24/11/2023

Đặng Tiến: 𝕋𝕌Ệ 𝕊Ỹ, Đ𝕀Ệℙ 𝕂ℍÚℂ 𝔻ƯƠℕ𝔾 𝕋ℝẦℕ


Trước đây, mạng Diễn Đàn có giới thiệu tập thơ song ngữ Những điệp khúc cho dương cầm – Refrains pour piano – của Tuệ Sĩ, do bà Dominique de Miscault dịch ra tiếng Pháp, và minh họa trang nhã. Lúc đó, tác phẩm vừa mới in xong.


Hôm nay, tập thơ đã được phát hành và ra mắt dưới dạng một buổi tọa đàm tại Thành Phố Hồ Chí Minh, khách sạn Legend, ngày 27-9-2009, với sự hiện diện của tác giả và dịch giả.


Ngoài ra, chúng tôi được biết sách hiện có bày bán nhiều nơi tại Paris, giá 10 €uros.


Vậy xin trở lại, giới thiệu thi phẩm căn cơ hơn :


Tuệ Sĩ là bậc danh sĩ cao tăng, đã trọng nhiệm nhiều chức vụ trong hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam. Trong và ngoài nước nhiều người biết danh và ái mộ, qua những trầm luân mà ông chịu đựng non nửa thế kỷ, chúng tôi không nhắc lại nơi đây, vì ai muốn truy tìm thì rất dễ.


Tuệ Sĩ còn là nhà thơ, nhiều người biết danh, nhưng ít người được đọc, vì thơ ông ít được phổ biến. Mới đây, trong nước, nhà xuất bản Phương Đông đã ấn hành tập thơ Những điệp khúc cho dương cầm, song ngữ Việt-Pháp đối chiếu, do Dominique de Miscault, nữ họa sĩ người Pháp, chuyển ngữ và trình bày, minh họa, bà gọi là « biểu cảm đồ họa » (expressions graphiques). Trang bên trái là văn bản Việt-Pháp nối tiếp, trang bên phải là hình cách điệu nhà sư đang lướt ngón tay trên phía dương cầm.


Sách gồm 23 bài thơ ngắn, trình bày trên 53 trang, khổ vuông 21 x 21 cm, giấy tốt, in đẹp và trình bày trang nhã.


Điều đáng mừng là độc giả Việt Nam và thế giới có dịp tiếp cận với thơ Tuệ Sĩ, trong niềm đồng cảm nhân loại, qua thi ca và nghệ thuật. Trong lời tựa, bà De Miscault kể lại :


« Tôi được hạnh ngộ với Tuệ Sĩ và người thân từ mùa xuân 2003.


Chúng tôi đã học tập phơi trải và trao đổi hai thế giới, diễn dịch những cảm xúc, đồng thời là dấn thân. Tôi không phải phật tử cũng không phải kẻ tu hành, lại không biết tiếng Việt, nhưng thơ Tuệ Sĩ thì đã gặp đâu đó tại châu Âu già cỗi. Đó chẳng phải là những khoảng hư không mà các tác gia thần bí đã trải nghiệm ? Kinh nghiệm phiêu du trong bóng đêm và tĩnh lặng, cũng như những tâm hồn khắc khoải, vô vọng truy tầm lời giải đáp cho những hy sinh, dù tự nguyện hay cưỡng chế ? »


Bà tiếp xúc với thơ Tuệ Sĩ nhờ việc lược dịch của một người Pháp được Tuệ Sĩ duyệt lại.


« Tôi cố gắng nắm bắt nội dung qua những hình ảnh, và không gian sống của Tuệ Sĩ như tôi được trông thấy và đã khai thị cho tôi. Tôi chọn những từ ngữ và ảnh tượng đơn giản nhất, đã giản lược và tát cạn tối đa thi pháp để tập trung vào cuộc phiêu lưu thần bí của nhà sư mệt mỏi vì đời sống và những truy tầm vô vọng…


Vô vọng hay không, vẫn là câu hỏi. Buông thả theo dòng đời.


Dương cầm và tịch lặng là thần giao giữa hai lục địa giữa chúng tôi.


Nơi đây không còn là hoài cảm hay xúc cảm, mà là phân tích khô khan cõi dửng dưng.


Tôi hân hoan được tiếp tục chia sẻ, và trong dài lâu tính nhẹ nhàng tuyệt đối của đời sống. »


Bài tựa này đã được Hạnh Viên dịch ở trang 7, tôi dịch lại để đóng góp.


Một cơ duyên khác, là với kỹ thuật điện tử hiện đại, toàn bộ công trình của TS – Dominique de Miscault và nhà xuất bản Phương Đông được đưa lên lưới, để người đọc, Việt hay ngoại quốc, khắp năm châu bốn biển đều có thể thưởng lãm. Năm mươi trang giấy không phải là công trình to tát gì, nội dung cũng không phải chuyện khai sơn phá thạch, nhưng là một sự kiện văn học, như cơn gió bất ngờ đưa đóa lan rừng ra ánh sáng.


Tuệ Sĩ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, « cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan », câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi.


Thơ, thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính. Thơ thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và lịch sử.


Ví dụ bài cuối :


Giăng mộ cổ

Mưa chiều hoen ngấn lệ

Bóng điêu tàn

Huyền sử đứng trơ vơ

Sương thấm lạnh

Làn vai hờn nguyệt quế

Ôm tượng đài

Yêu suốt cõi hoang sơ.


Ý nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta không nên giải thích chân phương. Nhưng từ ngữ thì rõ ràng là trầm tích đau thương của con người trong lịch sử. Bà De Miscault dịch hay và thoát (xem Trên kệ sách của mạng Da màu). Tôi vẫn táy máy dịch lại xem như góp một nốt đàn vào bản hợp tấu :


Sur les tombes antiques

La pluie du soir se confond en larmes

Des mythes illusoires

En ruine esseulés,

La bruine givre

Les épaules meurtries de laurier

Serrant la statue

J’aime ô que j’aime les espaces innocents


Trầm tích lịch sử còn dư vang rõ hơn trong bài này ;


Ngoài biên cương

Cây cao chói đỏ

Chiến binh già cổ mộ

Nắng tắt chiến trường

Giọt máu quạnh hơi sương


Tr. 34


A la frontière

Le grand arbre rougeoie

Le soldat vieillit sur la tombe antique

Le soleil éteint la bataille

Le sang se condense en rosée.


Thơ gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ ; người đọc một bài thơ trong tiếng mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình. Gọi là tiếng lòng.


Trong nghề dạy học và việc bình luận văn chương tôi có đôi kinh nghiệm về việc dịch thuật và thông ngôn này. Gặp những bài thơ Tuệ Sĩ việc giảng luận có phần trắc trở. Ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ chung là tiếng Việt, nhưng tương quan giữa người nói và lời nói thì khác nhau. Khi Tuệ Sĩ viết đâu đó « Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang » thì ông không chỉ nói về màu áo, cũng không nói về ngọn đồi, mà phản ánh tâm linh trong một thế giới khác. Đưa lời thơ Tuệ Sĩ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục.


Thơ bao giờ cũng phản ánh ba tính cách : môi trường xã hội trong lịch sử ; ngôn ngữ trong những biến chuyển với thời đại ; và tác giả, qua đời sống hàng ngày ; nhưng ở Tuệ Sĩ đời sống hằng ngày, ý thức và vô thức dường như đã thăng hoa, thành một siêu thức. Ngôn ngữ do đó cũng siêu thoát, khó bề lý giải chân phưong và đơn phương.


Đầu thế kỷ XX giới văn học tây phương đưa ra khái niệm «  thơ thuần túy », và nghệ thuật nguyên chất theo nghĩa của hóa học : thực thể nguyên chất đối lập với những thực thể tạp chất « impur », có lẫn lộn nhiều ngoại tố. Nghệ thuật nguyên chất là kiến trúc của ngôn ngữ : một dạo khúc dương cầm, một tranh tĩnh vật, một bài thơ đẹp. Người thưởng thức không pha lẫn vào đó những kỷ niệm, buồn vui riêng tư, nhất là những thành kiến lịch sử, chính trị. Yêu một chân dung phụ nữ không phải vì nó hao hao giống một người bạn cũ.


Trong nghệ thuật, dân tộc là một tạp chất.


Tôi nghĩ khi Tuệ Sĩ đặt tên Những điệp khúc cho dương cầm, và làm những bài thơ mô tả tiếng dương cầm, là ông muốn cho tiếng thơ mình trong trẻo, thuần khiết « trong như tiếng hạc bay qua ». Do đó, bình giải thơ Tuệ Sĩ là tạo cơ nguy gây tạp âm không phải lẽ và không phải lúc. Bài viết này vẫn mang tạp âm là ngoài ý muốn của chúng tôi.


Lấy một ví dụ ngoài đề, cho thông thoáng. Nhà thơ Phạm công Thiện, thời trẻ, có lúc tu tại một Phật Viện Nha Trang. Một hôm anh về chơi với nhà văn Võ Hồng, ở lại mấy hôm, khi về Chùa, anh có thơ :


Mưa chiều thứ bảy, tôi về muộn

Cây khế đồi cao trổ hết bông.


Anh tâm đắc thường đọc cho chúng tôi nghe, và chúng tôi hiểu đại khái, nhưng chưng hửng khi nghe Phạm Công Thiện, mười năm sau, tự dịch câu thơ ra tiếng Pháp :


Je suis le Retour

Il fait Tard sur le Chemin

Sept jours après la pluie tombe

En haut

du Temple

L’arbre est le

Défleuri


Chúng tôi đã hiểu chung chung : thứ bảy là trước chủ nhật, cây khế là cây khế, ngọn đồi là ngọn đồi, nhưng qua bản dịch tiếng Pháp, thì nội hàm câu thơ không phải chỉ có vậy.


Nhưng nghĩ cho cùng, ai làm sao hiểu hết một câu thơ, kể cả tác giả ?


Và cách tiếp cận thơ Tuệ Sĩ của bà De Miscault biết đâu là cách hay nhất, như câu tiếng Pháp không biết của ai « la voix du cœur est la voie au cœur » : lời trái tim là lối đến con tim.


Đọc thơ Tuệ Sĩ. Bằng trái tim. Nỗi Nhớ


Màu tối mù lan vách đá

Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ

Rồi đi biệt

Để hờn trên đỉnh gíó

Ta ở đâu ?

Cánh mộng phù du


Tr. 18


Les ténèbres envahissant les pierres du mur

Immense le souvenir des regards de nos adieux

Et je m’en vais à jamais

Délaissant les chagrins aux cimes de l’ouragan

Où suis-je ?

Frêles sont les ailes de l’éphémère


Tình người :


Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,

Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao

Từ nguyên sơ đã một lời không nói

Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào

Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi

Vì yêu người ta vói bắt trời sao.


Tr. 50


Sur mes chagrins enfumés, je revis

L’Amour des hommes à chaque instant de mes songes

Dès l’origine la parole a été retenue

Comme l’océan retient le reflet du printemps en fleur

Des refrains animent mes ailes épuisées

Pour l’Homme, j’ouvre mes mains au firmament étoilé


Trần thế :


Theo chân kiến

Luồn qua cụm cỏ

Bóng âm u

Thế giới chập chùng

Quãng im lặng

Nghe mùi đất thở


Tr. 46


Traces de fourmi

Je faufile entre les herbes

Ténèbres des ténèbres

Les mondes s’amoncellent

Silences entre silences

J’accueille la terre respirante.


Thơ Tuệ Sĩ cô đúc, hàm súc, uyên áo. Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác giả không đề cập đến một đề tài nào chính xác, không miêu tả không tự sự. Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại giới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết.


Thỉnh thoảng, người đọc cảm thấy an tâm trong đôi lời thơ mạch lạc :


Cửa kín chòm mây cuốn nẻo xa

Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa

Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã

Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà


Tr. 26


Người Thơ hé mở một thoáng tâm linh, nhưng hình ảnh vẫn mang tính cách tượng trưng, xa cách, xóa nhòa tâm sự cá nhân, pha loãng tình riêng vào làn mưa trên mái ngói.


Đôi khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên dăm viên đá cuội trên lộ trình cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút đường về.


Ngoại giới biết đâu là ảo giác :


Bóng sao đêm dài vời vợi

Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền


Tr. 10


Và thơ, tập thơ mình cầm trong tay, những nốt nhạc, những hàng chữ  « đen trắng đuổi nhau thảnh ảo tượng ». Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo giác của ảo giác ?


Cần gì để nói thêm về Những điệp khúc cho Dương cầm của Tuệ Sĩ ?.


Phải chăng là tiếng ve sầu chung thủy, ưu hoài những mùa hạ đã ra đi ?.


Tiếng ve trở về,


Khóc mùa hè mà khô cả đại dương


Đặng Tiến,

Orleans 17/8/2009.

Cập nhật 02-10-2009


Nguồn: diendan.org


TUỆ SỸ: ℂÁℕℍ ℂℍ𝕀𝕄 𝕋ℝỜ𝕀

 



Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch (1943 - 2023)


Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, vị giáo phẩm uyên bác, dịch giả của nhiều bộ kinh, luận quan trọng; tác giả của các công trình nghiên cứu Phật học giá trị, sau thời gian bệnh duyên đã viên tịch tại chùa Phật Ân (tỉnh Đồng Nai) vào 16 giờ chiều ngày 24/11/2023 (12-10-Quý Mão).

#baogiacngo

Xin đăng 1 bài thơ của Ngài:

CÁNH CHIM TRỜI

Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào
Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc
Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao
Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu
Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu.

Tuệ Sỹ
(Giấc mơ Trường Sơn, An Tiêm xuất bản, California, 2002.)

22/11/2023

Hòa Văn: 𝐓𝐫𝐮𝐲ệ𝐧 𝐧𝐠ắ𝐧 🆃🆁🆄🆈Ệ🅽 🅲Ủ🅰 🅲🅷Ú🅽🅶

 Ngoài giờ đến công sở Chúng làm thêm một việc mà việc làm thêm lại có thu nhập chính đáng!.

Đang loay hoay dắt xe Tỵ vợ Chúng từ nhà dưới vội vội vàng vàng vừa đi vừa nói:

“Chiều nay tranh thủ về sớm cơm nước còn đi về quê thăm ông bà nội thằng Qin”

Là thế nầy mọi hôm sau cuốc thồ chót khi sớm lúc muộn Chúng hay tụm năm tụm ba với anh em cùng cánh lai rai mấy ly bia hoặc rượu gọi là giải xương giải cốt…


Chúng dắt xe ra sân xong mới trả lời:

“Ừ!. Anh sẽ về sớm!”

Chúng tên đầy đủ Huy Chúng một cây bút có nội lực. Đó là bạn đọc còm khen chứ không phải tự đắc, truyện của Huy Chúng không xa xôi không phóng đại cuộc sống chung quanh như thế nào vào truyện như thế ấy, trong mỗi truyện có nhiều chi tiết khá đắt. Viết văn làm thơ thời nay chưa phải là cái cần câu ra cơm ra cá, viết truyện có đăng báo tiền nhuận bút cũng chẳng thấm béo gì so với công sức. Mỗi khi vợ cằn nhằn vụ này Chúng chỉ cười cười giả lả:

“Chắc kiếp trước anh nợ nần chi đây?”

Nói là công sở cho nó oai phong kỳ thực nơi làm việc của Chúng và hai người nữa một nam và một nữ đâu được ba mươi mét vuông. Hồi mới lập có người nói các anh chị làm gì mà phòng ốc cho to chỉ cần cái túi xách hoặc cái cặp là đủ bởi công việc loanh quanh mấy tập bản thảo nào là thơ nào là văn… Mỗi tập đâu chừng hai ba trăm trang chứ nhiều nhặng gì.

Thật hết chỗ nói!. Thôi đành vậy. Chúng suy nghĩ có nói cũng chẳng vào đâu lại thêm mang tiếng ý kiến này nọ.

Dần dần rồi cũng quen khi ông sếp mới tới không những vừa ý với cơ ngơi mà còn khen đây là điểm đắc địa khi ông tính cho thuê lại phần hiên rộng ngó ra ngã tư đường lúc nào cũng nườm nượp người qua lại. Làm kinh tế!. Cả nước đang đổ xô đi làm kinh tế mà!. Sếp thật tinh tường mọi chuyện!. Chúng nghĩ nghĩ… Không như sếp trước mấy cũng văn hóa văn nghệ!. Ông thật chỉnh chu lạ… Khi nào họp cơ quan ông đều lặp đi lặp lại “Vô văn hóa vô văn nghệ thì trước sau cũng lụn bại!”. Có ai chia sẻ với ông không?. Chúng không có thể đo lường hết tâm can mọi người song cứ nhìn cách cười mim mĩm từng người một dù có kém thông minh đến mấy cũng hiểu họ muốn nói “Thôi cha nội! Ở đó mà đạo với đức!”.

Từ hôm đó đến nay sếp mới làm theo kiểu cứ có người đưa tác phẩm đến là ông cấp giấy phép, bộ phận kế toán cứ nhận tiền theo đúng quy định. Ngoài cái khoản tiền giấy phép, khoản tiền cho thuê mặt bằng góp phần làm nên một thu nhập rất khá. Chúng lại nghĩ khác. Nhớ hồi mới ra trường Chúng mang trong mình bao hoài bão nào là… nào là… Giờ Chúng giống như con thuyền ngược sóng. Ai bất kể tác phẩm đạt thì biên tập rồi cho phép còn không xin thưa “Dạ cảm ơn… đã tín nhiệm đưa tác phẩm! Còn theo tôi… mong… không in thì tốt hơn!”. Bởi vậy thu nhập từ “nghề biên tập viên” của Huy Chúng cứ tụt dài.

Chiều nay Chúng về sớm đi thăm ông bà nội thằng Qin, một việc mà vợ chồng Chúng làm thành nếp từ ngày mua đất xây nhà ra riêng ở phố.

Cuộc đời như dòng sông. Chúng với Tỵ là dòng sông có khi lở có lúc bồi tựu chung không dễ dàng gì bươn chải trong thời buổi thiệt thà là thiệt thòi mà nhà Chúng xưa nay tiếng thiệt thà nhứt làng.

Làng của Chúng chuyên trồng khoai lang. Muốn khoai sống được đã khó mà còn biểu nó phải có củ nữa nên quanh năm suốt tháng từ khi cắm cọng rau xuống giồng cát người của làng bắt đầu đặt cái đòn gánh lên đôi vai hai đầu đòn gánh là đôi gàu nan tre trắc dầu rái. Được cái nhìn mặt cát khô khốc là thế chỉ cần đào một cái hố không sâu lắm là có nước. Nước như ứa ra từ cát mặc cho trời nắng nóng mấy. Củ khoai lớn lên nhờ nước và phân bón. Hồi đó phân bổi làm từ lá cây và rong biển. Lá cây ngay tại chỗ không có phải lặn lội đi lên vùng Gò Nổi mua, ở đó cây keo được trồng làm hàng rào quanh vườn nhà, cứ hàng keo tốt đến ngực thì họ bán người mua tính mua hóa rồi tự bẻ nhánh keo bó lại thành bó, dùng đòn xóc xóc hai bó và gánh chạy bộ hàng chục cây số. Khi đi tờ mờ sáng khi về tới nhà nhiều khi tối mịt.

Nghề nông bao giờ cũng lam lũ để có củ khoai đã khó nhọc huống gì chén cơm nhà nông chịu thương chịu khó thành quen. Tỵ học xong lớp 9 đi trung cấp ra trường làm cô giáo làng cứ tưởng như vậy cả đời nào phải như vậy khi cô Tỵ dạy giỏi không dạy thêm trở thành người “lập dị” theo kiểu nói lấy được của người coi bon chen là lẽ sống. Trụ đâu được bảy năm với ba lần chuyển trường từ gần đến xa Tỵ về nhà mở quán tạp hóa. Đất cát mùa nắng đi bỏng cả bàn chân hóa ra có giá khi chuyển lên xây dựng khu công nghiệp nhà máy to nhỏ đua nhau mọc lên biến vùng đất chỉ có để trồng khoai trồng cà nay lên thị tứ.

Chúng dành nhiều tâm huyết cho những trang văn nếu biết luồn lách như không ít nhà… làm văn thơ khác chắc cũng yên vị chứ kém ai đàng này lòng Huy Chúng thẳng đuột như ruột ngựa cái gì đúng thì có khó cũng bênh cho được. Đây là sự thiệt thòi lớn mà Chúng nhận lãnh. Tỷ như công việc đang làm hiện nay biên tập viên chẳng hạn thì cứ đủng đỉnh như bao người chớ mắc mớ chi ai biểu một cánh én đâu làm nên mùa Xuân!. Nhiều khi Chúng tự vấn?. Rồi tính nào tật nấy không chịu được những chuyện trái tai gai mắt trong cái gọi là văn hóa Chúng chấp nhận làm anh xe thồ.

Ông nội thằng Qin:

“Sao? Vợ chồng con lúc này khá hơn chớ!”

Câu này ông Siêng cha của Chúng thường hỏi vợ chồng Chúng khi gặp. Ý của ông là đời sống nhà cửa con cái công việc làm ra sao.

Tỵ trả lời:

“Dạ Cha đừng lo mọi chuyện ổn cả!”

Chúng nói:

“Dạo này công việc của con khá hơn cha ạ!”

May dừng lại kịp chứ không Chúng kể luôn việc đi thồ. Thực ra đi thồ cũng không phải là công việc tồi tệ gì có điều nó phản ánh một sự tệ hại nếu không tại sao như vậy.

Không làm một việc nào đủ để sống chính đáng mà không lươn lẹo mà không tráo trở.

Biết hết… vẫn làm vẫn sống… ./.


HÒA VĂN

17/11/2023

Truyện ngắn Hòa Văn: 🅲🅷🅸Ế🅲 🅻Á

 


Tặng anh Đỗ Cao Thiên


TẨN ngồi thẫn người trên sân thượng trước bông hoa mới vẽ xong, bông hoa màu đồng nội còn đẫm ướt sương mai không biết bao lâu rồi, có lẽ nửa đêm hay chậm hơn một chút. Nhưng sớm hay muộn bây giờ không quan trọng khi bông hoa tâm tưởng đã nở rồi. 

Tẩn nhớ mỗi độ tết đến xuân về, hồi tóc còn để chỏm thường lon ton chạy theo mẹ về Gò Nổi thăm ngoại. Nhiều lúc bị mẹ la cũng chỉ vì mải tần ngần đứng ngắm nhìn những bông hoa cỏ dại nhỏ xíu đủ màu sắc rực rỡ nở thắm ven đường quê, khi ấy hồn vía ở đâu đâu đến nỗi quên lửng đang đi với mẹ.

- Đi… đi… kẻo nắng tới nơi rồi! - Mẹ mắng yêu, rồi nắm tay kéo đi như chạy.

Gò Nổi đẹp và nổi tiếng là đất học có nhiều danh nhân như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân… Biết các cụ qua lời kể trầm trầm của ông ngoại khi mới học lớp ba trường làng và cứ mỗi lần như thế Tẩn ước muốn sau này sẽ vẽ một bức tranh cỡ lớn về các loài hoa đồng nội để tặng quê hương và tặng các danh nhân. Trong đó, có một đóa hoa riêng tặng các bà mẹ sinh ra các bậc danh nhân. Thế mà từ khi thành họa sĩ ít nhiều tiếng tăm ở đất Sài Gòn, Tẩn không vẽ được một bông hoa đồng nội nào ra hồn. Có bông đẹp lộng lẫy thì giống hoa hồng, nhiều bông vẽ xấu hơn bất kể hoa nào từng thấy, nên lòng ray rứt mãi… 

Tẩn nhất quyết đóng cửa ở nhà vẽ. Tẩn nói với Ngân - bạn thân cũng là họa sĩ - sẽ không ra khỏi nhà, không gặp một ai nữa nếu không vẽ được bức tranh độc hoa đồng nội. Đêm qua Tẩn vẽ được bức độc hoa, rồi mở tung cửa nhà đón chào đất trời phơi phới vào xuân. Người đầu tiên thưởng thức bức độc hoa là Ngân khi cô mang cho Tẩn cà mèn phở, kèm theo tách cà phê.

- Tẩn ơi! Tẩn ơi! Ngân gọi và thấy hơi lạ vì mấy bữa trước có khi phải đập cửa thình thình Tẩn mới ú ớ ra mở cửa, thế mà sáng nay cửa ngõ mở toang như đêm hôm có trộm. Ngân lên thẳng tầng hai, ra sân thượng và ngẩn ngơ trước đóa hoa đồng nội đang nở rộ, Ngân bước tới định lấy tay đỡ… Tẩn hét lớn: “Đừng chạm vào, đấy là đóa hoa trong tâm tưởng, mình đã vẽ được rồi…”.


Sau đó, sân thượng nhà Tẩn trở thành nơi rất nhiều người đến thưởng lãm tranh. Ai cũng khen hoa rất đẹp nhưng có điều gì đó lòng bất an. Tẩn vẽ thêm một bông nữa, rồi thêm một bông nữa, một bông nữa… Cứ vẽ thêm như thế, không những bức tranh hoa ngày càng xấu hơn mà còn cảm thấy thêm bất an. Tẩn nằm rã rượi, chẳng nói, chẳng rằng. 

Ngày tháng trôi qua, bức tranh ngàn hoa đồng nội cũ kỹ, người thưởng lãm thưa dần rồi chẳng còn ai đoái hoài. Nếu như ngày vẽ xong đóa độc hoa đồng nội Tẩn nổi tiếng chừng nào thì bức tranh vẽ thêm ngàn hoa lại nhận chìm hồn phách Tẩn chừng ấy. Sài Gòn không nói làm gì, bởi chốn phồn hoa nổi tiếng đấy rồi lại vô danh tiểu tốt đấy! Khốn nỗi, ở quê bông hoa đồng nội được Tẩn sinh nở trên bức tranh độc hoa ấy, bà con làng xóm lúc tỏ tường cớ sự lại tỏ ra khinh miệt. Có người còn đặt câu hát “Đất có trời, Gò Nổi có Tẩn người “hỏa si”.

Mỗi ngày thức dậy trong nỗi ám ảnh hoa đồng nội, Tẩn điện về cho bạn cũ ở quê gửi vào hàng ngàn bông hoa đồng nội khác, để mỗi ngày ngắm một chiếc rồi đặt thêm một tên mới như bông chuối nước trở thành hoa lửa, bông bìm bìm  là hoa nhớ. Ngắm xong, đặt tên xong, vẽ, càng vẽ càng giống như  “quỷ sa” không hơn không kém. Ngân gợi ý: “Chẳng lẽ suốt đời Tẩn mang nỗi buồn không vẽ được hoa đồng nội mãi hay sao?”. “Dễ đúng như vậy”. “Hoa cũng như người, ai bội bạc quên nghĩa quên tình, cả đời dù có làm gì, ở đâu, sống như chết!”.

“Hay là Ngân cùng về quê nội, quê ngoại của mình một lần, thăm lại nơi một thời tóc để chỏm, đi học trường làng, có những đứa bạn hiền như đất, chỉ biết rong chơi với cỏ hoa đồng nội. À, có một loại bông cỏ gà, tụi mình hễ bắt gặp được thì mừng vô kể, xúm nhau hái, sau đó cùng chơi trò chọi gà”. Tẩn kể một mạch, Ngân ngồi chon hỏn nghe chẳng hiểu gì, bởi quê Ngân ở miệt sông nước Nam Bộ nên làm gì có loại bông cỏ Tẩn nói đâu. Tẩn như hiểu ra, cười cười: “Không hiểu phải không, ví dụ này…”. Hai tay cầm hai cây cọ vẽ còn nhèm nhèm phẩm màu Tẩn giải thích rằng cây cỏ gà trổ trên đầu chồi non một chùm lá như thế này… Mỗi đứa một bông cỏ quất mạnh vào nhau, bông cỏ đứa nào đứt lìa cọng cỏ là thua. Ngân ậm ừ: “Mà bao giờ đi?”. “Đi ngay thôi!”.

Bây giờ trở lại Sài Gòn, Tẩn còn nhớ mãi lời tâm sự từ những người bạn cũ thân thiết sống ở quê, theo đó bức tranh ngàn hoa đồng nội của Tẩn nên vẽ thêm những chiếc lá vàng ở phần nền cuối của bức tranh. Không có sự sống nào không tàn lụi theo thời gian, song hồn của sự sống nếu được đặt đúng chỗ sẽ sống dậy và sống mãi…

Đứng trước bức tranh tay cầm cây cọ, tay bưng đĩa màu còn lại sền sệt, đăm chiêu suy nghĩ, hình như có ai đó nắm lấy tay Tẩn nâng lên… Tẩn vẽ những chiếc lá vàng. Bức tranh bỗng sáng rực rỡ. Hay tin Tẩn từ quê trở lại thành phố bạn bè tới thăm và ngạc nhiên trước bức tranh cũ bây giờ tươi tắn, hồi sinh. Bức tranh ấy có tên Chiếc lá.

HÒA VĂN 

16/11/2023

NGUYỄN ĐỐC: Thôi có lẽ đời ơi xin giã biệt

 


Gặp anh mến anh ở tài tâm và tính thẳng thắng của anh. Nhiều bài thơ bộc trực bỡn cợt thâm thúy ngay cả chính anh. Anh đã giã biệt ngày 16/11/2023 (4/10/Quý Mão)
Xin chia buồn cùng gia quyến!

Tiễn NGUYỄN ĐỐC

Ừ này trở lại cõi Người(*)
Bỏ con Chó (**) nhớ buồn vui một đời
Tiễn nhau câu thiệt tuyệt vời
Thôi thôi... "Không tiếc cái nơi tạm mà!".

16/11/2023
(4/10/Quý Mão)

Hòa Văn
-----
Chú thích
(*): Cõi chỉ có khi sống đúng khi mất mới tới
(**):
"... Ta không phải là cơn gió
Nóng lạnh tùy theo mùa
Ta chỉ là con chó
Khi chạnh lòng hay sủa bâng quơ
...
Nguyễn Đốc

𝕋ℍƠ ℕℍÀ 𝕋ℍƠ ℕ𝔾𝕌𝕐Ễℕ ĐỐℂ

THÔI CÓ LẼ ĐỜI ƠI XIN GIÃ BIỆT


Thôi có lẽ đời ơi xin giã biệt

Biển ngoài kia đã réo gọi ta rồi
Có nấn ná cùng bước đời trầy trật
Khi triều lên thuyền cũng phải dong khơi

Ta từng xót, từng đau, từng tha thiết
Trần gian ơi chưa kịp cảm ơn người
Mỗi ngọn sóng khơi thêm mầm ly biệt
Mỗi ngày tàn đâu hẹn một đêm vui

Ta vốn dĩ là một tay cà chớn
Yêu trần gian cạn kiệt máu tim mình
Rồi một sớm bổng nhiên bừng tỉnh dậy
Thấy loài người đang trở dạ yêu tinh.


(9/6/2023)



SOI GƯƠNG

Có phải nụ cười dễ tìm gặp đâu anh
Năm tháng cày những vết hằn trên trán,
dũa mòn từng đốt xương
Mục đích con người:
Sống và yêu thương
Nhưng thù hận như bóng đêm
rình rập

Chúng mình gặp nhau sau bao lần thoát chết
Sao nụ cười chỉ thoáng qua môi !
Cái gì đã chen giữa tình bạn tình đời
Cái gì làm nhoà một thời thơ ấu

Có phải nụ cười dễ đâu tìm thấy
Trên môi anh và trên môi tôi !?
Chúng ta bây giờ đã quá bốn mươi
Tôi vẫn ngỡ mình còn non dại
Muốn nói hết nỗi lòng với anh
Mà cứ ngại
Hai mươi năm con người có đổi thay
(Những con người nếm mật nằm gai
Cái gian khổ thường đổi bằng kiêu hảnh )

Suốt đời tôi là chuỗi dài bất hạnh
Tìm kiếm nụ cười trên khuôn mặt người thân
Tìm kiếm nụ cười ở bè bạn anh em
Nhưng chỉ thấy mơ hồ như bóng khói

Có phải nụ cười dễ tìm gặp đâu anh
Năm tháng điểm sương từng sợi tóc
Cái nghèo đói giống như con ốc
Bò trong đời như trên cộng sen

Quá nửa đời tôi vẫn chưa quen
Những điều bất công,những điều giả dối
Và giận
mình không là con rối
múa may quay cuồng theo ngọn gió xoay

Bây giờ tôi chỉ là mũi gai
quay đầu nhọn tự đâm vào da thịt
Máu đã rỉ mà mình không biết
Nên cơn đau thấm dần

Nói nhỏ điều này với anh
Bốn mươi tuổi hỏi ai còn ảo tưởng
Sau lưng chúng ta bao bạn bè nằm xuống
Trong chúng ta được mấy đứa hiển vinh ?

Trố mắt trông gương tìm kiếm bóng mình
Không còn thấy
Những ngày Hội An
Những đêm Thừa Phủ
Mà chợt thấy một con sói dữ
Nhe nanh gầm gừ.


(1975)

Dường như xuân còn nuối


Ngồi đọc thơ thiên hạ
Dường như đầy ắp xuân
Lật thơ mình đọc lại
Đầy xót xa và buồn

Con bệnh cứ vật vã
Cắn răng chịu với đời
Vợ con nhìn cứ tưởng
Mình là đứa ham chơi

Ly rượu xuân đắng ngắt
Vẫn nâng chúc mừng nhau
Sống trọn hay không trọn
Càng nghĩ càng thấm đau

Bước cho đời mấy bước
Cho mình được bước nào
Chết trôi về mấy cõi?
Mà sống là chiêm bao !

Đầu năm không muốn khóc
Sao nước mắt chảy dài
Buồn vui thì vẫn vậy
Ai nào biết cho ai

Ngày xuân nghe cái lạnh
Thấm vào từng đốt xương
Phải trái tim khốn khổ
Nhịp đập đã thất thường !

Ngồi đọc thơ thiên hạ
Mưa rây nhẹ mái nhà
Dường như Xuân còn nuối
Những ngày đông đã xa.


2021

01/11/2023

Hòa Văn: 25 Truyện cực ngắn ░V░Ẫ░N░ ░C░H░Ư░A░ ░Đ░Ầ░Y░ ░Đ░Ủ░






1. GIÁ NHƯ...


   NGƯỜI XỨ QUẢNG TRUYỀN TỤNG MỘT CHUYỆN.

   RẰNG XƯA ĐẠI QUAN HỌ HOÀNG CẢ ĐỜI HẾT LÒNG VÌ NƯỚC VÌ DÂN, KHI TỔ QUỐC AN VUI THÌ LIÊM CHÍNH, NGUY NAN THÌ HY SINH ĐỂ LẠI   TIẾNG THƠM MUÔN THUỞ.

   Sinh thời bà mẹ(*) Đại quan một mực thương yêu chồng con, sớm hôm tần tảo hái dâu nuôi tằm, làm ruộng ngay tại quê nhà. 

Vốn chất phát nhân hậu bà từng căn dặn con cái lúc nhỏ lo học hành, lớn lên có làm gì cũng phải giữ đạo nhà phép nước, sống giản dị. Khi nhậm chức quan bà căn dặn Đại quan phải liêm khiết, làm điều ích nước lợi dân. Đó là hiếu là thảo với mẹ với cha.


   Một hôm Đại quan họ Hoàng gởi về kính tặng mẹ một tấm áo bằng lụa để tỏ lòng hiếu thảo.

Cầm áo vải óng mượt đẹp chưa từng thấy dù đây là sản phẩm có một phần công sức của người nông dân dãi dầu mưa nắng như bà góp phần làm ra nó, bà trầm ngâm suy nghĩ rồi lụi bụi xách dao bầu ra biền chặt một cây roi dâu cuộn tròn lại gói chung với áo lụa nhờ người mang đến đem trở về trả lại cho con.

   Đại quan họ Hoàng nhận lại tấm áo trong đó có cái roi dâu hiểu ngay lời của mẹ gởi gắm...


   Ngày nay, giá như... 

   Giá như!.


(*): Đây là người mẹ Gò Nổi- Điện Bàn, Quảng Nam thân mẫu của cụ Hòang Diệu.


2. VƠI  


   Ngày thường sống với đứa cháu nội lên mười, ba ngày tết nhà lão Vy có thêm vợ chồng hai đứa con trai, vợ chồng đứa con gái bởi vậy không khí gia đình vui hẳn lên.


   Tự nhiên đang ngồi quây quần chuyện trò vui vẻ lão Vy buột miệng: “Bao giờ trở lại... “Tết xưa!””.


   Con trai; con gái; dâu; rể lặng lẽ nhìn cha. Bảy đứa cháu ngoại; cháu nội ở xa về nhìn nhau... lặng im.


   Đứa cháu nội lên mười thưa: “Con thấy trong tủ lạnh, rồi trên các tủ gỗ quanh nhà bếp nhà mình quá trời đồ ăn thức uống. Còn như nhà bà A gần bên con nghe nói hộ nghèo mà tết đến bà sắm lũ  củ nào là thịt heo bánh tráng, kẹo mức mà ông?. Chẳng lẽ tết ngày xưa giàu hơn hở ông nội?”.


   Nhìn ra sân... Nắng xuân trải sắc vàng rực rỡ trên từng bông mai, bông cúc đang nở rộ... Xuân về Tết tới đúng chu kỳ thiên nhiên, vật chất mỗi năm mỗi thêm lên nhưng cứ thấy thiếu thiếu điều gì...  


   Lão Vy uống thêm ngụm trà ngồi ngẫm nghĩ... "Nét đẹp ngày tết... vơi dần!".


3. ÔNG TRUNG TRUNG


   Hồi nhỏ tới tết tôi ưng nhất là được lì xì. Được lì xì năm đồng, mười đồng, có khi là cây kẹo, cái bánh... cũng vui thôi chứ chẳng nghĩ nhiều ít!.  


   Giờ khi đã “thất thập cổ lai hy” tôi thấy trẻ con cũng ưng lì xì mà lì xì nhiều mới thích!.  


   Bởi vậy hôm đến thăm một ông bạn, nhà đang có cậu em út dẫn theo đứa con gái lên mười đang trò chuyện tết...


   Đứa bé lên mười vừa hớn hở săm se các bao lì xì vừa nói rành rọt:


   - Cái ni của ông lớn nề! Cái ni của ông nhỏ nề!


   Thấy tôi không hiểu chị vợ ông bạn giải thích “Nó nói ông lớn là ông lì xì cho nó năm chục ngàn đồng, ông nhỏ là lì xì chỉ có năm ngàn đồng, còn lại là ông trung trung!”.


4. CỔ LỖ XỈ!


   Chiều hai mươi chín tết tôi đến nhà sách Sơn Hải ở thị trấn V. tìm mua một cây bút lông loại ngày xa xưa các ông thầy đồ dùng viết chữ Nho.


   Tiếp tôi là cô gái khoảng mười bảy; mười tám tuổi khá xinh cô đang học hành ở xa nay về ăn tết.


   Tôi nói: “Bán cho ông cây bút viết chữ Nho”


   Tỏ vẻ ngạc nhiên cô đáp: “Bi giờ làm chi có loại bút “Cổ lỗ xỉ” ấy!”


   Tôi chưa kịp nói câu nào với cô bé thì chị chủ nhà sách bước nhanh tới và nói: “Dạ!. Dạ có!”.


   Trả tiền xong tôi cảm ơn chủ nhà sách và suy nghĩ... “Cổ lỗ xỉ!”?.


5. “???” 1


 


   Đám trẻ lên năm lên bảy xúm nhau lại giả bộ chơi trò “vợ chồng”.


   Cu Lỳ đứng chống nạnh nói:  


   “Nhỏ Xíu! Làm gì có tiền?”


   Thực ra Nhỏ Xíu đang cầm mấy cái lá mít.


   Nhỏ Xíu lí nhí:  


   “Dạ thưa! Dạ thưa của anh Vuông cho ạ!”


   Cu Lỳ:  


   “My không nghe xóm bảo Vuông là tay chuyên cắp vặt à!”


   Nhỏ Xíu:  


   “Nghe! Có nghe nhưng ảnh hay cho kẹo con mà!”


   Cu Lỳ cười te toét bảo:  


   “Ừ hỉ! Thằng ngó rứa mà biết “điều”


   Tôi hỏi:


   “Tại răng biết “điều”?”


   Cu Lỳ:


   “Còn hơn “ăn cắp” rồi cất kỹ!”.


    “???”


 


6. “???” 2  


   Chơi trò “vợ chồng” chán đám trẻ chơi trò “thầy trò”.


   Cu Lỳ đóng vai người thầy mặt đăm chiêu hỏi:


   “Mấy trò về sau ưng làm việc chi nhất?”


   Đám trẻ ngồi lặng im.  


   Nhỏ Xíu thưa:


   “Không làm mà có nhiều tiền!”


    “???”.


 


 


7. MANH MÚN


   NGƯỜI NÔNG DÂN VỚI THỬA RUỘNG NGƯỜI CÔNG NHÂN VỚI XÍ NGHIỆP TẤT CẢ KHÔNG GÌ KHÁC NGOÀI VIỆC PHẢI LÀM RA CÁI ĂN CÁI ĐỂ.

Từ hàng ngàn năm qua dù so với trước có nhiều thay đổi cảnh cơ hàn đói cơm lạt mắm không còn đại trà... nói thế không phải đã tốt đẹp cả!.

   Cái không ấy là manh mún. Chuyện đèn ai nấy rạng, ưng tranh phần hơn về mình, chuyện... , chuyện... nhiều khi vì tránh đi điều mắc lòng mắc bồi mà ít ai nói thiệt.

   Manh mún thửa ruộng, cái máy móc... có thể là thường tình, manh mún trong suy nghĩ hành động thật đáng ngại!.

   Manh mún...


8. DỎM


   DỎM TỨC LÀ KHÔNG THIỆT. BIẾT THẾ NHƯNG CỨ THẮC MẮC!. Hồi còn nhỏ cu Su thường chau mặt khi ai nói nó dỏm lớn lên đi làm lúc đầu anh Su cũng khó chịu khi ai đó nói anh làm điều gì đó không thiệt... Bây giờ khác rồi hình như anh thích nghi với nhiều "chuyện thường ngày ở huyện"!.

   Mẹ anh Su tuổi trên chín mươi tuy có lọm khọm trong đi lại song minh mẫn lắm.

   Bà hỏi:

   "Răng càng ngày con sống khác xưa nhiều?"

   Anh Su:

   "Dạ! Mẹ ở nhà nên không rõ thôi con còn "tử tế" chán!"

   Ý anh giờ đi đâu làm gì cũng gặp "dỏm": Người có người dỏm đồ vật có đồ vật dỏm không biết đâu mà lần... đến như sẽ có mẹ dỏm tức là các bà mẹ làm một công việc hết sức "đạo đức, nhân văn, thiêng chức" đẻ hộ!.

   Câu thơ "... như là có một mẹ thôi" từng xao xuyến bao người con còn hay đi vào dĩ vãng!.


9. ĐÁM MA KIẾN


   MỘT ĐÀN KIẾN DÀI NGOẰN ĐI THEO SAU MỘT ĐÁM MA CON KIẾN. 

   Không rõ lý do chết chỉ biết cả nhà kiến ai nấy cũng tỏ vẻ thành kính và thương tiếc lắm!. 

   Bốn chú kiến kẻ trước người sau khiêng kiến chết đi chầm chậm.

   Cu Cơm nói:

   "Mẹ thấy hông kiến cũng biết thương kiến!"

   Mẹ cu Cơm:

   "Sao con nghĩ vậy?"

   "Dạ! Dạ tại con thấy đang đưa kiến chết đi chôn nhiều con kiến chụm đầu lại y hồi ngoại chết mẹ và dì Út ôm nhau khóc mẹ không nhớ hãy!"

   Không để mẹ trả lời cu Cơm nói tiếp:

   "Mẹ há đến con kiến còn biết thương nhau mà sao con người lại ganh ghét nhau giết chết nhau... 

   A! con nhớ rồi vì tiền phải không mẹ?"

   Mẹ:

   "Tại sao con lại nghĩ vậy?"

   "Dạ con nghe truyền hình hôm qua nói vì muốn có mấy trăm triệu ai đó bắt và dọa giết hai người...!".

   Mẹ!!!.


10. CÁI MÂM


   CỨ NGỒI VÔ ĂN NHÀ ÔNG M KHÔNG CHUYỆN NÀY THÌ CHUYỆN NỌ NÊN MƯỜI BỮA NHƯ CHỤC không khí như đang ở chảo lửa nó nóng hừng hực. Cả năm người vừa vợ chồng con cái và thêm đứa cháu nội lên chín đều buồn phần ai nấy ăn...

   Phải như nhà bà Bay bên cạnh thiếu trước hụt sau như thế cho cam đàng này nhà ông M qua thời ăn tro mò trấu nay nhà cửa khang trang, con cái có công ăn việc làm hẳn hoi lại toàn việc hái ra tiền đống tiền khối...  


   Cha ăn mặn con khát nước đời hay soi mói thế chưa kiểm chứng nhưng hồi ông M còn chức quyền nay chức quyền kế thừa cho con thì việc ăn nên làm ra là chuyện khỏi phải bàn chỉ có tại sao dư dã thế giàu có thế... bữa ăn nào cũng cá thịt thừa mứa thế mà cơm không lành canh không ngọt thì có trời mới tỏ!.  


   Ông M:  


   "Hắt quách cái mâm!".  


   Ông nói trong hơi thở hổn hển.  


   Đứa con trai:  


   "Đâu phải tại nó mà hắt!".  


   Cô con dâu: "Chẳng lẽ tại con cá!".  


   Bà M im thin thít đỏ hoe đôi mắt vốn đã lão hoá vừa đục thuỷ tinh thể.  


   Đứa cháu nội lên chín sè sẹ bỏ chén đũa xuống mâm rồi thưa:  


   "Theo con tại những người ngồi quanh mâm cơm ạ!".  


   Ra đường nghe bà già về nhà nghe con nít!.  


11. HẾT BUỒN!


ĐỌC MỘT TRUYỆN CỰC NGẮN TRÊN FACBOOOK CÓ TÊN "BUỒN... ẢO" MÌNH LẠI BUỒN THẬT.  


   Té ra trên mạng hàng tỉ người yêu thương nhau như thế có không ít người chỉ "yêu" chót lưỡi đầu môi...

   Ông Mark Zuckerberg một hôm đọc thấy những stt của họ bèn com...

   "Nếu hay tin ông chủ của Fb lụn bại bạn có ý tưởng gì giúp ổng vực dậy để trang "yêu thuơng có cánh" sống không?"

   „Hi hi... Xin thành thật chia buồn..."

   Mark Zuckerberg:

   "TKS bạn!. Tài khoản của bạn đã khóa. Lý do fb không bao giờ lụn bại vì luôn có hàng tỉ người yêu thương nhau thiệt tình!".

Mình hết buồn.

 

 

 12 . HÃY TỰ CỨU!


   MỘT HÔM ĐỘT NHIÊN MẠNG FACEBOOK Ở NUỚC X TẮT NGẤM KHÔNG PHẢI DO SỰ CỐ...

   Người người chạy hết ra khỏi nhà (nhà bank, nhà ở, nhà làm việc...), tất cả xe cộ dừng lại kéo còi...

   Có ông lão khoảng trên tám mươi tuổi chạy như điên trên đường giơ hai tay giơ lên caomiệng kêu "Trời!".

   Trời phán:

   "Các người không nhớ ah!: Hãy tự cứu!".


(26 tháng 012015 – Truyện cực ngắn Hãy tự cứu viết ngẫu nhiên trước một ngày, 27 tháng 012015 Facebook bị sập toàn mạng, 1 giờ sau mới truy cập lại được)  


  HÒA VĂN


Vẫn chưa đầy đủ! 


Tôi và chồng cả hai là... 


Mâm cơm của tôi ngày hai bữa ít nhất phải có ba món, thứ nhất món canh: canh cá chua hoặc ngọt hoặc canh xương hầm... khoai tây, cà rốt..., khoản giữa là rau sống và cuối cùng là món cá hoặc thịt hoặc các loại rau củ xào, trộn... dĩ nhiên bữa tối phải có bia hoặc rượu ngon. Vậy mà “ba mấy đứa” luôn nói như thế là vẫn chưa đầy đủ!. “Nếu đúng bài khoa học em phải cân đong thật chính xác số lượng thực phẩm dùng mỗi bữa để đảm bảo hàm lượng calo cho cả bốn người.”. (Ý ông có hai đứa con). 


Tôi thì liệu cơm gắp mắm, thời buổi nầy lo được từng bữa ăn cho gia đình như vậy đâu dễ?. 


Một hôm sang bà nhà kế bên (Thực ra cô ta mới khoảng trên bốn mấy tuổi mà già khọm nên ai cũng gọi “bà”) gặp bữa ăn tối tôi thấy hai vợ chồng ba đứa con ngồi quây quanh mâm cơm chẳng có gì ngoài rau và mắm dở (*). 


Cả nhà nhìn tôi ái ngại. Bà nói: “Bạn tui làm ruộng kiểu ni (**) cơm cũng sẽ thiếu chứ đừng nói cá với thịt!.”. 


Tôi..../. 

-----

- (*): loại hai.

- (**): Ý nói mất mùa và giá cả phân bón – nông sản bất hợp lý.


 


Nhỏ và lớn 


Cu Tỉn hồi học mẫu giáo rồi lên những năm đầu bậc Tiểu học ngoan lắm. 


Công đầu phải nói là thầy cô giáo thứ đến có sự gia công bày vẽ của ông bà cha mẹ…


Đi học hay làm bất cứ chuyện gì cu cậu đều nhất nhất thưa và trình một cách trịnh trọng đúng là được ”học lễ” khá bài bản. Ông nội thường khoe với mọi người “Thằng cháu nội đích tôn tôi đó!”. Mỗi lần như vậy người nghe gật đầu đồng ý và hiểu ý ông “Cháu nội tôi giỏi và ngoan!”. Riêng ông không nói ra nhưng ai cũng biết ông vui lắm!.


Cũng cu Tỉn. Khi lớn lên học những năm cuối bậc Tiểu học rồi bây giờ lớn tồng ngồng sắp sửa đi thi Đại học lại khác một trời một vực…


Hay nói rõ nếu khi xưa ngoan và là niềm vui niềm hãnh diện của cả nhà chừng nào nay buồn bực chừng nấy.


Cu cậu trở tính trở nết ai cũng ta thán!.


Ông nội giờ không dám nhắc đến tên cháu nội trước đám đông, với bạn bè…./.


Nhỏ và lớn thật là…


 


Chiếc tủ lạnh và chiếc xe! 


Anh phóng viên người Nhật khi được tôi “phỏng vấn”: “Xin anh nhận xét sự khác nhau giữa cách bày biện ở trong hai ngôi nhà Nhật và Việt?”.


Trầm ngâm chặp lâu anh phóng viên nói thiệt tình: “Khác lắm lắm... Ở Nhật nơi đẹp nhất trong nhà được làm nơi để tủ sách hoặc kệ sách kế đến là tủ sắp đặt bình tách, chén uống trà, rồi mới đến các thiết bị phục vụ nhu cầu khác... 


Còn ở Việt tôi đi nhiều hầu như đa phần ít thấy tủ hoặc kệ sách, thay vào đó người chỉ có điều kiện chút xíu là sắm xe cộ - xe máy hoặc xe hơi (Chỉ sự đi lại) tiếp sau là tủ lạnh (Chỉ sự ăn uống).


Không biết mức độ trúng trật của nhận xét như vậy được bao nhiêu phần trăm trong phạm vi cả nước nhưng điều nầy là có thật ở nơi tôi đang ở. 


Vào một quán net 100% người có mặt đang dán mắt vào game hoặc đọc báo mạng lâm ly tình cảm “trăng” với “sao”... Thi thoảng mới có người đọc văn đọc thơ...


Ơi chiếc tủ lạnh và chiếc xe!./.


 


Mẹ và con Meo 


Thuở hồng hoang Meo là “người” hoạt động “nghệ thuật”. Nói cho có văn vẻ to tát thế chứ “chị ta” chỉ có nhiệm vụ ghi ghi chép chép đôi điều mắt thấy tai nghe nơi “cộng đồng”.


Đời lúc nào cũng thế!. “Chín người mười ý”, “Không ai chịu ai” bởi vậy dẫu “truyện” “chị ta” viết đúng 100% vẫn có “người” chê bai do vậy “Nhiều thương thì lắm ghét”.


Meo ăn phải “bả độc” suýt bỏ mạng may nhờ có ông thi sĩ họ Đất ra tay cứu. Thoát cái chết trong gang tấc nhưng di chứng “giờ không nói được” chỉ meo meo...


Suốt mấy ngày đêm “mẹ Meo” bị nạn “cu Meo con” quấn qua quấn quýt bên mẹ hết chải chuốt vuốt ve lại lấy cái mũi khịt khịt vào miệng mẹ tuồng như nó muốn hà hơi tiếp “nguồn sinh lực” để mong mẹ chóng bình phục!.


Tấm ảnh chụp khi Meo thoát nạn cho thấy “người” mừng nhất là “cu Meo con” và thi sĩ họ Đất!.


Ôi tình mẹ và con Meo thật “vĩ đại”!./.


 


Thiệt và dối 


MMột giáo sư tự nói rõ mọi việc làm không đúng của mình từ khi cắp vở; cắp cặp đi học cho đến bây giờ ở tuổi “Xưa nay hiếm”.


Tin về giáo sư tất cả các báo, mạng, hảng thông tấn đều đưa tin, nhiều báo còn viết bài tường thuật cặn kẽ không thiếu một chi tiết nào... Ví như mấy tuổi cụ đi học, đi học giỏi hay dở, thi mấy kỳ môn nào tự làm bài môn nào coppy, môn nào tự làm nhờ “phao”... Học hàm tiến sĩ do ai làm, học vị giáo sư do đâu mà có...


Thế mà không ai tin họ kháo nhau: “Lại là tự tạo scandan để thêm nổi tiếng!”. Khó thật thời buổi khó thật!. 


Tờ báo “Tiếng Chuông Rè” tờ không ai đọc hết nhưng sống được nhờ quý nhân tài trợ cử phóng viên đặc biệt (đặc biệt vì phóng viên là Tổng biên tập) đến tư dinh giáo sư phỏng vấn và đăng trên trang nhất với tít bài: “Sự thật về những lời nói dối của giáo sư...”.


Đột nhiên tờ báo nổi danh như cồn.


Sau đây là toàn văn bài báo: “Xin bạn đọc xem bài trong số báo in ngày mai”.


 


Xe gạo và xe sách 


Đất nước sau chiến tranh kéo dài, kinh tế kiệt quệ.


Thành phố mà không có gì thì nông thôn hơn chi... Hai năm dài đằng đẵng chịu khó chịu khổ chờ quyết sách của vua ban.


Rất may triều đình và các quan đại thần một lòng nghiên cứu tìm tòi kế sách in vào một quyển gọi là “Cẩm nang làm giàu” xong mở một đợt khuyến dụ quan dân cả nước nên nhận sách vua viết về đọc mà theo đó mần ăn để “Dân giàu nước mạnh”.


Đến giờ G nhà vua cho chở xe gạo và một xe sách đến tất cả khắp nơi trong nước và truyền chỉ lệnh của vua: “Dân chúng ai muốn no ngay thì nhận bao gạo một tạ, ai muốn mai kia không những no mà còn giàu có khá giả thì nhận sách “Cẩm nang làm giàu”.


Cả nước quan dân đều nhận sách, toàn bộ số lượng gạo chở đi được chở về nhập kho.


Mới ba mươi năm sau đất nước trở nên “con rồng - con hổ” trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật...


Khâm phục thay! Khâm phục thay!./.


Chữ to! 


Nu Na liến từ mới lên ba lên bốn kia. Giờ đã là cô bé học lớp mẫu giáo lớn rồi nên càng liến lắm. Nhìn khuôn mặt bầu bỉnh và sáng sủa ai cũngthích bẹo. 


Ở lớp Nu Na làm trưởng lớp mà chưa bao giờ cô bé tỏ vẻ ta là trưởng lớp cả. Cái gì cũng nói cũng thưa nhẹ nhàng với cô và cũng rất nhẹ nhàng với các bạn. 


Một hôm Nu Na không học thuộc lời bài hát mới. Không thuộc không phải lười biếng mà do câu nói của mẹ hồi sáng sớm khi chở cô bé đến trường. “Con phải học nghe nếu không các bạn giành hết chữ to!”. 


Cả buổi sáng Nu Na suy nghĩ miết, mình có giành cái gì của bạn đâu?. 


Con gấu đẹp nhất để cu Biu cõng. Chiếc xe cần cẩu mình thích lắm mà bé Hà Hà nũng nịu đòi mình cũng nhường... Mình... mình... Thế mà sao các bạn xấu thế!. 


Từ đó ở lớp học Nu Na cái gì cũng giành phần mình. Dần dà chẳng còn bạn nào muốn chơi chung. 


Biết sự việc, mẹ khóc. 


Nu Na dỗ mẹ: “Mẹ đừng lo nữa các bạn giờ chỉ có chữ nhỏ thôi. Chữ to là của con hết mà!”./. 


Thế mà... 


Hai đứa trẻ lên năm cùng chơi với nhau. 


Đứa con gái nói: 


“Bữa sau mình thích làm bà ngoại hơn!”. 


Đứa con trai tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: “Tại sao?”. 


Đứa con gái không một chút suy nghĩ trả lời ngay: “Vì bà ngoại là mẹ của con gái!”. Nói xong đứa con gái giải thích tiếp: “Như bà nội mình đó, bà thương mẹ mình hơn mẹ cu Ít”. 


Đứa con trai thắc mắc: “Tại sao?”. Chẳng cần suy nghĩ gì lâu đứa con gái nói ngay: “Bởi với cu Ít kêu bà ngoại mình bằng bà nội!!!”. 


Bà ngoại - bà nội hai bà là một sao lại thương con gái hơn con dâu?. 


Câu hỏi tưởng dễ trả lời lại hóa ra quá khó. 


Nếu không khó tại sao cùng làm “Bà ngoại và bà nội” lại không dành tình thương yêu như nhau cho cả “con gái” và “con dâu” mình. 


Xưa nay ai cũng biết “Con gái mình là dâu người ta và ngược lại!.”. 


Thế mà... ./. 


Nải chuối 


Thiệt tình bà Hai thương cháu lắm!. Không thương mà mỗi lần ba hoặc má của cu Sun la rầy cu cậu khi làm điều trái quấy hay làm nũng thì bà thường bênh: “Mấy đứa hồi nhỏ cũng vậy thôi!. Cháu lại đây với bà!.”. 


Hôm rằm vừa rồi bà rấm buồng chuối cau thật đẹp đi lễ chùa. Cu Sun nấn ná mãi đòi bà nội cho ăn chuối. Bà cắt buồng chuối ra từng nải cẩn thận sắp xếp vô giỏ nhựa xong đưa cho cu Sun một nải chót bảo cu cậu vừa ăn vừa chơi ngó nhà mẹ đi chợ sớm về giờ.


Cu Sun ngắm đi ngắm lại nải chuối chót rồi nói:


“Con ưng nải trong giỏ kia kia...”.


Bà mần thinh đứng dậy xách giỏ chuối đi...


Tới chùa sư Doãn Thính thấy bà Hai khệ nệ mang xách giỏ chuối nặng nề như vậy nói: “Phật tử cao tuổi rồi không nên cúng kiếng nhiều lễ vật như thế!”.


Rồi hỏi: “Cụ bà để ở nhà cho cháu được bao nhiêu nải?. Có nải nào tốt không?”.


Bà Hai lúng ta lúng túng.


Sư Doãn Thính: “Kính Phật và thương con thương cháu là hai việc cần làm song song. Nếu Phật tử nặng bên nhẹ bên là điều cần sửa ngay. Đi tới chùa cốt để tu thân sửa tánh chứ không phải để cầu để xin điều gì nơi Phật và nơi chùa đâu!”.


Nghe lời sư giảng giải, bà Hai hiểu ra và càng nghĩ càng thương cu Sun./.


Từ rày đỡ lo... 


Nghe thiên hạ bàn ra tán vào như vậy.


Mà chắc đúng như vậy bởi hồi bà Chum còn sống, vợ chồng Hai Nỷ và mấy đứa cháu nội cũng chẳng thiết tha tới hoàn cảnh sống của bà... Trên tám mươi tuổi rồi mà cái gì cũng riêng với tư. 


Nơi bà Chum trú tránh nắng mưa là túp lều xây tạm ba bức tường gạch thâm thấp lợp tôn nằm sát vách ngôi nhà bề thế của vợ chồng con trai độc tôn Hai Nỷ. Như hộ nông dân thực thụ bà có riêng đám ruộng hơn một sào, việc gieo cấy thu hoạch cũng tự bà làm tất dù sức mòn lực kiệt, năm khi mười hoạ gặp bữa ốm nằm liệt giường con cháu mới trợ giúp, còn khoảng ăn uống hằng ngày thì rõ rồi bà phải tự nấu mới có ăn...


Khổ nhất lúc trái gió trở trời... trông bà Chum càng tội nghiệp... người ốm yếu nói quá lỡ gặp gió cả có thể bay theo gió như chơi...


Nhiều người thấy vậy nhỏ to góp ý. Nhưng nhằm nhò gì, có lần Hai Nỷ trả lời thẳng đuột “Bộ tôi sướng lắm chắc!” nên lâu rồi thành quen kệ bà Chum sống ra sao thì ra...


Đến lúc bà Chum nhắm mắt xuôi tay, vợ chồng Hai Nỷ lo tang chay rầm rộ. Trại rạp dựng lên trang hoàng chu đáo... Tiếng kinh câu kệ và nhạc đám ma ò... e... í, e ra rả cả ba ngày trên loa. 


Ai nấy đến thăm ngỏ lời chia buồn cũng giật thót mình khi nghe vợ chồng Hai Nỷ gục gục đầu tỏ vẻ chân thành đội ơn và nói lí nhí: “Từ rày đỡ lo...”


Bà Chum đi... từ rày đỡ lo... thật!./.


23. Tối lửa tắt đèn... 


"Bán bà con xa mua láng giềng gần”. 


Câu thành ngữ quen thuộc ai cũng biết. Đó là lúc bình thường. 


Còn khi con gà nhà bên tự nhiên chui qua hàng rào gai tre chạy sang nhà Y bui gần hết nửa rò cải cay đang lên mơn mởn là chuyện khác!. 


Y đi làm ruộng về thấy, tiếc của giận run người. 


Tối lại Y làm thinh mua thuốc bả độc trộn một nửa lon gạo đem rải qua vườn nhà bên. 


Trưa hôm sau đi làm về anh nhà bên thấy đàn gà choai có lớn có chết toi... cũng tiếc đứt từng đoạn ruột. Bầy gà trên mười con nhà bên định bụng giáp tết bán lấy tiền mua mấy bộ đồ mới cho hai đứa con tuổi lên chín lên mười mặc ăn tết. 


Chị vợ nổi tam bành la làng la xóm rân trời đất!... Anh chồng can “Thôi coi như gà dịch bệnh...”.


Hai mươi tám Tết Y nấu bánh tét. Vợ chồng canh lửa củi quá nửa đêm mệt quá ngủ quên. Lửa bò ra liếm phên tre bắc sang đống cây củi bắp cháy bùng lên lửa ngọn thiêu rụi nhà bếp.


Bà con hàng xóm tất cả xúm nhau cứu hoả!. 


Người ta thấy vợ chồng anh nhà bên là những người tích cực nhất trong việc chữa cháy nhà anh Y hôm ấy. 


Và suýt xíu nửa anh nhà bên bị thương do cây cột nhà dưới ngả đổ...


Cứu được căn nhà trên của Y không bị cháy ai nấy cũng vui mừng. Nồi bánh tét và mấy chum lúa cái cháy ra tro cái cháy sém... khét lẹt./.


24. Phóng sanh


     Lạ! Con chim sẻ gật gù trong lồng.

     Nó lại được thả ra, thả ra là nói theo chữ ta còn chữ nôm chữ của người làm thiện lành là phóng... sanh.

"Không biết sau 4 lượt bắt rồi thả này mình có thoát nạn bẫy chim không?"

    Con chim sẻ đang ở trong lồng nghĩ nghĩ...

Mô Phật!./.


25. Mẹ ơi!


Mẹ vĩ đại Thu Bồn đôn hậu mà giờ tác quái!.

Mẹ không còn thiên lương?

Không thể và không bao giờ có điều ấy.

- Mẹ sinh nở và dưỡng dục con chứ!

- Dạ con xin mẹ thứ lỗi!

- Không lỗi phải. Điều mẹ muốn là các con hãy đùm bọc nhau như ngày nào...

- Dạ!.

Sau giấc mơ ngủ là nghe tin một bà mẹ trong khi đi sinh đã lâm nạn. Cả hai mẹ con không thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong dòng nước bạc!.

Mẹ ơi!./.

H.V

12/10/20


26. TỪ TÂM 

 1. 

Tới chừ làng Cẩm Đồng còn nhớ chuyện: 

Hồi năm 1975 khi chiến tranh vừa kết thúc ai ai cũng thi nhau khai hoang vỡ hoá để có đất sản xuất. Cả biền bãi mé sông Thu Bồn ở đây mới có lưng nửa tháng đã sạch cỏ tranh; lau bói. Thế mà trong thửa đất hơn hai sào của ông Liêu lại có một chòm lau bói đứng chơ vơ...


 Ông An cuốc đất kế bên hỏi:

 “Chứ ông để mần chi?”.  


Vuốt những giọt mồ hôi trên tráng xong ông Liêu nói: 

 “Bên trong nớ có một tổ chim!”.

  

 Một thời gian sau từ nơi chòm lau bói có ba chú chim non chập chững tập chuyền!. 


 2. 

Xa quê Gò Nổi vô Sài Gòn từ những năm 60 nay ở tuổi “cổ lai hy” ông Trí vẫn không quên các chú chim chóc một thời trai trẻ từng thấy từng biết và ham thích... 

 Bởi vậy khi anh con trai của ông xây căn nhà mới ông đề nghị: 

“Con cho ba tầng thượng để nuôi chim...”.  


Sau hơn hai năm ông Trí mua hàng tạ thóc, đậu, mè, ngày nào cũng mang lên sân thượng tỉ mẩn rải... đến nay có hàng trăm... con chim đủ các loại không rõ từ đâu thường xuyên bay đến vui đùa với ông Trí như bạn thân trên sân thượng!. 

Quả là từ tâm./.


 HÒA VĂN