29/10/2020

Hòa Văn: CÒN GÌ KHÔNG


Còn gì không?(*)

 Bên dưới lớp đất đá nầy bao sinh linh nghẹt thở 

Xin nguyện cầu Đấng Thiêng Liêng độ trì

 Chỉ cần một hốc đá chỉ còn hở chút là còn hơi thở 

Chỉ cần chỉ cần... than ôi! 

 

Lúc này xin đừng phí phạm lượng oxy... 

Bao sinh linh là bà con ta đang rất cần cần một chút thôi! 

Nhanh tay lên đôi bàn tay đang bới đất đá... Bên dưới những bàn tay là sự sống đang lụi dần...


 Không thể kêu cứu! 

Quanh là đất và đá! 

Sự vùi lấp kinh hoàng 

Như tia chớp

 Thảm thương thay!.

 ... 


***


Không còn gì! 

Câu trả lời 

          Lạnh lùng 

                   Hiu quạnh 

                           Bơ vơ 

Tới cái xoong nhôm còn xẹp lép 

Thử hỏi thân xác con người nào chịu nổi 

Không còn gì 

Ngoài sự lặng câm của đất và đá 

Sự im lặng đúng là quá đáng sợ 

Ở nơi núi không ra núi đồi chẳng ra đồi sự sống tính bằng giây là bình thường 

Bình thường đáng sợ 

Sức chịu đựng của con người thật vô cùng                  

             Ơi! Vô cùng 

                     Vô tận 

Chỉ có lương tâm mới cứu được sự thật kinh khủng đang diễn ra 

 Chỉ có lương tri mới cứu được sự tàn lụi của con người 

            Lương tâm 

                     Lương tri ơi!.

 🔊

Hòa Văn

29.10.2020

 Kinh hoàng! 


 ***


Không còn lời để nói 

Không còn điều gì để nói tất cả đang ở sâu trong lòng đất đá 

Xóm tan hoang 

Nhà tan hoang 

Chưa bao giờ cơn địa chấn ập xuống miền núi quê tôi khốc liệt như thế! 

Có nhà 8 người chết hết chỉ còn một là nhờ không có ở nhà! ... 

 Cả nhà chết hết! 

Tin nhói trái tim... 


... 


 Ôi! Tiếng thét giữa rừng Âm vang âm vang tứ bề 

 Ôi! Tiếng khóc giữa rừng 

Âm vang âm vang tứ hướng 

Nỗi đau tận cùng đứt ruột 

Mà làm sao giờ em ơi! 

Đôi mắt chứa bao niềm uất ức! 

Em nhìn lên khoảng trời  

Có thấy gì đâu 

 Ngoài hư không... 


 Không trống không kèn 

Không hòm không quách 

Chỉ mấy gói mì tôm bẻ đôi 

Đặt trên mộ mẹ mộ cha ngay bên nơi vừa bị đất đá vùi lấp 

Một ngày mùa đông 

Không giặc không đạn 

Ầm ầm thác lũ 

Ông bà mẹ cha anh em con cháu chết trong nháy mắt! 

 Chết không kịp ngáp Không lời thở than 

Không không ... 

Không biết tại sao phải chết 

Vì tiền? 

Vì tình?

 Vì... 

Có trời chứng tri 

Tội lỗi này ai mang 

Không biết

 Vô tri 

Vô thức 

Vô giác

 Vô lối 

Vô luân

 Vô đạo!


 Không thể chọn nơi sinh

 Con người có quyền chọn nơi ở? 

Hởi ôi! Bên bờ suối bên sườn đồi bên nương rẫy... 

Thi vị quá thi vị 

Thật thà rất thật thà 

Chỉ cần con nhái 

Chỉ cần củ sắn lùi 

Chỉ cần vốc nước lạnh 

Đủ rồi một kiếp nhân sinh 

Đã từng thấy như thế... 

Đã từng như thế! ... 

 Người ở miền núi có đôi mắt như thôi miên 

Đôi mắt muốn nói bao điều yêu thương 

 Lại là đôi mắt buồn thấu tâm can 

 Mọi thứ sẽ chìm vào quên lãng? 

Nỗi đau còn lại!.

Hòa Văn

 30.10.20

-----

(*): Thông tin ban đầu cho biết, trận mưa lớn kéo dài kèm hoàn lưu bão số 9 đã xảy ra liên tục từ 4h đến 19h hôm qua (28.10) đã gây sạt lở nhiều nơi.

 Tại thôn 6, xã Phước Lộc, Phước Sơn, Quản Nam đã xảy ra sạt núi, vùi lấp 11 người dân mất tích. Do đường bị sạt lở, chia cắt giao thông hoàn toàn, thông tin liên lạc bị gián đoạn nên sáng nay, cán bộ cơ sở mới cắt đường, vượt núi, đi bộ ra đến huyện để cấp báo. Ảnh Người dân nỗ lực tìm kiếm người mất tích. Hiện người dân tại thôn 6 đã tìm được 3 thi thể. Cán bộ xã Phước Lộc và huyện Phước Sơn đang tổ chức lực lượng tiếp cận hiện trường. Dự kiến, 16h hôm nay, lực lượng xã mới tiếp cận được vụ sạt lở. Được biết, khu vực sạt lở thôn 3, xã Phước Lộc có 32 hộ với 215 nhân khẩu. Vụ sạt lở còn khiến nhà cửa, tài sản của người dân bị hư hỏng. 

 Trước đó, 2 cán bộ xã Phước Lộc gồm Hồ Văn Sợ, 25 tuổi, cán bộ dân vận, Hồ Văn Độ, 28, phó Bí thư xã đoàn cùng 3 cán bộ khác đến các thôn kiểm tra, hỗ trợ dân sơ tán. Trên đường đi, 2 cán bộ nêu trên bị sụt đất, rơi xuống suối, bị cuốn trôi. Như vậy, riêng xã Phước Lộc hiện có đến 13 người mất tích.
 

(*):Vụ sạt lở đất ngày 28/10 xảy ra tại thôn 1 (xã Trà Leng, Trà My, Quảng Nam) vùi lấp 15 hộ dân, 33 người may mắn sống sót, 9 thi thể được tìm thấy, 13 người hiện (4/11/20) vẫn còn mất tích, trong đó có Bí thư xã Trà Leng.

(*): Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, trong đợt mưa bão số 9, tại khu vực các huyện miền núi của tỉnh có 22 người chết, 46 người bị thương và 24 người đang còn mất tích do sạt lở đất, nước cuốn trôi. Trong đó, tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) còn 14 người và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) còn tám người đang mất tích...


26/10/2020

Hòa Văn: Cái chum

      Tạp văn



      Xưa nay ở quê tôi nhà nào cũng có chum. Chum đúc bằng xi măng dùng để chứa lúa (thóc); bắp; sắn; khoai khô; đường tán... Có thể dùng chum để chứa nước. 

     Thợ đúc chum là thợ có tay nghề kinh nghiệm mới đúc nhanh và đẹp. Nhiều thợ đúc nhiều chum giống y nhau rất đẹp. Muốn đúc một cái chum thợ đúc trước đít chum xong bao ví nan tre chung quanh đổ đất vô nện chặt muốn đúc chum cao bao nhiêu thì đổ đất tới đó rồi tháo dở ví nan tre ra dùng dao gọt cho đất thành cái ruột của chum. Cuối cùng là đắp trét hồ xi măng lên quanh thành cái chum. Dùng giấy bao xi măng lót miệng chum đúc cái nắp chum. Cả tuần sau xi măng chết cứng mới đào xúc đất trong bụng chum ra. 

Chum lớn nhỏ tùy nhu cầu nhưng phải theo khuôn mẫu đít và miệng chum bằng nhau, miệng có nắp đậy gọi là nắp chum, bụng của chum phình tròn đều. Đồ khô để trong chum sẽ được giữ không bị mốc ẩm. 

      Cái chum sắp hàng ở nhà ngang hoặc chái hai bên nhà, nhà sản xuất nông nghiệp nhiều diện tích đúc nhiều chum... Mùa nắng ráo thì không gì khi lũ lụt chum bị nước làm nổi lên gặp sóng gió sẽ nghiêng làm đổ đồ trong chum ra nước ướt trôi mất bởi vậy khi nước lụt đến mức nổi chum thì nhận chum xuống nước cho nước vô đầy chum. 

      Hồi lũ lụt Giáp Thìn 1964 ba tôi về nhà mắc lụt đã xử lý các chum không cho chum nghiêng đổ bằng cách múc lưng bớt chum lúa... chuẩn bị sẵn mỗi chum một đàn dây dừa và một đoạn cây dài hơn đường kính của miệng chum đoạn cây này gọi là cây can, cột một đầu dây dừa vô giữa cây can còn đầu dây móc lên rường nhà khi nước lớn chum nổi là kéo dần nâng chum lên. 

       Nhờ làm vậy toàn bộ đồ trong chum ở nhà không bị đổ ướt hư hỏng. 

      Hòa Văn


 

20/10/2020

Hòa Văn: QUÁI LŨ...

  


Bu bám tránh lụt trên mái nhà 

Ngủ trên bè chuối 

Các em thơ ơi 

 Chịu nhé

 Làm gì hơn 

 Bây giờ Khi ba mẹ ông bà... 

Dầm mình trong quái lũ... 

Không biết 

Các em có hột cơm nào trong bụng 

Từ trưa hôm qua tới sáng nay chưa? 

Mọi thứ đang dần chìm trong biển lũ 

Trời tối như mực 

Cả khu dân cư 

Nhà nào cũng vậy thôi 

Nước gần lút nóc 

Thì ai giúp ai được! 

Hàng chục tin nhắn trên Fb cầu cứu!

 Lời kêu thảm thiết 

 Nhưng... Bởi 

Trong "mênh mông chi xứ"

 Giữa gió thốc mưa thét 

 Cần phải có phương tiện 

 Nếu không thiêu thân!.


 * 


 Nước lũ như bỡn cợt 

Chừng chừng 

 Nhơn nhởn 

Mưa ầm ầm 

Quảng Trị, Quảng Bình 

Nay tới Hà Tĩnh 

"Ông tha mà bà không tha!" 

 Tin đài báo hồ Kẻ Gỗ đang nguy 

Phải đưa nước về mức an toàn 

Không thể làm gì hơn 

Xả lũ 

Tin đài báo đặc biệt nghiêm trọng 

Sẽ "phá tràn sự cố..." 

Sẽ...

 ... 

 Tin đài báo: 

Con số chưa đầy đủ 

Hơn 120 người chết 

Khoản trên 20 người mất tích 

Mất tích trong sạt lở núi trong lũ lụt 

Là khó sống 

Ngoại trừ gặp hên...

 ... 

 Lở núi tiếp núi lở... 

Lại tin đài báo: 

"Sạt lở núi kinh hoàng, vùi lấp đồn biên phòng và xé toác QL 12A ở Quảng Bình" 

May mà tránh trớ được! 

Hú hồn! 


 * 


 Ngoài biển Việt Nam 

 Đang bão 

Bão nay mai sẽ vào 

Các tỉnh miền Trung 

Ôi! Thiên tai nhân tai 

Sức người có hạn 

Lòng người thênh thênh "Trời gọi ai nấy dạ!" 

Câu ai nói từ xưa 

Ngày càng linh ứng 

Lũ do trời mới một 

 Lũ do người gấp mười Do đâu hởi do đâu? 

Không ai nói 

Trí ngủ càng ngủ im ...

 (Còn nữa) 


 Nay mai 

Lũ rút lụt rút... 

Ai sống sống ai mất mất 

Vô thường 

Cả xóm làng đìu hiu 

Cây chuối cây cam rau cỏ nắng lên rũ lá 

Đường nhão nhoẹt bùn non 

Bàn ghế xô lệch 

Tủ thờ xiêu vẹo 

Hủ gạo ắp nước ruỗng 

Lọ muối còn lọ không 

Có gì đâu! 

Người người nhìn nhau 

bàng hoàng! 

... 

 ---- 

Ảnh internet con nít bu bám trên mái nhà Nằm ngủ trên bè chuối 

19/10/2020

Hòa Văn: CẢM ĐỀ LŨ LỤT...



 Con còn 3 đứa dưới sâu

 Mõm mẹ chỉ cạp đứa đầu được thôi 

Không chót lưỡi chẳng đầu môi

 Lặng im Chó tỏ bao lời yêu thương!

Hòa Văn 

18/10/2020

P/s Ảnh: Trong trận lũ cực lớn vào 17, 18, 19/10/20 tại Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... trên Fb có ảnh con chó ngạm một chó con lội nước thoát lụt... Hình ảnh xúc động lòng người!

18/10/2020

Trương Đức Tới: VỚI MƯA

 


Thơ

 Gửi N.Th 

 Bỗng nghe mưa gọi quê nhà 

Đèo mây quán gió ngày xa chưa về 

Lòng buồn như tỉnh cơn mê 

Một mình tôi giữa bộn bề hư không 


 Bao năm rồi hỡi dòng sông Những mùa nước nổi trên đồng ruộng sâu 

Đám bèo xanh bỏ bờ ao 

Biết đi đâu biết về đâu bây giờ 


 Lụt tràn ký ức tuổi thơ 

Ngập con đường ngập giấc mơ viễn hành 

Loài chim di trú bay nhanh 

Chỉ kịp gửi một âm thanh khứ hồi 

 


Quê nhà vẫn nhớ thương tôi 

Xin đừng để ướt mắt người năm xưa 

Tôi còn đây những cơn mưa 

Rớt về bến cũ 

Đò đưa 

Cát lầm. 

Trương Đức Tới

 (Một bài viết trong mùa lũ 1999.

 Ảnh: Phan Tân Lâm)

http://langdongban.blogtiengviet.net/?p=6294460&more=1&c=1&tb=1&pb=1#more6294460

15/10/2020

Hòa Văn: KHÔNG CÓ GÌ...



 Không có gì tự nhiên 

 Mọi hiện tượng có lý sự 

 Sông Núi ngàn năm đứng vững nhờ rừng

 Rừng sống vì đất và nước 

 Đó là sự thật

 Để được một mạch nước ngầm cần bao nhiêu núi rừng

  Để sống được rất dễ 

 Và cũng không khó khi muốn không có gì! 

 Đạo đức trừu tượng

 Chân tướng ảo tưởng

 trong 

 Tạm 

và 

Biến 

Giữa đất và trời 

Mọi lý sự khi trú được ở giác sẽ vững còn không ngược lại!.

Hòa Văn

16/10/20

13/10/2020

Tiểu Nguyệt: CHUYỆN NGÀY XƯA CỦA MẸ TÔI

           Truyện ngắn 

        Chiếc xe mười hai chỗ của anh Hai tôi đang chạy vào con đường bê tông phẳng phiu dẫn vào làng, hai bên là ruộng lúa xanh mượt. Làng tôi hiện ra xanh xanh bóng tre, mái nhà ẩn hiện mờ nhạt dưới bóng cây phía trước. 
Tiếng cười nói vui vẻ của mấy anh em tôi khi biết chuyến đi sắp đến nơi, ai cũng cảm thấy thoải mái, nhẹ nhỏm dù vừa vượt qua một quãng đường dài hơn 400 cây số để được trở về ngôi làng thân yêu - nơi cha mẹ tôi đã từng sinh ra và lớn lên. Trong lòng tôi sôi nổi bao cảm xúc trào dâng, buồn vui lẩn lộn. Ngang qua thửa ruộng ven đường, tình cờ nhìn thấy một phụ nữ đang cúi khom người cấy dặm, đã làm tôi giật mình. Tôi đưa bàn tay lên ngực nén trái tim đang đập mạnh và hít thở thật đều để ngăn bớt sự xúc động, hồi hộp. Hình ảnh mẹ tôi thuở nào chợt hiện ra, như thấp thoáng đâu đây. Tôi luôn gặp mẹ trong những giấc mơ; những cử chỉ, lời nói dịu dàng nhắc nhở, hay bàn tay âu yếm vỗ về tôi những khi tôi gặp chuyện không vui, những khi tôi vấp ngã, đã hằn in trong tâm trí tuổi thơ tôi như được khắc sâu tự bao giờ. Một thời, nhạc phẩm “Bông Hồng Cài Áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã làm tôi xao xuyến rưng rưng mỗi khi nhớ về mẹ - mẹ như dòng suối diệu hiền êm ái chảy qua lòng tôi, cho tôi sự tươi mát hạnh phúc; có khi người là ánh đuốc soi đường thắp sáng trong những nẻo đường gai gốc tôi đi. Hình dáng mẹ trong tôi tuy gầy gò, nhỏ nhắn; nhưng có đôi tay vững chải, đã che chở, sưởi ấm, dẫn dắt năm anh chị em tôi đều đến được bến bờ an vui dù một thân trải qua bao khó khăn, vất vả. Những năm tháng, dù lẩn quẩn trong cảnh túng thiếu, mẹ vẫn luôn nhắc kể về chuyến thăm quê như một niềm vui lớn, một hạnh phúc hiếm hoi của đời bà. 
Mỗi lần về quê, mẹ luôn dắt theo một trong năm anh chị em tôi một người, thay phiên nhau, ai cũng được lần lượt theo bà về quê cả. Bà nói, để cho chúng tôi có dịp biết quê mình, nhớ quê mình, bà con xóm giềng - nơi đã chôn nhau cắt rún và nuôi dưỡng tuổi thơ của chúng tôi . Từ dạo đó, khi không còn mẹ nữa, anh chị em tôi luôn nhớ lời tâm tình tha thiết của mẹ, và năm nào sắp đến tết, anh chị em tôi luôn cùng nhau trở về thăm lại làng xưa; dù nơi ấy bây giờ đã đổi thay, vắng dần người thân yêu cũ. Trước mắt tôi, kia là gốc đa già đầu làng mà tôi và mẹ đã ngồi nghỉ trong chuyến mẹ con tôi về thăm khi tôi tám tuổi. Chân tôi đau rát khi đi bộ trên con đường đất (bây giờ đã bê tông hóa) dài năm cây số giữa trưa nắng chang chang. Mẹ tôi vỗ về “Con ráng chút nữa là đến nhà” như truyền cho tôi sức mạnh để tôi bước tiếp. Gốc Đa còn sừng sững đấy mà mẹ tôi đâu rồi? Tôi nghĩ, mẹ tôi chắc vẫn đâu đây, người đang dõi theo bước chân chúng tôi với niềm vui, với tình yêu thương vô bờ. Tôi nhớ, nhớ vô cùng đêm trăng năm nào, trên vuông sân gạch, chúng tôi quây quần bên rổ đậu phụng nấu, mẹ đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của cha và mẹ. Tôi nghe tiếng mẹ tôi như còn thì thầm bên tai... *** Thịnh là trưởng nam của ông bà Chung, một gia đình giàu có ở xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. 
Ông bà Chung rất ưng ý cô Tuyết, con của ông bà Thơ xóm trước, nên rất muốn chọn Tuyết làm con dâu. Hằng ngày, Tuyết ra chợ phụ giúp mẹ trông coi sạp hàng tạp hóa, cô ít nói, nhưng vui vẻ - trông hiền lành, nết na được cô bác khu chợ quý mến. Rồi một ngày, ông bà Chung dạm hỏi Tuyết cho Thịnh và đám cưới được tổ chức trong sự mừng vui của cả làng; bởi Thịnh học giỏi, nhưng không ỷ lại sự giàu sang, mà có lòng thương tưởng đến mọi người . Hơn một năm sau, Thọ - cậu con trai của Thịnh ra đời trong tình yêu thương của cha mẹ, họ hàng. Thọ ra đời đúng vào thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, lan rộng, đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất. Học sinh ở các trường, từ lớp Bảy đến lớp Chín (1945 - 1951) đều phải tham gia tuyển chọn để sung vào bộ đội. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì Thịnh cùng những thanh niên trong làng, theo đoàn quân nam tiến. Tuyết thay anh chăm sóc cha mẹ, một mực yêu thương, chia sẻ; nhưng cô không thể thay đổi được những lời đay nghiến, quở trách xa gần của mẹ chồng và cô em gái lớn tuổi, khó tính. Tuyết vẫn luôn tự khuyên mình, hãy nên gắng sức làm vừa lòng họ, và cô nghĩ rằng đó là những người thân yêu của anh. Cô yêu quý anh, thương con - nên không thể xa lánh, ghét bỏ họ được. 
Những lời bóng gió nhỏ nhen của cô em gái ngày càng nhiều, càng gay gắt, làm cô không vơi được nỗi buồn và lo lắng. Tuyết không hiểu sao mẹ và em gái lại đối xử tệ bạc với cô như vậy. Tình yêu thương của cô chỉ được đáp lại bằng sự ghét bỏ, xa lánh! Ngày rời xa gia đình về làm dâu, sống với Thịnh, cha cô đã dặn: “Con nên nhớ, “ái nhân nhân ái chi” - hễ thương người, thì người thương lại thôi !” - nhưng cuộc sống thực tế sao lại vậy? Cái cảnh mẹ chồng nàng dâu và nhất là những cô em chồng lớn tuổi Tuyết đã nghe nói nhiều, nhưng cô không nghĩ cô em chồng lại quá quắt như vậy. Tuyết làm gì họ cũng không vừa ý, và Tuyết như chiếc bóng lẻ loi trong căn nhà thênh thang ấy. Tuyết cô đơn, buồn tủi, nhớ anh và trong lòng cô luôn mơ về một chuyến vào nam để lập nghiệp và cũng là để tìm anh. Rồi ngày ấy đã đến, như một số phận. Bà Chung nghe lời con gái, khéo léo gọi Tuyết đến ngồi bên, nói sẽ gởi mẹ con Tuyết về nhà mẹ đẻ, vì gia đình bà ngày càng khó khăn. Tuyết cảm thấy uất nghẹn, đớn đau, khi nghe mẹ chồng đòi gởi trả cô về nhà cha mẹ. Cô cũng cảm thấy bên nỗi đớn đau, còn có sự tủi nhục mà cô không đáng phải nhận.
 Tuyết quyết định ôm con lên xe vào nam; như một sự chạy trốn xấu hổ, mà chẳng biết mình phải dừng lại nơi đâu? Cô không về nhà cha mẹ, cô không thể mang nỗi đau khổ, tủi nhục về nhà để cha mẹ phải ngày đêm phiền muộn vì mình! Qua đèo Cù Mông, Tuyết dừng chân ở đất Phú Yên. Cô bơ vơ giữa xứ người. Sau một tháng mẹ con nấn ná tạm bợ nơi hiên chợ, sân chùa; Tuyết đã gặp được bà Hoài, như một duyên lành mầu nhiệm đưa đẩy. Tuyết được bà Hoài nhận làm con nuôi khi tình cờ gặp nhau trong một quán cơm ở bến xe ngoài thị xã. Như có một sự dẫn dắt, sắp đặt - họ đã đồng cảm và cần nhau khi hiểu rõ hoàn cảnh của nhau. Tuyết theo bà Hoài về nhà. Bà Hoài là một phụ nữ không con, chồng chết, sống một mình ở vùng Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân. Gặp được mẹ con Tuyết, bà Hoài rất vui, vì từ đây bà không còn cô độc nữa, bà cũng có con, có cháu vui cửa, vui nhà. Hằng ngày Tuyết cùng mẹ nuôi tráng bánh gánh ra chợ Hòa Xuân bán, và còn phụ giúp mẹ nuôi chăm sóc ba sào ruộng để có hạt ăn. Tuyết dò hỏi tin tức của chồng nhưng không ai biết gì về đơn vị của anh, cô lặng lẽ làm việc, và luôn âm thầm nuôi hy vọng đến một ngày nào đó. Khoảng đầu Xuân năm 1952, như thường lệ, một buổi sáng gánh bánh ra chợ, Tuyết nhìn thấy một toán bộ đội giăng dây đón bộ hành qua cầu Bàn Thạch để kiểm tra. Có vài người đàn bà gánh gồng, bưng xách im lặng vội quay lại đi lối khác. 
Tuyết không hiểu việc gì xảy ra, thì người đàn ông vừa bước tới, nói cho cô biết rằng, họ kiểm tra “mù chữ” để chống giặc dốt. Ai cũng phải đi học lớp “bình dân học vụ” để biết đọc, biết viết. Họ viết chữ trên tấm bảng, ai đọc được thì cho qua, ai không đọc được họ ghi tên, nơi ở, bắt buộc phải quay lại, về nhà học. Ở thôn làng, đều có mở những lớp “Bình Dân học vụ” ban đêm, để dạy cho tất cả những người không biết chữ, không phân biệt tuổi tác. Tuyết gánh hai giỏ bánh lên cầu, và thật bất ngờ, khi người bộ đội đón kiểm tra cô lại là Thịnh. Tuyết vô cùng vui mừng khi gặp lại anh - người chồng yêu quí đã xa cách bấy lâu mà cô nhớ thương, hy vọng. Thịnh cũng sững sờ khi nhìn ra Tuyết trong dáng hao gầy, nghèo khó. Anh cầm lấy bàn tay Tuyết mà cứ ngỡ là trong một giấc mơ. Tuyết đang đứng trước mặt anh, đôi mắt dịu hiền đăm đăm nhìn anh, mà không nói được câu nào. Có lẽ, Tuyết cũng nghĩ như anh - mình đang sống trong một giấc mơ chăng? Cuộc gặp gỡ bất ngờ như một phép mầu, trước sự xúc động của bao người; nhất là những đồng đội của anh. Sau phút ngỡ ngàng, họ ôm choàng lấy nhau mà nước mắt cứ chảy dài… Tuyết vẫn về ở cùng bà Hoài, cũng hằng ngày tráng bánh mang ra chợ bán; nhưng cô đã biết được tin tức anh, liên lạc được với anh, thỉnh thoảng được gặp nhau ở khu trại của đơn vị anh đóng dưới chân đèo Cả. 
Và họ cùng nhau chờ ngày ngưng tiếng súng, ngày hòa bình trở lại . Sau bảy mươi lăm ngày đàm phán, Hiệp định Genève về chiến tranh Việt Nam đã được ký kết, hòa bình được lập lại. Sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 tin “đình chiến” đã được loan báo rộng rãi, đem lại niềm vui to lớn cho toàn dân Việt, sau 9 năm gian khổ. Thịnh không theo đơn vị tập kết ra Bắc, xin được ở lại, đưa mẹ con Tuyết cùng bà Hoài về lập nghiệp tại Hòa Mỹ. Anh đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Anh cũng như Tuyết, chăm sóc bà Hoài như mẹ ruột, rất mực hiếu thảo. Bà không sinh ra Tuyết, nhưng nuôi dưỡng, đùm bọc mẹ con cô lúc khốn khó, bơ vơ. Cuộc sống hai vợ chồng anh êm đềm bên đồng ruộng, bên vườn rau, ao cá mà anh hằng mơ ước. Ước mơ đơn sơ, nhỏ nhoi là vậy, mà anh và Tuyết đã phải trải qua bao sóng gió, gian truân mới có thể thực hiện được. Tuyết mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ ngay nhà để bán cho bà con trong làng, còn Thịnh ngày ngày ra đồng chăm lo cho mấy sào ruộng. Cuộc sống khấm khá dần, và những cô con gái của họ lần lượt ra đời như những đóa hoa biết nói: Cúc, Hồng, Mai, Liễu. Thịnh muốn đặt tên cho con là những loài hoa, để mong cho đời con, có thêm ý nghĩa, vui tươi, không như đời của cha mẹ. Bông cúc vàng khoe sắc trước thềm xuân, đóa hồng đỏ thắm xinh tươi chưng trên bàn mỗi ngày, mai vàng rực rỡ báo hiệu xuân về, và cành liễu thắm bâng khuâng bên bờ hồ thơ mộng... Hòa Mỹ là một xã nằm về phía tây nam thuộc huyện Tuy Hòa - thuở ấy, là một vùng quê có nhiều rừng núi. 
Nơi đây, vào những năm của thập niên sáu mươi sau ngày hòa bình, thường xuyên có tiếng súng nổ vì sự đụng độ của hai bên. Nhà nào cũng đào sẵn một hầm trú cá nhân, hay cho cả gia đình. Mỗi khi có tiếng máy bay oanh tạc, súng nổ là cả nhà vội chui vào hầm tránh đạn. Có khi cả làng phải ào chạy ra giữa đồng trong buổi trưa nắng gắt, vì tiếng súng và máy bay thả bom ầm ì gầm rú ngay trong làng. Khi tiếng súng im dần và máy bay cũng vắng tiếng, cả làng mới hoàn hồn dắt díu nhau trở về. Người dân những vùng “xôi đậu” này đã dần quen với những cảnh như thế, vì cuộc sống gắn liền với thửa ruộng mảnh vườn. Ai cũng nghĩ, tiếng súng, tiếng bom không có gì lạ đối với họ, có thể trốn tránh; nhưng chỉ lo sợ đạn lạc thì không chừa ai bao giờ. Và, vào một buổi sáng mùa thu, Thịnh đã nằm xuống khi một viên đạn vô tình oan trái đã bay lạc vào giữa ngực anh. Anh chỉ kịp nói với vợ bằng tiếng đứt quãng, thì thào “Em đưa các con lánh đạn bom, xuôi về dưới huyện…” rồi trút hơi thở cuối cùng trong tiếng kêu gào, than khóc của vợ con. Thịnh đã nằm lại đây khi cả nhà phải chạy về phố huyện. Sau cái chết tức tưởi nhanh chóng của Thịnh, tiếng nổ ngày càng nhiều, cảnh chết chóc tang thương diễn ra thường xuyên trong làng, ngoài bờ ruộng, kiềm giữ mọi người nằm mãi trong hầm trú ẩn. Sau cùng, họ đành cắn răng dắt nhau chạy từng đoàn xuôi về huyện. Tuyết đưa mẹ Hoài và các con chạy theo đoàn người. Ai cũng mệt mỏi vì lo sợ, chân tay rã rời, nhưng vẫn cố dìu dắt nhau mà bước. Đến Phước Bình thì trời đã tối, mấy mẹ con Tuyết xin ngủ nhờ ở nhà một người ven đường. Ông bà chủ nhà thật tốt bụng, nấu cơm cho mấy mẹ con cô ăn, còn giúp cô tìm mua một miếng đất của người quen để làm nhà tạm ở. Thế rồi mấy mẹ con Tuyết cũng dựng được ngôi nhà nhỏ, lợp tole, bên cạnh chùa Ân Quang. Tiếng chuông chùa công phu sáng tối đã đem lại cho tâm hồn cô những giờ phút an tĩnh, vơi bớt ưu phiền, tin yêu cuộc sống hơn. Và cô đã ngày đêm chăm chút nuôi dạy các con với niềm ước mơ như Thịnh đã nói, rằng các con của mình sẽ học hành đến nơi đến chốn. Nhà gần chùa, nên các con của cô luôn về chùa lễ Phật, nghe quý thầy cô thuyết giảng, nên đứa nào cũng chăm ngoan, biết thương người và hiếu thuận. Ngoài giờ đến trường, các con của cô luôn phụ giúp mẹ mọi việc trong nhà - nhất là khi cô cần đến. Có lẽ chúng cũng đã nhận ra sự bất hạnh của mẹ, và nỗi khó khổ của gia đình mình? Tuyết mua củi của những người đi núi hái về, chẻ ra bó từng bó nhỏ rồi gánh ra chợ Tuy Hòa bán. Hai người con lớn của cô phụ mẹ gánh củi, trông nặng nhọc vất vả đấy, nhưng chúng vẫn luôn nở nụ cười chia sẻ với mẹ. Đến mùa gặt, Tuyết lại ra đồng cắt lúa mướn; người ta khúm công mỗi ngày cũng hơn giạ lúa. Tuyết siêng năng, ai mướn gì cô cũng làm, để có thêm thu nhập, mua sách vở và học phí cho con. Rồi Tuyết xoay sở mở tiệm tạp hóa lại tại nhà như trước, để đỡ vất vả, có thời gian ở nhà chăm sóc con hơn. Hai chị em Mai và Liễu muốn giúp đỡ mẹ nhưng loay hoay mãi không biết làm gì. Hai đứa rủ nhau đi mót lúa, bẻ măng; Tuyết biết được - rầy la con, vì sợ chúng lơ là việc học. Sau năm 1975, Tuyết đưa các con trở về Hòa Mỹ - nơi Thịnh đã nằm xuống, gởi nắm xương mình và là quê hương thứ hai mà anh đã chọn để phần nào được gần gũi, sưởi ấm linh hồn anh. 
 Tuyết dựng lại căn nhà ngói trên nền cũ và mở lại tiệm tạp hóa như khi anh còn sống. Hằng ngày cô như thấy được hình bóng anh, vẫn cái dáng gầy gầy, cao cao đi ra đi vào; và giọng nói ấm áp vô hình như vọng về từ cõi nào xa xăm, đã làm cô cảm thấy an tâm, vui sống. Hình ảnh anh luôn chập chờn trong cô - là niềm tin, động lực cho cô vững bước. Tình yêu đã vực Tuyết dậy từ bao nỗi truân chuyên, bất hạnh. Hằng năm, cứ vào khoảng 17, 18 tháng Chạp Tuyết đều về thăm quê nội, về mái nhà xưa ở xã Duy An, huyện Duy Xuyên như một niềm hạnh phúc không thể thiếu. 
Năm này Tuyết dắt Mai đi theo, sang năm dắt Liễu, và năm sau nữa dắt Hồng hoặc Cúc hoặc Thọ. Tuyết thường kể cho các con nghe chuyện làng quê xưa ấy, về nắng gió, bão bùng, thiên tai, lũ lụt, về những kỷ niệm êm đềm tuổi thơ cũng như những ngày anh và cô gặp nhau; để các con của cô luôn nhớ, luôn hướng về quê cha “…Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” (*) . Các con của Tuyết đã dần dần trưởng thành, ai cũng được đi học đến nơi đến chốn. Mai, Liễu, Hồng là giáo viên dạy trường gần nhà; Cúc là cán sự điều dưỡng làm ở bệnh viện huyện; Thọ là kỹ sư nông lâm, công tác ở sở Tài Nguyên và Môi Trường. Các con của Tuyết đều đã lập gia đình, ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Hằng năm, các con cô đều tham gia cùng nhau chuyến trở về thăm quê, mà chúng gọi văn vẻ là “Chuyến Về Nguồn”. Một sáng mùa thu năm 1985 - như anh, Tuyết đã ngủ một giấc dài và không bao giờ trở dậy nữa, sau ngày giỗ của anh. Có lẽ anh đã đón Tuyết khi biết cô đã hoàn thành trách nhiệm với các con. Có lẽ anh và Tuyết đang nắm tay nhau ở một cõi vô hình xa xăm nào. 

*** 

 Xe đã dừng lại trước ngôi nhà ngói đỏ ba gian của ông bà nội tôi, mọi người lần lượt xuống xe cười nói vui vẻ. Tiếng chị Hồng làm tôi giật mình: -Sao mà đờ đẫn thế Liễu? Tới nơi rồi, sao không xuống? Tôi như vừa trải qua một cơn mê dài, mỉm cười - lật đật xuống xe: -Dạ! Em xuống liền. Các cháu - con người em (con cô Ba của tôi) chạy ra chào đón, chúng vui vẻ phụ mang mấy thùng đồ trong xe vào nhà. Lòng tôi bâng khuâng khi ngắm khoảng sân rộng trước nhà, nơi đây ngày xưa cha tôi đã từng chạy nhảy, vui đùa; nơi đây ghi dấu bao kỷ niệm một thời của cha mẹ tôi. Năm nào tôi cũng về đây, mỗi lần về, tôi đều nao lòng với cảnh cũ, người xưa qua lời kể của mẹ. Một cảm giác bâng khuâng không tả được, chỉ biết rằng cái khoảng trời ngày ấy, cả không gian, thời gian như đọng lại nơi đây, làm tôi nuối tiếc, buồn bâng quơ. Chúng tôi ra thăm mộ ông bà nội, ngoại; thắp nén hương, cầu nguyện. Chúng tôi cùng dắt nhau đi thăm từng anh chị em họ hàng nội ngoại trong làng. Sự trở về của mấy anh chị em tôi, như sưởi ấm tình thân của họ hàng nội ngoại, như chất keo càng gắn kết chúng tôi lại với nhau. Tôi thầm cảm ơn mẹ tôi, người đã hy sinh cả cuộc đời vì chúng tôi, đã hướng cho chúng tôi biết nhớ về nguồn cội, để được hạnh phúc, để có niềm vui, niềm an ủi lớn lao cho đời mình. Sau một ngày thăm viếng bà con, họ hàng; anh chị tôi đã mỏi mệt, ai cũng muốn nghỉ ngơi, ngủ bù vì đường xa . Riêng tôi, dù cố gắng nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được. Tôi nằm đó, trăn qua, trở lại với bao hình ảnh quay cuồng trong cái đầu nhỏ bé. Tôi trở dậy, bước ra sân. Trăng đã lên cao, ánh sáng dịu dàng, óng ả tỏa xuống khắp sân vườn một vùng sáng bàng bạc, mênh mông; và tôi như thấy cha mẹ tôi từ trên cao đang nhìn xuống, mỉm cười.
T.N
 11/2017 
 (*) thơ Đỗ Trung Quân 
 ----- 
NV Tiểu Nguyệt tên thật: Văn thị Ánh Nguyệt - Sinh năm 1958. Tại Phú Hiệp - Đông Hòa - Phú Yên. Quê quán làng Xuyên Đông, TT Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam. TÁC PHẨM ĐÃ XB: "KHÚC HÁT YÊU THƯƠNG" (Truyện Ngắn & Tùy Bút) NXB HỒNG ĐỨC

12/10/2020

Gạo Quê: QUÊ TÔI NHỮNG MÙA LỤT

        


              Xóm tôi nằm ở vùng đất trũng; mỗi lần lụt, nước băng qua đường cái, chảy vườn nhà tôi trước. Sâu dưới lòng đất, lớp bùn đen - dấu tích con sông xưa. Vùng đất này sông chằng chịt rất rõ nét.

 Sông chết dần theo thời gian rồi xóa sạch bến bờ, chỉ còn lại những con sông chính; bây giờ sông cái cạn dần. Sông cạn, đời cũng vơi như sông, lòng tôi cỏ mọc đôi bờ thương nhớ! 

 Mẹ tôi thường nói: “Nhà mình cóc đái có nước”, mỗi năm gánh chịu nhiều trận lụt. Có năm nước tràn vô liên miên, chỉ cần dọn trận lụt đầu, cuối mùa mới chuyển đồ đạc xuống đất. Trên gác, nơi mùa lụt trú ẩn, ba tôi chừa một cửa sổ nhỏ, vừa để nhìn ra vườn, vừa làm cửa thoát hiểm phòng khi nước lên chấm gác. Anh Hùng tôi hay thò người qua cửa sổ quan sát nước lớn: “Nước ngập Tiền Tự, Gò Muống rồi!” nghe giọng anh như thể tin quân chiến thắng trở về. Tôi nhỏ quá không được chui ra đó, ức lắm! Mãi nhiều năm sau, tôi mới cấp quyền sử dụng cái “vọng lâu” ấy. 

 Khi nước sông mới dâng, người lớn kéo nhau đi vớt củi, kéo cá chật cả bến sông. Con nít chúng tôi đi theo đứng nhìn say sưa lắm! Những lần nước ngập bàu Hồng, nước lên tới ngõ bà Hai Thảo, bọn con nít tụ tập ở đó; đứa câu cá, đứa cắm cây canh chừng nước lớn. Cảnh bèo bọt trôi nổi lềnh bềnh, mùi nước bạc tanh tanh sao mà thân thương quá! Khi nước chảy vườn, hạnh phúc như chờ đợi quanh đây. Mưa gió ít, nước lớn chậm; tôi cầu khẩn đất trời sao cho nước mau đóng mái thềm, tráng nền, lút giường, băng cửa sổ, ngập bàn... bị mẹ tôi la: Răng mà dại quá! Mỗi mùa lụt, người lớn lo lắng than phiền, còn bọn trẻ con chúng tôi vui như cá đồng ức nước. Cứ thấy trời mưa to gió lớn là lòng rạo rực, thế nào nước sông cũng dâng lên. Những đêm nước lớn khó lòng chợp mắt, sáng ra dậy thật sớm xem nước chảy vườn. Cũng có lần cả nhà ngủ quên, nước vô trôi dép mới hay. Cảnh dọn lụt rộn ràng háo hức. Cả nhà cùng nhau, chẳng cái gì để lại trên nền nhà, nên quê tôi có câu: “dọn như dọn lụt”. Âm thanh gọi nhau í ới từ nhà nọ sang nhà kia, hỏi thăm mực nước, dọn lụt tới đâu rồi. Ông Ký xóm sau nhà tôi hay đùa: “anh Bốn ơi! Nước lút con tơm chưa?”. Con tơm của ông Ký ngụ ý nói tục, tiếu lâm; thật ra là cái đà kê bộ phản ngày xưa, đế lận cong cong hình con tơm (Tôm). Bầu không khí dọn lụt ấy, giọng điệu hài hước ấy, tình cảm láng giềng ấy và tâm hồn trẻ thơ ngày xưa buộc vào nhau như đòn bánh tét ngày xuân; nếp, nhưn, dây, lá sùng sục sôi suốt năm tháng tuổi thơ mỗi mùa nước lớn.

 Một lần nước lớn nhanh, bầy gà nhà tôi đi ăn ở đồng trước không về kịp, có những con kẹt lại trên những vạt khoai chói, khoai từ, ba lội ra bắt về. Lần đó tôi bị mất con gà mái tơ có bộ lông xám, to mập sắp kêu ổ. Đó là con gà mẹ tôi cho làm vốn, nuôi lớn bán lấy tiền mua sách vở. Tôi chăm nó theo chế độ sĩ quan đặc biệt. Mỗi ngày nó ăn gạo thóc, châu chấu, cào cào, trùn, nhái... Lúc còn nhỏ, tôi hay lận gà con vào bụng những khi trời lạnh, nó thích lắm nằm im, thò cái đầu nhỏ qua kẽ hở giữa hai hạt nút áo. Ở nhà tôi đi đâu, nó cũng đi theo. Nó biết cảm nhận tình yêu con người. Nó mất tôi tiếc lắm, nhưng thấy tình thế gay go, chẳng thể tìm đâu ra. Nước ngập sâu đến bụng nên đành cho qua. Tôi và anh Đẩu say sưa trò câu cá cấn. Ngồi ngay bực thềm đất nhà bếp, có khi anh tôi kê cái bàn giữa sân ngập nước, thả câu ngay trong hiên nhà. Thích thú mỗi lần giật được con cá cấn nhỏ xíu, mừng như gà mổ được dế. Mẹ tôi mắng: Mất con gà không tiếc răng còn zui rứa bây? Ở nơi thấp lụt, nhà nào cũng có chiếc ghe nang, hễ nước ngập nhà, lút hai cái giường chồng lên nhau thì đặt bếp xuống ghe. Bếp kê bằng cái mâm nhôm, lót tro, bên trên đặt ông kiềng sắt ba chân. Mẹ tôi thủ bao gạo và hủ mắm cái, chỉ cần chừng ấy thôi là yên chuyện. 

 Một lần nước ngập nhà, dòng nước chảy qua cửa sổ mang theo hai con chim cút ướt cánh nằm co ro phó mặc cho đời. Anh Hùng phát hiện bắt lên, mẹ tôi rô ti, mỗi anh em được vài miếng. Ba mẹ không ăn, nhường cho con cái. 

Tôi nhỏ - út nhà được thêm một miếng, ngon đến tận cùng cái ngon! Lần này nước ngập nhà lúc nửa đêm, dọn đồ đạc vừa xong, tôi hối thúc ba bơi ghe qua nhà bác tôi cách một cái vườn rộng phía sau. Trời còn chưa sáng, ba không chiều ý, tôi khóc hu hu... sốt ruột. Một hồi sau đó, thấy tôi khóc không nín, ba đội nón cời mặc áo mưa, tôi ngồi gọn lỏn trước mũi ghe, chỗ thích nhất, được ba chở đi hân hoan như ếch nhái phải cơn mưa rào. Bơi ghe thì đứa con nít nào chẳng thèm. Những năm trước, nhà tôi chưa đan nổi chiếc ghe, ai cho đi nhờ mừng quên cả đói. Nghe âm thanh lộp cộp từ chiếc dầm gỗ quẹt vào be ghe theo từng nhịp chèo hay hơn cả bản nhạc Tây, nhạc Tàu không rõ ất giáp. Mỗi lần bơi ghe ra đồng, khung cảnh mùa lụt mới lạ quá! 

Nước khiến không gian đồng bãi trở nên gọn gàng. Bao nhiêu cái luộm thuộm bị chìm sâu trong nước, chỉ còn một mặt phẳng màu vàng đục lặng lờ trải rộng, hòa cùng màu xanh cây lá bị nước ngập đến nửa thân; những con cò trắng muốt về đậu ngọn cây, mưa bay lất phất, gió từng hồi làm tôi say mê quá đỗi. 

 Lụt lớn là cơ hội thăm hỏi nhau như ngày tết. Ba cầm lái, anh Đẩu tôi bơi mũi, băng vườn sau, ra cánh đồng Gò Muống, xuống An Trường thăm cô dượng Phẩm cùng bà con trong làng. Bơi ghe không như đi xe đạp. Bơi lối nào cũng được, ở đâu ngập nước cứ việc chống chèo, chỉ ngại mấy cây trụ rào nước khỏa lấp như cái cọc ông Ngô Quyền thì nguy. Ghe đi trong xóm, cành cây cọ vào thân ghe “rọt rọt” vui tai lắm! Mùa lụt năm đó tôi và anh Đẩu bơi ghe ra Gò Ba bắt dế. Song song ghe hai anh em tôi là ghe Cô Thứ chị, Thứ em. Tôi ham bắt dế nhưng không bao giờ bóp đầu nó, cứ bỏ vào thùng. Hôm đó cô Thứ chị bắt được con nào bóp đầu con đó ném qua ghe tôi, con nằm ngửa chân càng co giật, con nằm sấp ngay đơ. Anh tôi thấy lạ hỏi: “Sao cô không lấy mà cho tôi?” Cô Thứ chị nói rất thật thà: “Bữa ni mồng một, nhà cô ăn chay” Anh tôi cười hí hí, còn tôi thấy cô nói có lý, sau về nghĩ lại cười suốt cả tuổi thơ. Dế bắt về ngắt đầu, rút ruột, lặt chân bỏ vô nồi kho. Tôi ăn bữa đầu tiên, bữa sau nghe mùi cỏ trộn trong mùi dế tanh tanh rợn cả người. Từ đó không còn ham trò bắt dế nữa. Mùa lụt đứa nào cũng đóng bè chuối, dù nhà có ghe. Dầm mình trong nước đục chẳng biết dơ dáy là gì, cái ham thích đánh tan cái lạnh. Nước bạc tê cả người, vậy mà con nít giầm từ trưa tới chiều, khi nào môi thâm tím, răng hàm đánh cầm cập, người run đụi đụi, mới để cái lạnh thắng cái ham vui. Ngày sau lại đẵm tiếp, cha mẹ thấy con trẻ háo hức quá, la cho có lệ. 

 Chuồng bò nhà tôi không được đắp cao nên mùa lụt ba dắt bò xuống gửi chuồng nhà ông Cường già. Ngày ba lần theo ba rút rơm, bơi ghe cho bò ăn. Mùa mưa lụt không có cỏ tươi, nhìn những con bò bị cột trong chuồng nhai rơm khô rất ngon lành, thấy thương! Có những mùa lụt kỳ lạ lắm. Nước lớn rất nhanh rồi ngưng lại ngâm hoài không rút. Người lớn nói “bị hàn cửa biển”, tôi không hiểu gì, cứ tưởng tượng biển Cửa Đại bị ai đó đóng. Trời quang mây tạnh, trăng sáng vằng vặc, mọi người bơi ghe đi chơi xóm nọ qua xóm kia, làng này qua làng khác, đông vui như ngày tết. Nước lớn một ngày một đêm tròn cữ thì ngưng, có khi dữ trời mưa to gió lớn, ông trời cho thêm cữ nữa, người lớn lo sợ, con nít vui mừng. Đến khi hết lụt, con nít buồn như nước ra. 

Lụt xong sợ nhất cảnh dội bùn non. Có năm bùn đọng trong nhà cả nửa gang tay, phải dùng trang ban đất mà kéo. Thường thì nước cạn xong trời có cây mưa, gọi là mưa dội bùn. 

Lúc nhỏ tôi thắc mắc hoài, sao ông trời biết điều đến vậy? Ổng biết ở nhân gian chỗ nào có lụt vừa xong thì làm mưa. Tôi cố để ý xem có thật vậy không; đúng thế, cứ lụt xong là có cơn mưa. Mưa trôi bùn non đọng trên cỏ cây, nếu không cây cối sẽ chết khi nắng lên, gọi là “nắng mới”. Khi nào không thấy mưa, mẹ tôi nói “trời còn lụt tiếp”, chẳng biết đúng hay sai. 

Sau một trận lụt lớn, xóm làng tiêu điều quá! Nhìn đâu cũng thấy màu bùn đất, cỏ rác mắc đầy bờ rào, cây cối. Những bụi cây bị nước ngập giờ đây buồn thiu không còn sức sống, phải mất mấy tuần mới hồi sinh. Có khi chưa kịp ra chồi đã chịu trận lụt mới, cây bị vùi dập như thể trời đè. 

Xóm làng dơ dáy, đi đâu cũng phải xách dép. Nhà hồi đó phần lớn nền đất, sang hơn là lót gạch thẻ. Nước ra phải đầm tro; tro làm ráo nền, tro tạo màu đen xám. Mùa nắng anh Tài con bác tôi thích cởi trần nằm lăn trên nền đất mát lạnh, mát hơn nền gạch men bây giờ. Mẹ tôi thường nhắc, mỗi lần lội nước lụt xong phải rửa chân bằng nước giếng, nếu không muốn Cù lìa. Ngày trước mẹ tôi hay dùng những từ vô cùng hình tượng, nhiều từ tôi quên không nhớ, tiếc lắm. Chữ “cù lìa” nghĩa là bị nước ăn chân, lỡ loét như người bị phong cùi. Tôi quen quá tiếng đó những ngày nước lụt. 

 Mùa nước năm ấy tôi học lớp mười một, lớn lắm rồi, không còn con nít nữa. Ngồi một mình ngắm cảnh nước ngập nhà anh Dư bên cạnh, gần chấm mái tranh, trời nắng đẹp. Tôi say sưa vẽ bức tranh “Ngày lũ”. Tiếc quá! bức tranh ấy bằng bút chì, bị lạc mất đâu rồi. Qua mùa lụt, hết mùa mưa, nước còn đọng trong các ao hồ, mỗi đứa một chiếc cần, đào trùn làm mồi câu cá. Nhiều hôm cả làng vác nhủi đi xúc cá, tôm, ghẹ, ốc. Đợi một thời gian nắng gắt, nước ao hồ sắp cạn, người lớn xúm nhau ngăn bờ tát cá. Mỗi lần như thế, con nít đứng đợi trên bờ đông lắm, chờ người lớn cho “bắt hôi”. Có khi được con cá tràu to chui rúc trong hang hốc, mang về khoe cả làng. Sau này tôi nghĩ người lớn nói hơi quá, báo đài hay than thở chuyện lũ lụt miền Trung, nghe sao thương lắm! Sự thật đâu phải thế, sự thật cất giấu trong lòng những đứa trẻ quê tôi. Bạn không tin thì về quê tôi mùa lụt, ngồi trên mái nhà, ăn khoai lang xéo đậu đen, uống nước mưa, nhìn con nít háo hức, hạnh phúc cỡ nào. Người lớn quên mình từng là con nít, nên đánh mất gia tài hạnh phúc. Nếu quê tôi bốn mùa nắng ráo thì tuổi thơ như vầng trăng khuyết chẳng bao giờ đầy. 

       Nhớ lại ngày thơ bé, hình như những niềm vui đơn giản con người ta ngày càng đánh mất. Tôi ngờ rằng thiên kinh vạn quyển, ngàn triết gia không níu nổi đời. Đời trôi như khúc gỗ mục giữa dòng sông mùa lũ ngày ấy. Không biết đời có như khúc gỗ trôi đến gần cuối con sông thì dần chậm lại, lững thững ra biển? Hay ta níu đời ta chậm lại, chậm lững thững như khúc gỗ nơi cửa sông, để mất hút trong cái mênh mông khôn cùng! 

 Gạo Quê

Truyện ngắn Hòa Văn: Hậu quả



T
RÂN đứng chết điếng người khi hay tin mẹ bị nước lũ cuốn trôi.
Cách đây mấy hôm Trân về nhà kỵ cơm cha xong, ở lại thêm một bữa nữa chủ yếu la cà nơi quán xá đãi đằng mấy ông bạn thân thiết hồi còn ở quê, đến khi gần đi mới dành đâu non tiếng đồng hồ nói chuyện với bà Sáu - mẹ của Trân - những chuyện buồn vui ngày xưa khi hai mẹ con dắt díu nhau ở bến Đá, Vĩnh Điện.

Cảnh mẹ goá con mồ côi giữa thời buổi chiến tranh loạn lạc, với đôi gàu tôn, chiếc đòn gánh tre, bà Sáu chuyên đi gánh nước thuê cho một số hộ dân, sạp buôn bán tạp hóa và người bán cá trong chợ Mai, Trân lớn lên từng ngày bằng sự làm lụng vất vả như thế của mẹ, được cái Trân ngoan lắm, ngoài buổi cắp sách vở đến trường, thời gian còn lại phụ giúp mẹ nhiều việc, mười hai tuổi đã biết nấu cơm kho cá, rồi còn tự giặt giũ áo quần. Hồi ấy cơ cực mà ấm cúng, có lần khi mẹ hỏi lớn lên con làm gì? Trân sà vào lòng mẹ, tự tin trả lời: “Con học sau làm nhiều tiền để nuôi mẹ!”.
Hòa bình bà Sáu dọn về quê làm ruộng, Trân đi học thêm bốn năm nữa rồi rủ các bạn lên rừng làm nghề khai thác lâm sản. Nơi núi rừng Trân nổi lên là một tay thợ rừng có nghề, do kinh nghiệm tích luỹ được trong những năm ở bến Đá, nơi có một vựa cây với đủ loại danh mộc. Ông hai Mịch, chủ vựa người sành cây gỗ, nói với Trân: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt! nhưng không làm gì mau phát đạt bằng lấy của rừng” Độ ấy rừng được quản lý chặt chẽ mà làm giàu dễ như thế, huống hồ gì…
Chỉ cần mười năm vác rựa mang cưa hạ cây nhóm trai tráng của Trân ai cũng phất lên trông thấy, ngay tại thị
trấn Kha Ly nầy Trân có hẳn một công ty mang tên Trân Lâm, cơ ngơi như
rừng bạt ngàn cây lá, kinh doanh chế biến các loại gỗ quý hiếm đến thô tạp, đội ngũ công nhân hàng trăm người ngày đêm xử dụng máy móc hiện đại cưa xẻ, gia công…, số gỗ đã về tới đây đương nhiên là hợp pháp hẳn hoi. Ở dưới phố Đà Nẵng Trân có mấy Resort chuyên kinh doanh du lịch, đất đai bất động sản cái thì đứng tên vợ, cái đứng tên ba người con, nếu nói nhà Trân đại gia thành đạt nhất nhì ở phố không sai, các con của Trân như diều gặp gió, con đầu theo nghề cha, còn lại con trai út lập đội đào đải vàng, con gái có đội chuyên khai thác cát sạn trên sông, trang bị đầy đủ  công cụ hiện đại xe, máy, ghe thuyền, ngày càng ăn nên làm ra.
Chỉ có bà Sáu nay vẫn sống trong một ngôi nhà đơn sơ tường xây mái ngói sát sông Thu Bồn. Nhiều lần Trân đề nghị mẹ ra phố ở với các cháu hay lên ở với vợ chồng Trân, nhưng bà Sáu lắc đầu: “Mẹ quen sống như thế nầy rồi!”, với lại Trân nói thế chứ vợ có bao giờ hé răng ngỏ một lời mời bà về ở đâu? bà nói bóng nói gió “Không có gì bằng nhà mình, mình ở!”. Biết mẹ ngày tuổicàng cao sức khoẻ giảm nay mai sẽ lọm khọm vào ra một thân một mình ở quê bất tiện, đó là lúc bình thường còn khi ốm đau khó khăn hơn nhiều, nhưng tính bà Sáu, “Ưng chi làm nấy, ai nói bà nghe!” Với lại Trân lo xa thôi chứ như bà Sáu còn khoẻ chán, ở tuổi sáu mươi bốn chưa khi nào “tốn viên thuốc đau đầu” – bà Sáu nói thế - mà đúng thật mọi chuyện đồng áng như xớt bờ, cuốc góc, rải giống, rải phân bà còn làm gọn ơ, chỉ có khi nhổ dặm, cấy hay thu hoạch bà mới nhờ vả bà con xóm giềng, chuyện công cán trước thảo sau nợ sòng phẳng chu đáo nên ai cũng sẵn lòng giúp bà cấy hái hai sào ruộng, lúa gạo đủ ăn, lâu lâu con cháu gởi tiền đi chợ, chính vì vậy mà bà nghĩ: “Tội chi đi đâu, nhất là đi bỏ quê xứ ở với dâu con, nhiếu khi chúng nó la mắng con cái, nghe y như nói chính mình, chóng chầy cũng sinh chuyện”. Bà Sáu nhớ bà Di cùng xóm mà sợ, cách đây mười năm bà Di nghe lời con bán hết nhà cửa ruộng vườn theo con trai vào tận Sài Gòn, ban đầu cơm lành canh ngọt sau vì hờn giận con dâu, bà Di trở về quê ở với rể con và cháu ngoại. Theo bà Sáu mỗi người có hoàn cảnh khác nhau nhưng cái gì tránh được nên tránh. Hôm cha con Trân về, bà Sáu nói: “Mẹ nghe con, cháu giàu có mừng lắm nhưng sao thấy ngại ngại…” Trân nói: “Mẹ hay lo xa, giờ con đâu còn vô rừng đốn cây như mọi năm đâu?”. Bà Sáu nói nhỏ nhẹ: “Biết là không trực tiếp nhưng con tổ chức bao nhiêu người ngày ngày phá rừng, vợ chồng con Triện, vợ chồng thằng Kha đứa đào sông đứa đào núi… như thế còn chi!”. Chuyện huỷ hoại môi trường lâu nay được phản ánh nhiều song đâu cũng vào đấy!. Cây rừng khó có thể trồng lại cho kịp với tốc độ đốn phá kinh khủng, nhiều khu rừng trơ trọc, núi đồi không có cây cối che phủ, đất bị bào mòn, sụt lở, sông, núi biến dạng môi trường sinh thái biến đổi nghiêm trọng, tai hoạ từ thiên nhiên đem lại cho con người không lường.
Cả nhà Trân quá biết mọi nguy cơ, nhưng hơi đâu mà lo miễn lách được luật pháp, làm giàu!.
                                                             
                      *  * *
Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, trận lũ xãy ra quá bất ngờ, mọi khi ít ra cũng mưa to gió lớn ba, bốn ngày đêm rồi nước mới lớn, đàng này chiều hôm trước mây đen ùn ùn đổ về, mưa… mưa… sau đó mống Cu Đê* đóng vắt ngang sáng rực lưng chừng trời, kinh nghiệm dân gian thấy hiện tượng này phải mau “chạy về dọn gác”.Nhanh như chớp sau đêm mưa tầm tã sáng ra nước lũ đã ngập hết đồng ruộng, xóm làng, mưa to mấy không lo bằng gió chướng, nước đang lớn mà chướng còn thổi mạnh quá sợ lụt to! Nhiều người phỏng đoán…
Tối lại hầu như làng An Cư không chỗ nào không bị ngập nước, nặng nhất cánh bắc, như mấy năm ở hàng cây keo lá tràm đường liên thôn Nam – Bắc lội bộ nước trên đầu gối thì ở khu dân cư sát sông nước lũ ngập mấp mem mái hiên nhà. Ở đó nước chảy như thác, nên chạng vạng mọi người đã đi tránh lũ, tới khuya Đội phòng lũ lụt thôn kiểm tra lại chẳng thấy bà Sáu. Hỏi ông ba Nghiêng ở gần nhà, ông nói: “Khi đi theo ghe hai Tiên về đây tôi thấy bà Sáu còn đang loay hoay đóng cửa nhà, bà nói chút sẽ đi.” Cả xóm lo lắng thức trắng đêm…

Nước lũ vừa rút  Trân chạy thuyền máy về, nhiều bà con đứng hai bên bờ hói dõi mắt ngong ngóng…, suốt từ mờ mờ sáng đến giờ hàng chục lượt người xử dụng thuyền máy ghe bơi thay phiên nhau tìm kiếm bà Sáu, mà không thấy tăm hơi gì, nhìn dòng nước lũ đục ngầu trôi trôi… ai nấy cũng sốt ruột. Con dâu, cháu chắt về đông đủ đứng ngồi ủ rũ, cô cháu nội lâm râm đọc kinh niệm Phật cầu xin…

Đám tang bà Sáu đông người đưa tiễn. Trân lặng lẽ bước theo sau linh cữu mẹ, những bước chân nặng như đeo chì. Không biết anh đang suy nghĩ điều gì khi hậu quả… ./.

H.V
-------------------------
* Cu Đê là đầu nguồn sông Thủy Tú, ở phía tây bắc Quảng Nam – Đà Nẵng.

Hòa Văn: BÃO VỚI QUÊ




Quê mình sắp bão tới em ơi! 
Cả dải đất vừa qua trận lũ  
Giờ gió to bão lớn sao trời!
 ...   
 
Dẫu bao đời trần tình nỗi khó  
Dẫu bao phen hứng chịu nhọc nhằn 
64 Giáp Thìn còn nhớ như in  
Bão lũ trôi một làng sóng cả!    

 Ơi! quê mình Quảng Nam vất vả  
 Áo với cơm và lẫn tai ương  
 Thiên nhân tai ngày càng bất thường 
 Mang đến thêm càng nhiều tổn thất! 
   
Biết là thế! quê mình rất thật...!  
Mong cùng nhau đồng lòng dốc sức  
Tay nắm tay Quảng Nam vượt qua...  
Lụt bão nào khuất phục được ta!
  
Đất và Người Xứ Quảng yêu thương!  
Mỗi tin bão tim người thắt lại  
Nghe bão tan khắp nơi mừng vui  
Ơi! anh biết lòng em mong ước  
Quê hương mình ngày một sáng tươi!. 

 Hòa Văn  
 10h 30 11/10/20

  P/s: Viết xong nhận tin cuối cùng bão số 6 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tin vui khắp mọi nhà!.