S: Truyện ngắn "Chó sữa" của Kha Luân đăng lên trang Văn nghệ Chủ nhật của báo... với nhan đề “NHÂN CÁCH".
H.V
-------
Truyện ngắn nếu có sự trùng hợp ngoài xã hội là ngoài ý muốn của tác giả.
Minh họa: Tranh sơn dầu “Tình yêu” của Trần Công Hiến. Ảnh: Phong Trần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét