Ngoài giờ đến công sở Chúng làm thêm một việc mà việc làm thêm lại có thu nhập chính đáng!.
Đang loay hoay dắt xe Tỵ vợ Chúng từ nhà dưới vội vội vàng vàng vừa đi vừa nói:
“Chiều nay tranh thủ về sớm cơm nước còn đi về quê thăm ông bà nội thằng Qin”
Là thế nầy mọi hôm sau cuốc thồ chót khi sớm lúc muộn Chúng hay tụm năm tụm ba với anh em cùng cánh lai rai mấy ly bia hoặc rượu gọi là giải xương giải cốt…
Chúng dắt xe ra sân xong mới trả lời:
“Ừ!. Anh sẽ về sớm!”
Chúng tên đầy đủ Huy Chúng một cây bút có nội lực. Đó là bạn đọc còm khen chứ không phải tự đắc, truyện của Huy Chúng không xa xôi không phóng đại cuộc sống chung quanh như thế nào vào truyện như thế ấy, trong mỗi truyện có nhiều chi tiết khá đắt. Viết văn làm thơ thời nay chưa phải là cái cần câu ra cơm ra cá, viết truyện có đăng báo tiền nhuận bút cũng chẳng thấm béo gì so với công sức. Mỗi khi vợ cằn nhằn vụ này Chúng chỉ cười cười giả lả:
“Chắc kiếp trước anh nợ nần chi đây?”
Nói là công sở cho nó oai phong kỳ thực nơi làm việc của Chúng và hai người nữa một nam và một nữ đâu được ba mươi mét vuông. Hồi mới lập có người nói các anh chị làm gì mà phòng ốc cho to chỉ cần cái túi xách hoặc cái cặp là đủ bởi công việc loanh quanh mấy tập bản thảo nào là thơ nào là văn… Mỗi tập đâu chừng hai ba trăm trang chứ nhiều nhặng gì.
Thật hết chỗ nói!. Thôi đành vậy. Chúng suy nghĩ có nói cũng chẳng vào đâu lại thêm mang tiếng ý kiến này nọ.
Dần dần rồi cũng quen khi ông sếp mới tới không những vừa ý với cơ ngơi mà còn khen đây là điểm đắc địa khi ông tính cho thuê lại phần hiên rộng ngó ra ngã tư đường lúc nào cũng nườm nượp người qua lại. Làm kinh tế!. Cả nước đang đổ xô đi làm kinh tế mà!. Sếp thật tinh tường mọi chuyện!. Chúng nghĩ nghĩ… Không như sếp trước mấy cũng văn hóa văn nghệ!. Ông thật chỉnh chu lạ… Khi nào họp cơ quan ông đều lặp đi lặp lại “Vô văn hóa vô văn nghệ thì trước sau cũng lụn bại!”. Có ai chia sẻ với ông không?. Chúng không có thể đo lường hết tâm can mọi người song cứ nhìn cách cười mim mĩm từng người một dù có kém thông minh đến mấy cũng hiểu họ muốn nói “Thôi cha nội! Ở đó mà đạo với đức!”.
Từ hôm đó đến nay sếp mới làm theo kiểu cứ có người đưa tác phẩm đến là ông cấp giấy phép, bộ phận kế toán cứ nhận tiền theo đúng quy định. Ngoài cái khoản tiền giấy phép, khoản tiền cho thuê mặt bằng góp phần làm nên một thu nhập rất khá. Chúng lại nghĩ khác. Nhớ hồi mới ra trường Chúng mang trong mình bao hoài bão nào là… nào là… Giờ Chúng giống như con thuyền ngược sóng. Ai bất kể tác phẩm đạt thì biên tập rồi cho phép còn không xin thưa “Dạ cảm ơn… đã tín nhiệm đưa tác phẩm! Còn theo tôi… mong… không in thì tốt hơn!”. Bởi vậy thu nhập từ “nghề biên tập viên” của Huy Chúng cứ tụt dài.
Chiều nay Chúng về sớm đi thăm ông bà nội thằng Qin, một việc mà vợ chồng Chúng làm thành nếp từ ngày mua đất xây nhà ra riêng ở phố.
Cuộc đời như dòng sông. Chúng với Tỵ là dòng sông có khi lở có lúc bồi tựu chung không dễ dàng gì bươn chải trong thời buổi thiệt thà là thiệt thòi mà nhà Chúng xưa nay tiếng thiệt thà nhứt làng.
Làng của Chúng chuyên trồng khoai lang. Muốn khoai sống được đã khó mà còn biểu nó phải có củ nữa nên quanh năm suốt tháng từ khi cắm cọng rau xuống giồng cát người của làng bắt đầu đặt cái đòn gánh lên đôi vai hai đầu đòn gánh là đôi gàu nan tre trắc dầu rái. Được cái nhìn mặt cát khô khốc là thế chỉ cần đào một cái hố không sâu lắm là có nước. Nước như ứa ra từ cát mặc cho trời nắng nóng mấy. Củ khoai lớn lên nhờ nước và phân bón. Hồi đó phân bổi làm từ lá cây và rong biển. Lá cây ngay tại chỗ không có phải lặn lội đi lên vùng Gò Nổi mua, ở đó cây keo được trồng làm hàng rào quanh vườn nhà, cứ hàng keo tốt đến ngực thì họ bán người mua tính mua hóa rồi tự bẻ nhánh keo bó lại thành bó, dùng đòn xóc xóc hai bó và gánh chạy bộ hàng chục cây số. Khi đi tờ mờ sáng khi về tới nhà nhiều khi tối mịt.
Nghề nông bao giờ cũng lam lũ để có củ khoai đã khó nhọc huống gì chén cơm nhà nông chịu thương chịu khó thành quen. Tỵ học xong lớp 9 đi trung cấp ra trường làm cô giáo làng cứ tưởng như vậy cả đời nào phải như vậy khi cô Tỵ dạy giỏi không dạy thêm trở thành người “lập dị” theo kiểu nói lấy được của người coi bon chen là lẽ sống. Trụ đâu được bảy năm với ba lần chuyển trường từ gần đến xa Tỵ về nhà mở quán tạp hóa. Đất cát mùa nắng đi bỏng cả bàn chân hóa ra có giá khi chuyển lên xây dựng khu công nghiệp nhà máy to nhỏ đua nhau mọc lên biến vùng đất chỉ có để trồng khoai trồng cà nay lên thị tứ.
Chúng dành nhiều tâm huyết cho những trang văn nếu biết luồn lách như không ít nhà… làm văn thơ khác chắc cũng yên vị chứ kém ai đàng này lòng Huy Chúng thẳng đuột như ruột ngựa cái gì đúng thì có khó cũng bênh cho được. Đây là sự thiệt thòi lớn mà Chúng nhận lãnh. Tỷ như công việc đang làm hiện nay biên tập viên chẳng hạn thì cứ đủng đỉnh như bao người chớ mắc mớ chi ai biểu một cánh én đâu làm nên mùa Xuân!. Nhiều khi Chúng tự vấn?. Rồi tính nào tật nấy không chịu được những chuyện trái tai gai mắt trong cái gọi là văn hóa Chúng chấp nhận làm anh xe thồ.
Ông nội thằng Qin:
“Sao? Vợ chồng con lúc này khá hơn chớ!”
Câu này ông Siêng cha của Chúng thường hỏi vợ chồng Chúng khi gặp. Ý của ông là đời sống nhà cửa con cái công việc làm ra sao.
Tỵ trả lời:
“Dạ Cha đừng lo mọi chuyện ổn cả!”
Chúng nói:
“Dạo này công việc của con khá hơn cha ạ!”
May dừng lại kịp chứ không Chúng kể luôn việc đi thồ. Thực ra đi thồ cũng không phải là công việc tồi tệ gì có điều nó phản ánh một sự tệ hại nếu không tại sao như vậy.
Không làm một việc nào đủ để sống chính đáng mà không lươn lẹo mà không tráo trở.
Biết hết… vẫn làm vẫn sống… ./.
HÒA VĂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét