Làm thơ không chỉ tỏ bày Viết văn không để ngày sau luận bàn Trót mang mấy chữ sàn sàn Xin là hơi thở nồng nàn thương yêu Thơ văn tha thiết một điều Mong lòng Nhân Nghĩa ít nhiều trao nhau!. HÒA VĂN Trang Văn học - Nghệ thuật _ Chào các bạn! Email: h.vandientrung@gmail.com
18/12/2016
QUẢNG NAM 2016 LŨ CHỒNG LŨ
Lũ 2 0 1 6:
QUẢNG NAM LŨ CHỒNG LŨ
"Thời tiết mỗi năm một khắc nghiệt".
Ấy là câu nói của chính bà con nông dân.
Ở đâu cần gió để mát, cần mưa để đỡ cơn nắng nóng, cần lũ để nhớ về ngày xưa... Còn ở mọi miền quê người nông dân cần nắng mưa gió và cả lũ "đúng quy trình" để sống và để tồn tại...
Vậy nên hãy nhìn sự ngong ngóng chờ đợi hay thấp thỏm về một hiện tượng thời tiết nào đó của trời đất sẽ thấy trong tâm can nhà nông biết bao nỗi buồn vui...
Nhà nông xưa nay trông trời trông đất vận dụng mọi kinh nghiệm tích lũy qua nhiều thế hệ vào mần ăn. Với nhà nông làm chi cũng phải tính tới tính lui coi thiệt hơn cặn kẽ chứ không giỡn chơi!. "Lão nông tri điền" là vốn quý của các nhà nông. Chỉ cần dự tính sai "một ly đi một dặm" " tính "sai con toán bán con trâu" mà "con trâu đầu cơ nghiệp". Làm nông "cơm niêu, nước lọ" đã thế còn chịu nhiều tai ương khó lường có người nói "xí nghiệp ngoài trời" để chỉ sự bấp bênh của nghề nông.
Đụng năm thuận có cái ăn cái để đụng năm nắng hạn bão tố lũ lụt hoặc sâu bệnh... "trăm dâu đổ đầu tằm" "được thua thuế vua phải nộp"!.
Năm nay là năm nhà nông Quảng Nam chịu nhiều thất bát ngay từ đầu vụ. Suốt mùa mưa trời quang mây tạnh cứ tưởng như năm trước qua 23 tháng 10 "ông tha bà... tha" thời tiết hệt tháng năm tháng sáu đất cát khô ráo lại đã tới mùa vụ những dỉ cây ớt trên dàn lớn trông thấy lá ngọn mơn mởn xanh.
Năm ngoái sau nhiều năm trồng ớt "nài" (là khi thu hoạch được thua chi muốn bán phải nài nỉ người buôn mua) lần đầu trong 40 năm làm ớt (xuất khẩu) nhà nông trúng cả sản lượng và giá, có trúng nhưng diện tích không bao nhiêu năm nay 2016 nhìn lượng người đặt mua hạt giống ớt thì biết diện tích sẽ tăng gấp đôi gấp ba. Hạt giống ớt khan hiếm nhiều nhà đôn đáo đặt cặp tiền mới có. Cây giống lên tốt tươi ai cũng bỏ bụng mừng hè nhau ra biền bãi ven sông làm đất gieo trỉa. Cái ớt cái đậu phụng cái đậu cô ve... Không riêng ở Gò Nổi - Điện Bàn những nơi như Đại Lộc, Duy Xuyên qua 23/10 âl đều cũng vậy những đám ớt đám đậu... bén phân tro bắt đầu xanh lá.
Kinh nghiệm dân gian khi bói ven bờ sông trổ cờ là hết lũ nếu còn cùng lắm lụt lòng sông.
Vậy mà...
Sau 23/10 sau "ông tha" mà "bà không tha!" trung tuần tháng 11 âm lịch rồi trời lại mưa to khắp nam Trung bộ trong đó Quảng Nam không ngoại lệ. Mưa thượng nguồn mưa hạ du với mức trên 200-400 mm mưa to vào thời điểm các hồ thủy điện đã tích đầy nước, đây là cộng hưởng giữa thiên và nhân, tin các hồ xả lũ làm nhà nông đứng ngồi không yên. Nhìn trời vần vũ chừng nào nguy cơ xả lũ nhiều chừng ấy.
Sáng 16-12, theo Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung- Tây Nguyên (CCPCTTMT-TN): "Lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Quảng Nam) đã đạt đỉnh ở mức 9,44m, trên báo động 3 0,44m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy đạt đỉnh 8,44m, dưới báo động 3 0,16m, tại Câu Lâu đang lên.
Mưa to ở vùng hạ du cộng với việc các thủy điện ở thượng nguồn tiếp tục xả lũ vào rạng sáng 16-12 đã khiến vùng hạ du Quảng Nam ngập sâu trở lại, nước các sông hầu hết đã trên báo động 3…
Trong ngày 16-12, nhiều thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn. Cụ thể theo CCPCTTMT-TN: "Lưu lượng xả hồ Sông Bung 4 là 1.137m3/s, Đắk Mi 4 là 1.048m3/s, Sông Tranh 2 là 2.527m3/s".
Việc các thủy điện ở thượng nguồn tiếp tục xả lũ đã khiến cho vùng hạ du Quảng Nam chìm trong biển nước. Trong chiều 16-12, lũ trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu dự báo đạt đỉnh ở mức 4,3m, trên báo động 3 0,3m, tại Hội An 2,5m, trên báo động 3 0,5m.
Hai con sông Vu Gia, Thu Bồn hai cái túi đựng nước từ thượng nguồn nước đục ngầu chảy xiết cơn lũ ngày 3/12 vừa dứt nước sông còn đầy ắp lại mưa to... nếu lũ trước gây ngập cây màu, khu dân cư ở hạ lưu sông Vu Gia (Đại Lộc),... thì cây lũ thứ 2 ngày 14/12 ngập Đại Lộc, Điện Bàn, Tam Kỳ, Hội An...
Điện Bàn nước ngập các xã tây- bắc. Gò Nổi qua 2 lần ngập lũ trái mùa này gây nên nhiều thiệt hại mùa màng.
Gò Nổi cả 3 xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong lũ vây quanh nhiều khu dân cư chỉ còn nền nhà.
Điện Phong là địa bàn thấp lụt cây thứ 2 nước đã chia cắt hoàn toàn các thôn. Riêng tuyến đường chính 610B kết nối vùng Gò Nổi xuống quốc lộ 1 nhiều đoạn đã bị ngập sâu 0,5 - 1m. So với các xã trong Gò Nổi xã Điện Phong là thấp lụt nhất ngoài ngập khu dân cư tất cả các gò, bãi trồng hoa màu của người dân trong xã bị ngập hoàn toàn, hàng chục hecta ớt cũng đã bị hư úng. Trước cây lũ 3/12 một số bà con không nề hà mưa lạnh tập trung lao động bứng ớt dùng xe chở trở về nhà dưỡng, sau lũ tranh thủ mấy ngày tạnh ráo mới trồng lại nhưng chừ tiếp cây này thì mất trắng rồi!.
Ở Điện Quang anh Trương Năm người cung ứng con giống cây ớt nói:
"Trời nắng ráo như rứa biểu đừng xuống giống đậu... đặt ớt sao được!".
Nhà nông dù kinh nghiệm mấy cũng bó tay. Nếu qua trung tuần tháng 11 âl mà không trỉa cove, đậu phụng ở diện đất bồi ven sông Thu thì về sau có trỉa cây đậu chỉ tốt mã chứ trái quả ra chi.
Bây giờ gieo trỉa có máy cày máy lồng không như xưa cuốc đôn 5, 7 công/ sào nên việc gieo trỉa nhanh lắm. Đất ba hàng dãy bảy hàng dài vậy mà chỉ trong mấy ngày là xong khâu cày; lồng sự nhanh nhạy như thế mà gặp lũ chồng lũ như những ngày qua hỏi còn gì?.
Nhiều nông dân nói:
"Tiền vốn đầu tư công cán giống má (riêng hạt giống ớt 403 tiền giống 1 triệu đồng/ sào 500 mét vuông) gieo vãi rồi... mất thì chắc mất rồi... nay mai nước rút lấy giống đâu làm lại nhất là giống cây ớt!".
Sản xuất nông nghiệp là loại hình sản xuất chịu nhiều rủi ro do thiên tai sâu bệnh trong đó không ngoại trừ tác hại nhân tai. Ở đâu có sự liên kết tốt từ các khâu sản xuất lưu thông phân phối mà nhà nông gọi nôm na phải có đầu vào đầu ra mới hạn chế phần nào rủi ro, hay có rủi ro có "chỗ chịu" mà hay gọi "bà đỡ"... mạnh ai nấy làm, làm theo kiểu "móng đâu câu đấy" càng mất an toàn nếu không muốn nói "Làm như đánh bạc". Lũ chồng lũ vừa rồi thiệt hại nếu lớn bao nhiêu cũng thống kê cho biết chứ không thể có sự "đỡ vớt" nào khi từng hộ tự làm tự chịu.
Ở Điện Quang ai nhận cây giống ớt của cty nơi anh Trương Năm cung ứng, cty sẽ chia sẻ phần thiệt hại về giống như vậy thì nhà nông đỡ một phần thiệt hại.
Sự liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) hỗ trợ người nông dân trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm là chuyện ai không muốn có điều làm chi cũng phải sòng phẳng minh bạch giữ chữ tín hai bên cùng có lợi mới bền ngược lại đừng trách này nọ... nhà nông tâm sự như vậy.
Đọc báo nghe đài thiệt hại của lũ chồng lũ vừa qua tại Quảng Nam con số lên hàng trăm tỉ đồng.
Sự vất vã của những ngày chạy lũ sự mất mát tài sản hoa màu... rồi cũng đi qua nhà nông lại "Cơm niêu nước lọ" bòn mót những gì còn lại hoặc vay mượn chịu nợ nần bèn mọi cách phải trở ra mảnh đất tiếp tục bươn chãi... tiếp tục... sống chung với lũ...
Không ai mong ngóng thời tiết mưa thuận gió hòa bằng nông dân../.
Hòa Văn
18/12/2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét