12/03/2016

Truyện ngắn HÒA VĂN: TRÒ KHỈ

Rồng ra rồng rắn ra rắn không dễ lột da mà lẫn
 Mèo ra mèo hổ ra hổ không dễ thay da mà lẫn...
Truyện ngắn



1.
 Mùa Thu trời quang mây, nắng nhẹ, gió thoang thoảng, từng đoàn người tấp nập kéo nhau đi xem con hổ. Khu đất vuông vắn nằm cạnh cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong chỉ còn trơ gốc rạ, rộng đâu gần trăm mét vuông, chỗ trẻ con hay tận dụng ngày cuối tuần nghỉ học, được cha mẹ cho chăn dắt trâu bò đi ăn cỏ, dùng làm sân đá bóng, nay làm nơi diễn trò xiếc rất đông người chen chúc quây quanh. “Ông lancer” (tiếng ta gọi là lăng xê) tay cầm chiếc micro nói thao thao bất tuyệt trên hệ thống loa, nhiều chuyện không đầu không cuối, nhưng ăn nói có duyên, vì vậy chặp chặp từng tràng vỗ tay vang lên rộn rã át cả tiếng trống khi thì đánh theo nhịp múa võ, khi thì theo điệu múa lân nghe rất rộn ràng...



 Không biết nghe làm sao?. Thấy làm sao?. Chứ nó chính hiệu "anh... (Chỗ nầy xin mở ngoặc đúng ra 99% mèo tam thể là giống cái, riêng ở đây do có đột biến nên con mèo tam thể nầy là đực) ... chàng" mèo tam thể lông có ba màu: gừng, trắng và đen, mượt như nhung, thế mà “ông lăng xê” lặp đi lặp lại đây là hổ, con của con hổ cự phách một thời vang bóng... Nhiều người tin lời ‘’ông lăng xê” và nghĩ chắc chàng hổ sinh ra và lớn lên ở một vùng đất cực kỳ lý tưởng cả về thổ nhưỡng, khí hậu và nhất là môi trường ở đấy không bị ô nhiểm tí tẹo nào. Có như thế chàng hổ nhà ta mới có bộ dạng phốp pháp đáng nể!.


2.

 Của đáng tội từ ngày về đây, chàng mèo nhà ta chẳng những không có bạn bè (mèo địa phương nhỏ con đâu dám lại gần chàng mèo to con lớn xác mà bạn với bè!), điều thứ hai chàng mèo hơi bực mình mà cứ làm thinh để bụng. Đó là chàng ta chuyên làm nhiệm vụ của con hổ, việc nầy khó lắm nhưng khi “sản phẩm mèo” nhà ta được các nhà chuyên làm “dịch vụ lăng xê” cỡ nhà “ông lăng xê” Sơn đông mãi võ đầy tính chuyên nghiệp thì không chê vào đâu được. Bởi lẽ khi làm bất cứ việc gì mà làm chuyên nghiệp sẽ có đủ điều kiện và năng lực biến cái không thể thành cái có thể.
Bàn sao làm vậy, “mèo” được ông chủ để đứng trên một chiếc bàn cao, mặt bàn trải tấm ra trắng muốt. Đạo diễn (thực ra đây là người quản trò) cho mèo uốn éo nhảy nhót đúng nhịp điệu của bài nhạc không lời, được ông chủ đặt một nhạc sĩ nào đấy khá nổi tiếng trên thành phố sáng tác, hòa âm, phối khí, thu vào đĩa dành riêng để quảng cáo “sản phẩm con hổ", mới có mấy hôm ở đây mà không ít cô cậu thanh niên đã thuộc giai điệu nhạc, rồi tự biên lời theo kiểu nhạc nhái nhạc ếch gì đó người lớn tuổi nghe mấy đứa trẻ con nghêu ngao hát, vừa tức cười vừa hơi xấu hổ (mắc cở). Có bữa mèo là “em” hổ duyên dáng khoác lên "người" bộ cánh đúng mốt thời trang, đi chiếc dù hoa sặc sỡ, "em" còn biết xoay xoay chiếc dù cho nó chạy tròn quay nữa!. Có hôm mèo trở thành “anh” hổ đầy khí thế của đấng mày râu, "tay" vung kiếm lên cao rồi từ từ đưa lưỡi kiếm dài nhọn sắc lẹm vào miệng chậm rải nuốt nuốt... mất chỉ còn thấy chiếc cán ngắn ngủn, khiến nhiều người xem tưởng thật ớn lạnh, nổi da gà. Từ “con mèo” họ đã biến hóa nó trở thành “sản phẩm con hổ” y hệt như sản phẩm “hổ” thật, đến nỗi chính chàng mèo đóng vai diễn, lúc rỗi việc ông chủ mở đĩa Clip cho xem lại chính các cảnh làm trò của mình cũng không biết đâu thiệt, đâu giả!. Huống hồ gì bàn dân thiên hạ lâu lâu mới đi xem “hổ” một lần.

 3.
 Một hôm mọi người nhận ra trước nay mình xài “sản phẩm Con hổ” là bị gạt gẫm, bằng rủ nhau thưa kiện.
 Ngó vậy mà không phải vậy!. Liên tiếp trong nhiều tháng liền, nhiều người bàn tính chuyện bắt đầu từ đâu?
 Người thì bảo:
- Kiện con mèo trước bởi nó là tác nhân chính trực tiếp gây ra hậu quả báo hại không ít người tin nó mà đi xem.
 Người ý kiến:
- Chính ông chủ con mèo mới là nguyên nhân dẫn đến mèo hóa hổ!.
Người không đồng ý, cho rằng:
- Do “ông lăng xê”.
Chính họ dày công rùm beng lên khiến nhiều người mới tin là thiệt rồi xem.
 Có người tỏ ra biết luật lệ, bảo:
- Đây là do luật lệ còn nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho sự việc “mèo hóa hổ” xảy ra trót lọt, kéo dài, khó phát hiện như thế.

4.
 Chuyện tưởng đơn giản mà gay go thật!. Khi đưa ra phán xét trúng sai, mỗi người nói một kiểu, xem kiểu nào cũng có cái lý cả.
Chàng mèo không nói răng tê chi, chỉ biết:
- “miêu! miêu!”.
Ông chủ lập luận:
- Nhất định đã và đang làm theo luật lệ.
 "Ông lăng xê” trưng ra bằng cớ đã có câu cảnh báo người xem, người xử dụng sản phẩm, họ khen lấy khen để là tốt, là hay, bằng một câu ví như:
- “Sản phẩm nầy không thay thế... đồ thiệt!”.
Vv... và Vv...
 Còn luật lệ thiếu sót, có kẽ hở thì nay mai sẽ sửa lại!.

 5.
Không nên bàn cãi mung lung, nhà hổ chính gốc thứ thiệt gợi ý mọi người nên thông cảm, chia sẻ “chàng mèo”, “ông chủ”, “ông lăng xê”!. Họ cũng chỉ vì đồng tiền bát gạo cả thôi!
“Ngẫm lại đúng thật, trước sau tại mình!”. Nhiều người nghĩ như vậy.
 Rõ là trò khỉ./.
HÒA VĂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét