Quảng Nam có nhiều món mắm cho dù mang nó đến bất kể vùng miền nào
không lẫn vào đâu được. Đó là nắm cá cơm than, mắm cá nục, mắm cá thính...Tính đặc trưng của từng loại đã thành đặc sản, đến nay ai cũng biết, nếu không
nói là đã từng thưởng thức và tấm tắc khen ngon.
Ở đây xin giới thiệu một món ăn, một thời có mặt tại làng Xuân Đài (nay thuộc xã Điện Quang, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Một dịp đến thăm bác Văn Đức Đổng (năm 2012 đã trên 80 tuổi), người làng Xuân Đài, trong buổi trò chuyện, bác nhắc đến thân mẫu của bác về tài chế biến các món ăn dân dã và phù hợp với đồng tiền bát gạo ở nông thôn những năm 1940 – 1965. Một trong món ăn mà bác nói ngon, ngon lắm là Mắm cá chuồn bột.
Độ khoảng tháng Ba âm lịch, khi con tu hú kêu rân tu hú tu hú... đó là báo hiệu mùa cá chuồn đang rộ.
Biển cửa Đợi, Hội An nơi từ lâu nổi tiếng luôn luôn có nhiều loại cá biển mà lúc nào cũng tươi và ngon như cá ngừ, cá nục, cá thu, cá sòng, cá chuồn... Lúc nầy dù có bận bịu công việc gì, người làng Xuân Đài cũng dàn xếp, rủ nhau mướn ghe bầu đi Cửa Đại mua cả chuồn. Đặc điểm quan trọng cần lưu ý, nếu mua cá chuồn về làm mắm thì có bị ươn cũng không sao, nhưng để làm cá chuồn bột nhất định phải chọn loại cá trộng con và tươi xanh mới được.
Cá chuồn làm ruột rửa sạch, vớt ra để ráo nước, cắt bỏ đầu cá, sau đó bỏ cá vào hũ sành (không được muối vào hũ đất), muối giống như muối cá cơm than hoặc cá nục. Muối dùng là loại muối hạt to, trắng. Nếu có được muối Cà Ná mua để dành vài ba năm, nay đem ra dùng càng tốt vì loại muối cũ nầy để lâu mất dần chất đắng thường có trong muối ăn. chỉ còn vị mặn tinh khiết, muối mắm càng ngon. Lượng muối theo kinh nghiệm (ba cá một muối), cứ một lớp cá vừa vừa không dày không mỏng rải một lớp muối. Việc muối cá phải nhanh gọn để tránh ruồi bâu vào dễ sinh con dòi trong hũ mắm. Cuối cùng dùng miếng vải dày bịt kín miệng hũ lại, xong đem hũ mắm vừa muối ra nơi có nắng cả ngày phơi liên tục suốt ngày đêm khoảng bốn, năm tháng, đến cỡ tháng Chín, tháng Mười âm lịch cùng năm, xử dụng được. Có một công đoạn để có tên mắm cá chuồn bột phải làm trước khi ăn, là dùng đũa vớt hết xương cá chuồn ra, sau đó ấy đũa bản to (thường hay gọi là đũa bếp), khuấy hũ mắm làm cho toàn bộ phần thân cá chuồn tơi nát ra thành bột màu đỏ sậm, đặc sánh.
Trước đó khoảng tháng Năm tháng Sáu tới mùa thơm (dứa) trồng quanh vườn nhà chín rộ, chọn thời điểm trời tạnh ráo, chọn những quả dứa ngon, gọt sạch vỏ, cắt ra từng khoanh dày độ ba phân, xâu lại thành từng xâu, đem treo phơi nắng tốt cho khô. Đây là phụ gia để bỏ vào hũ mắm cá bột thành phẩm, làm cho mắm dịu bớt độ mặn thêm ngon ngọt, những khoanh thơm ấy
sau khi thấm thóp mắm ăn ngon đáo để.
Khi kể chuyện làm mắm cá chuôn bột. Hai mắt bác Đổng mãi chớp chớp như chực khóc. Bác nói: “Kể chuyện muối mắm tôi nhớ mẹ tôi quá quý anh ạ!”. Còn những người ngồi nghe chuyện, lại chim chíp miệng. Tôi nói chen vào: "Nghe bác Đổng diễn tả cách làm mắm cá chuộn bột, thật công phu và tỉ mỉ, ai cũng phát thèm!”. Bác Đổng kết luận, những ngày mùa đông giá lạnh, những khi không đi chợ, lúc bão lụt, đến bữa cơm, dùng giá múc mắm cá bột vào chén thêm gia vị tỏi, ớt, mắm có hương vị rất thơm. Khi ăn mỗi người tự dùng đũa quẹt từng quẹt mắm nho nhỏ cho vào chén cơm nóng hổi, mà ăn thật ngon.
Ngoài ra khi cuốn bánh tráng thịt heo, bánh xèo (đặc sản Quảng Nam), mắm
cá chuồn bột được pha chế thêm một ít nước mắm nhỉ, trở thành nước chấm ngon khỏi chê!
Nếu làm đúng cách, hợp vệ sinh mắm cá chuồn bột có thể để dành ăn quanh năm.
Hòa Văn
(2012)
-----
Ảnh: Hòa Văn và Bác Văn Đức Đổng (bìa phải)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét