12/10/2020

Gạo Quê: QUÊ TÔI NHỮNG MÙA LỤT

        


              Xóm tôi nằm ở vùng đất trũng; mỗi lần lụt, nước băng qua đường cái, chảy vườn nhà tôi trước. Sâu dưới lòng đất, lớp bùn đen - dấu tích con sông xưa. Vùng đất này sông chằng chịt rất rõ nét.

 Sông chết dần theo thời gian rồi xóa sạch bến bờ, chỉ còn lại những con sông chính; bây giờ sông cái cạn dần. Sông cạn, đời cũng vơi như sông, lòng tôi cỏ mọc đôi bờ thương nhớ! 

 Mẹ tôi thường nói: “Nhà mình cóc đái có nước”, mỗi năm gánh chịu nhiều trận lụt. Có năm nước tràn vô liên miên, chỉ cần dọn trận lụt đầu, cuối mùa mới chuyển đồ đạc xuống đất. Trên gác, nơi mùa lụt trú ẩn, ba tôi chừa một cửa sổ nhỏ, vừa để nhìn ra vườn, vừa làm cửa thoát hiểm phòng khi nước lên chấm gác. Anh Hùng tôi hay thò người qua cửa sổ quan sát nước lớn: “Nước ngập Tiền Tự, Gò Muống rồi!” nghe giọng anh như thể tin quân chiến thắng trở về. Tôi nhỏ quá không được chui ra đó, ức lắm! Mãi nhiều năm sau, tôi mới cấp quyền sử dụng cái “vọng lâu” ấy. 

 Khi nước sông mới dâng, người lớn kéo nhau đi vớt củi, kéo cá chật cả bến sông. Con nít chúng tôi đi theo đứng nhìn say sưa lắm! Những lần nước ngập bàu Hồng, nước lên tới ngõ bà Hai Thảo, bọn con nít tụ tập ở đó; đứa câu cá, đứa cắm cây canh chừng nước lớn. Cảnh bèo bọt trôi nổi lềnh bềnh, mùi nước bạc tanh tanh sao mà thân thương quá! Khi nước chảy vườn, hạnh phúc như chờ đợi quanh đây. Mưa gió ít, nước lớn chậm; tôi cầu khẩn đất trời sao cho nước mau đóng mái thềm, tráng nền, lút giường, băng cửa sổ, ngập bàn... bị mẹ tôi la: Răng mà dại quá! Mỗi mùa lụt, người lớn lo lắng than phiền, còn bọn trẻ con chúng tôi vui như cá đồng ức nước. Cứ thấy trời mưa to gió lớn là lòng rạo rực, thế nào nước sông cũng dâng lên. Những đêm nước lớn khó lòng chợp mắt, sáng ra dậy thật sớm xem nước chảy vườn. Cũng có lần cả nhà ngủ quên, nước vô trôi dép mới hay. Cảnh dọn lụt rộn ràng háo hức. Cả nhà cùng nhau, chẳng cái gì để lại trên nền nhà, nên quê tôi có câu: “dọn như dọn lụt”. Âm thanh gọi nhau í ới từ nhà nọ sang nhà kia, hỏi thăm mực nước, dọn lụt tới đâu rồi. Ông Ký xóm sau nhà tôi hay đùa: “anh Bốn ơi! Nước lút con tơm chưa?”. Con tơm của ông Ký ngụ ý nói tục, tiếu lâm; thật ra là cái đà kê bộ phản ngày xưa, đế lận cong cong hình con tơm (Tôm). Bầu không khí dọn lụt ấy, giọng điệu hài hước ấy, tình cảm láng giềng ấy và tâm hồn trẻ thơ ngày xưa buộc vào nhau như đòn bánh tét ngày xuân; nếp, nhưn, dây, lá sùng sục sôi suốt năm tháng tuổi thơ mỗi mùa nước lớn.

 Một lần nước lớn nhanh, bầy gà nhà tôi đi ăn ở đồng trước không về kịp, có những con kẹt lại trên những vạt khoai chói, khoai từ, ba lội ra bắt về. Lần đó tôi bị mất con gà mái tơ có bộ lông xám, to mập sắp kêu ổ. Đó là con gà mẹ tôi cho làm vốn, nuôi lớn bán lấy tiền mua sách vở. Tôi chăm nó theo chế độ sĩ quan đặc biệt. Mỗi ngày nó ăn gạo thóc, châu chấu, cào cào, trùn, nhái... Lúc còn nhỏ, tôi hay lận gà con vào bụng những khi trời lạnh, nó thích lắm nằm im, thò cái đầu nhỏ qua kẽ hở giữa hai hạt nút áo. Ở nhà tôi đi đâu, nó cũng đi theo. Nó biết cảm nhận tình yêu con người. Nó mất tôi tiếc lắm, nhưng thấy tình thế gay go, chẳng thể tìm đâu ra. Nước ngập sâu đến bụng nên đành cho qua. Tôi và anh Đẩu say sưa trò câu cá cấn. Ngồi ngay bực thềm đất nhà bếp, có khi anh tôi kê cái bàn giữa sân ngập nước, thả câu ngay trong hiên nhà. Thích thú mỗi lần giật được con cá cấn nhỏ xíu, mừng như gà mổ được dế. Mẹ tôi mắng: Mất con gà không tiếc răng còn zui rứa bây? Ở nơi thấp lụt, nhà nào cũng có chiếc ghe nang, hễ nước ngập nhà, lút hai cái giường chồng lên nhau thì đặt bếp xuống ghe. Bếp kê bằng cái mâm nhôm, lót tro, bên trên đặt ông kiềng sắt ba chân. Mẹ tôi thủ bao gạo và hủ mắm cái, chỉ cần chừng ấy thôi là yên chuyện. 

 Một lần nước ngập nhà, dòng nước chảy qua cửa sổ mang theo hai con chim cút ướt cánh nằm co ro phó mặc cho đời. Anh Hùng phát hiện bắt lên, mẹ tôi rô ti, mỗi anh em được vài miếng. Ba mẹ không ăn, nhường cho con cái. 

Tôi nhỏ - út nhà được thêm một miếng, ngon đến tận cùng cái ngon! Lần này nước ngập nhà lúc nửa đêm, dọn đồ đạc vừa xong, tôi hối thúc ba bơi ghe qua nhà bác tôi cách một cái vườn rộng phía sau. Trời còn chưa sáng, ba không chiều ý, tôi khóc hu hu... sốt ruột. Một hồi sau đó, thấy tôi khóc không nín, ba đội nón cời mặc áo mưa, tôi ngồi gọn lỏn trước mũi ghe, chỗ thích nhất, được ba chở đi hân hoan như ếch nhái phải cơn mưa rào. Bơi ghe thì đứa con nít nào chẳng thèm. Những năm trước, nhà tôi chưa đan nổi chiếc ghe, ai cho đi nhờ mừng quên cả đói. Nghe âm thanh lộp cộp từ chiếc dầm gỗ quẹt vào be ghe theo từng nhịp chèo hay hơn cả bản nhạc Tây, nhạc Tàu không rõ ất giáp. Mỗi lần bơi ghe ra đồng, khung cảnh mùa lụt mới lạ quá! 

Nước khiến không gian đồng bãi trở nên gọn gàng. Bao nhiêu cái luộm thuộm bị chìm sâu trong nước, chỉ còn một mặt phẳng màu vàng đục lặng lờ trải rộng, hòa cùng màu xanh cây lá bị nước ngập đến nửa thân; những con cò trắng muốt về đậu ngọn cây, mưa bay lất phất, gió từng hồi làm tôi say mê quá đỗi. 

 Lụt lớn là cơ hội thăm hỏi nhau như ngày tết. Ba cầm lái, anh Đẩu tôi bơi mũi, băng vườn sau, ra cánh đồng Gò Muống, xuống An Trường thăm cô dượng Phẩm cùng bà con trong làng. Bơi ghe không như đi xe đạp. Bơi lối nào cũng được, ở đâu ngập nước cứ việc chống chèo, chỉ ngại mấy cây trụ rào nước khỏa lấp như cái cọc ông Ngô Quyền thì nguy. Ghe đi trong xóm, cành cây cọ vào thân ghe “rọt rọt” vui tai lắm! Mùa lụt năm đó tôi và anh Đẩu bơi ghe ra Gò Ba bắt dế. Song song ghe hai anh em tôi là ghe Cô Thứ chị, Thứ em. Tôi ham bắt dế nhưng không bao giờ bóp đầu nó, cứ bỏ vào thùng. Hôm đó cô Thứ chị bắt được con nào bóp đầu con đó ném qua ghe tôi, con nằm ngửa chân càng co giật, con nằm sấp ngay đơ. Anh tôi thấy lạ hỏi: “Sao cô không lấy mà cho tôi?” Cô Thứ chị nói rất thật thà: “Bữa ni mồng một, nhà cô ăn chay” Anh tôi cười hí hí, còn tôi thấy cô nói có lý, sau về nghĩ lại cười suốt cả tuổi thơ. Dế bắt về ngắt đầu, rút ruột, lặt chân bỏ vô nồi kho. Tôi ăn bữa đầu tiên, bữa sau nghe mùi cỏ trộn trong mùi dế tanh tanh rợn cả người. Từ đó không còn ham trò bắt dế nữa. Mùa lụt đứa nào cũng đóng bè chuối, dù nhà có ghe. Dầm mình trong nước đục chẳng biết dơ dáy là gì, cái ham thích đánh tan cái lạnh. Nước bạc tê cả người, vậy mà con nít giầm từ trưa tới chiều, khi nào môi thâm tím, răng hàm đánh cầm cập, người run đụi đụi, mới để cái lạnh thắng cái ham vui. Ngày sau lại đẵm tiếp, cha mẹ thấy con trẻ háo hức quá, la cho có lệ. 

 Chuồng bò nhà tôi không được đắp cao nên mùa lụt ba dắt bò xuống gửi chuồng nhà ông Cường già. Ngày ba lần theo ba rút rơm, bơi ghe cho bò ăn. Mùa mưa lụt không có cỏ tươi, nhìn những con bò bị cột trong chuồng nhai rơm khô rất ngon lành, thấy thương! Có những mùa lụt kỳ lạ lắm. Nước lớn rất nhanh rồi ngưng lại ngâm hoài không rút. Người lớn nói “bị hàn cửa biển”, tôi không hiểu gì, cứ tưởng tượng biển Cửa Đại bị ai đó đóng. Trời quang mây tạnh, trăng sáng vằng vặc, mọi người bơi ghe đi chơi xóm nọ qua xóm kia, làng này qua làng khác, đông vui như ngày tết. Nước lớn một ngày một đêm tròn cữ thì ngưng, có khi dữ trời mưa to gió lớn, ông trời cho thêm cữ nữa, người lớn lo sợ, con nít vui mừng. Đến khi hết lụt, con nít buồn như nước ra. 

Lụt xong sợ nhất cảnh dội bùn non. Có năm bùn đọng trong nhà cả nửa gang tay, phải dùng trang ban đất mà kéo. Thường thì nước cạn xong trời có cây mưa, gọi là mưa dội bùn. 

Lúc nhỏ tôi thắc mắc hoài, sao ông trời biết điều đến vậy? Ổng biết ở nhân gian chỗ nào có lụt vừa xong thì làm mưa. Tôi cố để ý xem có thật vậy không; đúng thế, cứ lụt xong là có cơn mưa. Mưa trôi bùn non đọng trên cỏ cây, nếu không cây cối sẽ chết khi nắng lên, gọi là “nắng mới”. Khi nào không thấy mưa, mẹ tôi nói “trời còn lụt tiếp”, chẳng biết đúng hay sai. 

Sau một trận lụt lớn, xóm làng tiêu điều quá! Nhìn đâu cũng thấy màu bùn đất, cỏ rác mắc đầy bờ rào, cây cối. Những bụi cây bị nước ngập giờ đây buồn thiu không còn sức sống, phải mất mấy tuần mới hồi sinh. Có khi chưa kịp ra chồi đã chịu trận lụt mới, cây bị vùi dập như thể trời đè. 

Xóm làng dơ dáy, đi đâu cũng phải xách dép. Nhà hồi đó phần lớn nền đất, sang hơn là lót gạch thẻ. Nước ra phải đầm tro; tro làm ráo nền, tro tạo màu đen xám. Mùa nắng anh Tài con bác tôi thích cởi trần nằm lăn trên nền đất mát lạnh, mát hơn nền gạch men bây giờ. Mẹ tôi thường nhắc, mỗi lần lội nước lụt xong phải rửa chân bằng nước giếng, nếu không muốn Cù lìa. Ngày trước mẹ tôi hay dùng những từ vô cùng hình tượng, nhiều từ tôi quên không nhớ, tiếc lắm. Chữ “cù lìa” nghĩa là bị nước ăn chân, lỡ loét như người bị phong cùi. Tôi quen quá tiếng đó những ngày nước lụt. 

 Mùa nước năm ấy tôi học lớp mười một, lớn lắm rồi, không còn con nít nữa. Ngồi một mình ngắm cảnh nước ngập nhà anh Dư bên cạnh, gần chấm mái tranh, trời nắng đẹp. Tôi say sưa vẽ bức tranh “Ngày lũ”. Tiếc quá! bức tranh ấy bằng bút chì, bị lạc mất đâu rồi. Qua mùa lụt, hết mùa mưa, nước còn đọng trong các ao hồ, mỗi đứa một chiếc cần, đào trùn làm mồi câu cá. Nhiều hôm cả làng vác nhủi đi xúc cá, tôm, ghẹ, ốc. Đợi một thời gian nắng gắt, nước ao hồ sắp cạn, người lớn xúm nhau ngăn bờ tát cá. Mỗi lần như thế, con nít đứng đợi trên bờ đông lắm, chờ người lớn cho “bắt hôi”. Có khi được con cá tràu to chui rúc trong hang hốc, mang về khoe cả làng. Sau này tôi nghĩ người lớn nói hơi quá, báo đài hay than thở chuyện lũ lụt miền Trung, nghe sao thương lắm! Sự thật đâu phải thế, sự thật cất giấu trong lòng những đứa trẻ quê tôi. Bạn không tin thì về quê tôi mùa lụt, ngồi trên mái nhà, ăn khoai lang xéo đậu đen, uống nước mưa, nhìn con nít háo hức, hạnh phúc cỡ nào. Người lớn quên mình từng là con nít, nên đánh mất gia tài hạnh phúc. Nếu quê tôi bốn mùa nắng ráo thì tuổi thơ như vầng trăng khuyết chẳng bao giờ đầy. 

       Nhớ lại ngày thơ bé, hình như những niềm vui đơn giản con người ta ngày càng đánh mất. Tôi ngờ rằng thiên kinh vạn quyển, ngàn triết gia không níu nổi đời. Đời trôi như khúc gỗ mục giữa dòng sông mùa lũ ngày ấy. Không biết đời có như khúc gỗ trôi đến gần cuối con sông thì dần chậm lại, lững thững ra biển? Hay ta níu đời ta chậm lại, chậm lững thững như khúc gỗ nơi cửa sông, để mất hút trong cái mênh mông khôn cùng! 

 Gạo Quê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét