19/10/2016

HÒA VĂN: NHỚ BÃO LŨ NĂM THÌN 1964




Cơn lũ lịch sử năm Giáp Thìn 1964 gây thiệt hại kinh hoàng cho các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi và Bình Định, năm ấy mình tròn 10 tuổi, độ tuổi ăn chưa no lo chưa tới nhưng hình ảnh bão rồi lũ thì in vào trí nhớ mình thật rõ ràng.
Hôm trước bão lũ ba về khi ông Sáu lo chuyện thông báo của làng xã Phú Thọ cầm cái loa làm bằng tôn rao "Đồng bào Đồng bào nghe đây nghe đây cơn bão... sẽ... " là ba quyết định ở lại nhà chứ không đi như dự định. Giờ nghĩ lại trong cơn bão lụt ấy mà không có ba ở nhà, mẹ và ba anh em nhà mình - một phụ nữ và 3 con nhỏ - sẽ chèo chống làm sao?.
Mẹ nói: "Anh coi đốn tre chằn chống nhà liền chứ nghe như rứa chắc bão to!".
Tính mẹ mình hay lo xa. Nhưng đúng y.
Mưa tạnh trời quang đãng. Ba bảo trời như ri là sắp bão tới nơi. Căn nhà tranh dừng phên khuôn, có cột gỗ và  trính gỗ lại chằn bốn cây tre bốn góc thế mà bão từng hùn dở phên xong muốn dở mái, cả bốn cây cột đứng tán đều bị bão bưng ra khỏi đá tán.
Bão gây thiệt hại nhiều nhà nhứng rất mau người không ai hề gì. Nhà mình chỉ sập sệ căn nhà dưới còn nhà trên không sụp nhưng trống rỗng vì phên đi phần phên khuôn đi phần khuôn!.
Sau bão là mưa. Những cơn mưa như "Cầm chĩnh đổ" liên hồi. Con hói trước cách nhà bốn năm trăm mét đầy ắp nước. Nước đầy bọt bèo và đục ngầu.
Ba nói chi chi cũng có lụt to.
Ông Sáu đi trên đường cái loa xỏ xuống xóm  rao giục mọi nhà chuẩn bị tránh lụt. Ba đi qua nhà bà ngoại khi về có cậu T. Hai anh em rút bộ ván ba tấm bắc thang đưa lên trính.
Càng về tối mưa càng to nước hói bò lên mấy đám đất thổ. Đường của xóm phần lớn đã ngập. Có lụt to là cái chắc. Ông trùm Tính nhà kế bên nói với ba như vậy.
Mình bẻ một cành cây keo hàng rào làm cây que căm mé đường canh nước lũ. Lũ lớn nhanh như thổi. Mới cắm cây que một xíu mà nước bỏ cây que cả tấc.
Và rồi nước đóng mái thềm. Nước vô nhà. Ba và mẹ sớm giờ lo dọn hết nhà bếp lại lên nhà trên. Nói dọn như dọn lụt là đúng. Cái gì cũng phải đưa lên cao. Cái đòn kê, đôi dép đôi guốc... bỏ lên giường. Mấy cái chum đựng lúa bắp...  thay vì xúc hết ra bao ba chỉ xúc bớt rồi lấy đoạn tre làm cái ngán bỏ vô trong miệng chum cột dây để sẵn khi nước vô sâu cứ kéo dìu chum treo lên rượn nhà nhờ làm như thế mà lúa bắp không bị nước ngập hoặc trôi đổ.
Từ khi nước vô nhà mình bỉ cấm lội nước nhưng trước đó khi nước lớn tới ngõ lên sân mình được lội lụt.
Mẹ nói lội coi chừng hỏng cẳng!. Nhà mình đắp ụ đất cao mới làm nhà. Đây là tránh lũ từ đầu. Nền nhà của ông trùm Tính, ông bảo Phú, ông Một, bà Trợ trong xóm cũng như nhà mình đều đắp cao so với mặt đất vườn ở cả mét. Mẹ nói lội nước coi chừng hỏng cẳng mà vậy. Không để ý khi lội dễ lọt chân xuống đất vườn nước lút đầu nguy hiểm.
Khi nước vô nhà mình có nhiệm vụ ngồi trên giường giữ hai đứa em 4 và 7 tuổi. Cả hai em loay hoay không chịu ngồi yên ý chừng cũng muốn dọc nước!.
Nước càng lớn mưa càng dữ dội. Mực nước tăng lên từng phút. Mới ngập ngạch cửa giờ đã mon men lên giường rồi.
Ba nói với mẹ đưa gạo, nước, son nồi lên cái gác tạm mà ba đã làm trên trính.
Và không lâu sau đó cả nhà mình lên gác. Lũ không có dấu hiệu dừng.
Trời tối cả xóm làng chìm trong nước lũ. Ngọn đèn dầu lửa cháy lay lắt phập phù lâu lâu gặp gió mạnh muốn tắt. Qua một đêm nằm trên gác đến gần sáng nước lũ chấm mái tranh. Mình có thể dùng tay dọc nước!.
Cơn lũ to chưa từng thấy. Ba nói với mẹ.
Mình thì chẳng biết gì cứ thấy càng lớn càng vui.
Sáng ra ba bẻ rui mè nhen lửa nấu cơm ngay trên gác.
Lũ lịch sử năm Thìn về sau nhiều người nói như vậy. Làng xã nơi mình ở hồi ấy là xã Phú Thọ quận Điện Bàn tỉnh Quảng Nam lũ to nhưng không có tổn thất về người còn hoa màu của cải gia súc gia cầm thì hầu như mất hết. Ai cũng lo giữ sinh mạng chứ nước lũ chấm mái tranh rồi còn gì!. Mẹ nuôi con heo nái to... cố gắng giữ rồi cũng trôi.
Khi nước dựt trâu, bò... chết trôi tấp vô hàng rào nhà bà Trợ cả xóm ai cũng xẻo thịt về xào ăn rất ít nhà còn dầu phụng, nước mắm, muối do nước lũ dâng nhanh không kịp trở tay. Nhà mình nhờ có ba làm gác đưa lên gác gạo, mắm muối và cả thùng thiếc nước giếng nữa nên lũ to ngày đêm không đứt bữa mà còn hỗ trợ bà con trong xóm...
Lũ lớn nhanh nhưng rút cũng lẹ khoảng hơn nửa chiều nước ra khỏi xóm trên đường cái đã có người đi bộ. Việc vận chuyển đồ cứu trợ do máy bay thực hiện ngay trong lũ và khi lũ dựt ông Sáu lại cầm loa rao quanh xã " Đồng bào... đi nhận bánh mì...". Nghe kể cơn lũ đã cuốn trôi nhà cửa ruộng vườn và người ở mấy xã trên nguồn. Ngay tại xã Phú Hưng lân cận với xã Phú Thọ mình đã có người trên nguồn trôi xuống tấp vô xóm được cấp cứu thoát chết. (Về sau bà ở lại chứ không về nguồn vì qua cơn lũ gia đình không còn ai).



"Các nhân chứng tại Quảng Nam mô tả giống nhau: Đầu tháng 10 (ÂL) nước từ trận lụt trước còn mấp mé không chịu rút / Mùng 4-10 (tức ngày 7-11-1964) mưa to kéo dài / Từ mùng 5-10 trời sa xuống đất / Giữa trưa đứng ngoài trời đưa bàn tay trước mắt cũng không nhìn thấy / Mưa kéo dài không ngớt đến ngày 6-10 thì nước vào / Tối mùng 6-10 nhà cửa bắt đầu trôi / Nước lên nhanh nhưng xuống chậm.
Trận lụt năm 1964 gây thiệt hại kinh hoàng cho các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Tín (đơn vị hành chính của Việt Nam cộng hòa năm 1964), Quảng Ngãi và Bình Định. Đặc biệt tại Quảng Nam, cư dân ven hai con sông Thu Bồn – Vu Gia bị thiệt hại nặng nề nhất.
Theo tài liệu “Lụt từ trên nguồn đổ xuống bốn hướng. Từ Phước Sơn, Tân An xuống Giảng Hòa, từ sông Giằng, từ Tam Sơn xuống Tam Kỳ và từ Tam Kỳ xuống Bàu Bầu, An Hòa. Trận lụt to làm nước xuống rất mạnh đến nỗi núi lở từng cụm từng mảng, đẩy những tảng đá như cái nhà cái nong trôi đi, ở Trà My, Phước Sơn. Lụt đã mở thêm ra hai cửa biển và đổi cả dòng sông. Ruộng bị lấp ở Phương Đông, Dương Yên thành như sân bay. Ở Giảng Hòa 480 dân chết hết 400, đất lở hết không còn làng nữa. Trong tỉnh, 3.000 mẫu ruộng bị lấp, gần 6.000 người chết, huyện Quế Sơn là nặng nhất!”.
Nhà thơ Tường Linh viết: Thảm nạn quê hương
Không còn gì nữa cả
Không còn gì nữa cả em ơi!
 Một tháng quê hương không bóng mặt trời
 Một tháng quê hương mưa gào gió thét
Đất Quảng thân yêu người người rên siết
 Sáu mươi năm lại đến “họa năm Thìn”
Thảm nạn này biết thuở nào quên!
Biết thuở nào quên!
 Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
 Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp
 Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la
 Chới với. Ngửa nghiêng. Người cuốn theo nhà
 Nhà theo sóng. Người không thấy nữa
 Nhìn con trôi, mắt cha máu ứa
 Ngoi lên, tay vợ níu lưng chồng
 Rồi hai người thành hai xác giữa mênh mông
 Tấp vào bờ thây của người ông
 Giữ xác cháu, hàm răng ghim áo cháu
 Nhà có mười người, hết đường phấn đấu
 Sợi dây dài vội vã thắt tay nhau
 Cây nước tràn lên, cây nước phủ đầu
 Một “dây xác” trôi về đâu, ai biết…
Còn bao cảnh não nùng, bi thiết
 Nói không cùng, ghi chẳng hết em ơi!
Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người
 Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa!
 Người sống sót không còn nhà cửa
 Không áo cơm, khô cả lệ thông thường
 Cắn vành môi nhìn lại một quê hương
 Bỗng run sợ tưởng đây miền địa ngục
 Quê hương ta: một hình hài ngã gục
 Cà Tang ơi, Trung Phước, Đại Bình ơi!
Đông An, Bình Yên… nước xóa cả rồi
Đá núi lấp đồng, bùn sông lấp xóm
 Mưa vẫn còn rây trên quê hương ảm đạm
Đồng hoang vu còn giữ những thây người
 Những thây người! Không đếm hết, em ơi!
Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10
 Năm âm lịch Giáp Thìn, em nhé!
 Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ
Thảm nạn này biết thuở nào quên
 Xót thương về, em hãy đốt hương lên!
TL
Bão, lũ không gì tàn phá ghê gớm như bão, lũ. Điều này kinh nghiệm đau thương rất nhiều!. Đó là thiên tai chỉ có phòng tránh chứ không thể chống!. Phòng bằng cách tránh bằng cách bảo vệ môi trường thiên nhiên. Phá hoại môi trường thiên nhiên là tự đẩy con người đến bờ vực thẳm.
Những ngày này (12-19/10/2016) các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh đang quằn mình chịu biết bao tổn thất về người (25) về của (tính hàng tỷ...) bởi cơn lũ kinh hoàng. Nguyên nhân do đâu?. Câu hỏi cần trả lời trung thực!.
H.V

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét