05/11/2013

CHUYỆN TÌNH GIÀ

Truyện ngắn Hòa Văn




           

Một Facebooker post lên FB bức ảnh và ghi “Cảm phục trước cặp tình già hơn 100 tuổi!”. Ảnh chụp ông cụ ân cần dùng khăn lau mặt mũi cụ bà.
Trước đó cũng trên FB tôi bàng hoàng trước một tấm ảnh chụp hai cụ già và một con chó con đang ở trên “khu đĩ” của ngôi nhà mái lợp bằng lá dừa chìm trong cơn lũ dữ, nước lũ đang mấp mé mái nhà.

Thời buổi giờ mọi chuyện đều biết cả chỉ có bên trong “cái tâm tư” của mỗi con người là mù tịt.

“Không mù tịt thì làm sao mà sống được”. Đó là lý lẽ của Sân con ông Tư Rói.



Ông Tư Rói có vợ cùng tuổi. Ông nói vậy. Còn thực sự là bao nhiêu chỉ đoan đoán thôi vì có khi ông nói bảy lăm, khi lại bảo tám mươi. Bởi giờ cả ông và bà đã lẫn thẫn. Lẫn thẫn mà hay kể chuyện xưa.

Sân mỗi lần nghe cha mình chớm kể... “Ngày xưa...” là cự ngay:

- Ông lúc nào cũng ngày xưa… với ngày nay...

Biết tính nết con nó nói vậy rồi thôi chứ không đến nỗi nào... sau khi nói xong là tuỳ ông muốn làm gì thì làm nên hồi nào cũng vậy đáp lại sự bặm trợn của Sân ông Tư Rói cất tiếng cười khà khà miệng há hốc lòi cả hai hàm răng chỉ có nướu lợi rồi nói, giọng nói lèo phèo nhát gừng nhờ nghe quen tai chứ ai lần đầu mà nghe chắc phải có người “phiên dịch”:

- Kệ… tau… mắc mớ... chi... mi!

Câu chuyện ông Tư Rói kể sau đây cả xóm nghe miết đã thuộc làu nhưng ông vẫn kể như mới lần đầu.

Trong cơn lũ Giáp Thìn năm 64 cô Xang gốc người trên vùng thượng nguồn sông Đông không biết số mệnh bự cỡ nào mà sau hai ngày đêm bu bám trên một mái nhà trôi lênh đênh cùng con nước lũ dữ dằn thế mà vẫn sống, được trai tráng làng Ven Sông cứu vớt. Về sau một trong số trai tráng ngày ấy gắn bó cả đời với cô Xang nên nghĩa vợ chồng là ông Tư Rói.

Ông kể lũ năm Thìn là lũ lịch sử. Lũ xảy ra ngay sau cơn bão to, ở làng Ven Sông nầy có nhà nước lũ chấm mái tranh vì vậy gây thiệt hại rất lớn về người và của. Đặc biệt nghiêm trọng ở các làng thượng nguồn sông Đông. Có làng như làng của bà Tư Rói coi như xoá sổ. Hàng chục người chết, toàn bộ gia sản cả đời cắc củm gầy dựng chỉ sau mấy ngày bão lũ trở thành tay trắng, phần lớn đã bỏ xứ ra đi tìm nơi khác sinh sống.

Ông Tư Rói bảo:

- Ghê sợ lắm!. Chừ nhớ lại còn thất kinh huống chi...

Tôi hỏi:

- Thế con cháu ông ở đâu mà giờ hai người già sống lụm cụm...

Không để tôi hỏi hết câu ông Tư Rói trả lời ngay:

- Ôi con với cháu lúc nhỏ thì mình nuôi lớn lên nó bay nó nhảy biết mần răng chừ!

Tôi đảo mắt nhìn quanh ngôi nhà ba gian xây gạch lợp ngói.

Hình như biết điều tôi đang suy nghĩ bà Tư Rói nói:


- Nhà của thằng Hai về làm đó!.

Ông Tư Rói rạch ròi sau trận bão năm... cái nhà tranh xiêu vẹo ba anh em con nhà tôi về hùn nhau làm nhưng thằng Hai thì góp nhiều hơn chứ không hẵn chỉ của hắn.

- Mà rứa là tốt quá chứ chi nữa...

Ông Tư Rói nói rồi lật đật đi tìm ly rót nước mời tôi uống chè xanh.

Nước chè xanh nóng hổi bốc khói mang theo hương lá dứa thơm lựng. Ông Tư Rói vừa rót nước vừa phân trần:

- Nghiện đã chục năm rồi!. Có thể nhịn bữa cơm chứ bảo thiếu nước chè xanh này thì chịu!

Tôi đồng ý với ông về điều nầy. Mỗi người khi về già cần có một thú thưởng thức gì đó... giống như các cụ ngày xưa ăn trầu hút thuốc lá. Quê tôi ven sông đất màu mỡ ngoài cho các loại cây trồng lương thực, thực phẩm còn sản xuất ra một loại lá đặc sản lá thuốc lá... Hầu như cả làng đều trồng cây thuốc lá và chế biến sản phẩm từ lá thuốc. Lá thuốc để nguyên quấn thành điếu là loại tốt còn những lá khác được xắt mỏng dính thành sợi gọi là thuốc rê. Thuốc rê quấn giấy quyến hút cũng ngon tuyệt!.

Để có sản phẩm thuốc lá người nông dân phải lao động cật lực lắm!. Ông Tư Rói hay lấy sự cực khổ của vợ chồng ông ra làm bài học “lao động” với con cháu nào là “Lúc tau cỡ tuổi bọn mi chừ, chuyện ăn và ngủ ở bên bờ thửa đất trồng thuốc lá là bình thường”. Cây thuốc lá ham được tưới nước dữ... ai đảm bảo phân tro thuốc men đúng mức đúng lứa và tưới nước đầy đủ sẽ trúng còn ngược lại ôi thôi coi như bỏ công bỏ của!. Hai vợ chồng ông Tư Rói thuở son trẻ mỗi người một đôi gàu nan từ đầu đến cuối vụ ngày đêm trên vai kìn kịt gánh nước tưới thuốc lá. Có thời điểm nắng hạn làm ban ngày không đủ tranh thủ làm thêm ban đêm, khi ấy để biết chừng hàng chưa tưới phải thắp một ngọn đèn dầu đặt tại hàng đó cứ thế gánh nước từ dưới đìa lên chạy tới hàng có cái đèn mà tưới... Đến thời tôi lớn lên cây thuốc lá đặc sản biến mất bởi nhiều lý do...
Ông Tư Rói hình như nãy giờ quên lửng trên tay đang bưng ly nước chè xanh nên khi dừng kể chuyện cây thuốc lá lật đật tu liền một hơi cạn ly trông thật đã ... rồi tự tán thưởng:

- Chè xanh Phú Thượng... ngon quá!

Phú Thượng cách đây hơn mươi cây số vùng bán sơn địa chuyên trồng cây chè xanh và là sản phẩm được cho là ngon nhất nổi tiếng khắp vùng. Đà Nẵng lên thành phố Phú Thượng thuộc Đà Nẵng nên có người nói “Thành phố có biển có núi và có sông” là không sai.

Người già ở nước ngoài nghe nói phải sống ở các khu dưỡng lão. Chuyện ăn ở như thế bình thường bởi con cái qua mười tám tuổi đều tự tạo một đời sống độc lập. Còn ở mình những tục lệ ngày xưa vẫn còn...

Trường hợp của ông bà Tư Rói là hiếm. Cùng tuổi như ông Tư Rói họ đều nương tựa vào con cái hoặc cháu chắt. Lúc đầu có tiếng vào tiếng ra cho rằng con cháu ông bà Tư Rói vô tâm bỏ ra phố phường hết để hai người già ở quê lụm cụm... Nói tới nói lui một quãng về sau cứ thấy sống như ông bà Tư Rói có hề hấn gì đâu?. Không hơn ông Yên và bà Me cùng làng. Đi theo con với cháu tiện lợi đâu không thấy chỉ thấy phiền hà. Ông Yên kể tính người già hay tỉ mỉ thế mà ra phố cái gì cũng hời hợt chịu không được. Đó là chưa kể nhà ai nấy sống nấy lo tối ngày cửa sắt đóng kín muốn ra ngoài để thăm viếng ai cũng chẳng dễ đợi tới Chủ nhật mới có người đưa đón. Mà không phải muốn đi là được, cả tuần công với sở nước với nhà lu bu bao công chuyện chỉ có một ngày ở nhà. Ở nhà biết bao chuyện dâu con thì bếp núc chợ búa, con trai cháu nội thì phòng ốc chiếu gường... Cái gì cũng cần kíp cả phải làm chứ không để ngày mai được. Có hôm thứ Năm thằng cháu học Đại học hứa ông nội khỏi lo tuần nầy con thi xong rồi vừa nghỉ xả hơi vừa đưa ông đi về quê thăm cô Bốn... Thế mà không rõ quên hay sao ông chuẩn bị áo xống quà cáp hẵng hoi chờ đến chín giờ chẳng thấy tăm hơi. Đang nóng ruột nóng gan cháu nội ông gọi điện thoại xin lỗi ông con thất hứa rồi bây giờ con đang ở... Ông Yên kể lại chuyện cười cười và lắc lắc đầu nói:

- Như ông Tư Rói chắc ăn nhất!

Ngẫm cho kỹ tính như ông Tư Rói đúng quá!. Hai người già lụm cụm lo qua đỡ lại cho nhau khi trái gió trở trời là sung sướng chi bằng. Gần đây trời hay mưa bão với lại bà Tư Rói hay đổ bịnh. Bịnh người già chứ không phải bệnh tật nhưng ông Tư Rói cũng chẳng hơn nên út Sân học xong Đại học đang chờ việc làm được anh em trong nhà cắt cử về ở phòng khi hôm khi mai ông bà có chuyện gì trắc trở có người chăm nom kịp thời. Hôm nay ở quê miết út Sân đã bắt đầu ngán trông thì biết có ý trở ra phố...

Ông Tư Rói châm thêm một lượt nước sôi vào tách chè xanh cẩn thận rót nước vào ly rồi nói:

- Anh thấy đó tụi trẻ là vậy trách chi...

Nói xong ông kêu út Sân lại biểu:

- Tau với mẹ my tự lo mọi chuyện được rồi! Coi ra chỗ anh Hai hỏi thử công việc làm tới mô rồi...

Út Sân như mở cờ trong bụng còn làm bộ lừng khừng:

- Ra cho anh Hai la chết!. Anh Hai bảo tới cuối tuần anh chị về mới quyết định con ra hay ở đây với ba mẹ!

Nói tới đây út Sân móc túi lấy điện thoại ra nghe. Không rõ nói chuyện gì với ai mà có vẻ tâm đầu ý hợp lắm. Cả người nghe và người nói chuyện qua lại lời lẽ đằm thắm và trò chuyện cả nửa giờ đồng hồ mới xong.

Ông Tư Rói nhìn bộ dạng của đứa con út có vẻ đắc ý lắm và nói:

- Từng nớ tuổi rồi ở đây cùng trang lứa không thi đổ đại học ở nhà làm thợ hồ, làm nông có vợ đã có một hai đứa con!. Nó học xong biểu chọn chỗ mô ưng cưới vợ. Nó quầy quậy như đỉa phải vôi... Nhưng tôi biết cỡ như nó mà “phòng không” mới lạ!.

Ông Tư Rói nói một hơi.

Út Sân quay lại ngồi sát bên, quàng tay ôm chặt thắt lưng ông Tư Rói, cười giả lã rồi nói ngọt:

- Chặp nữa nếu anh Hai điện về ba nói cho con sáng mai ra phố nghe ba!

- Biết rồi! Có bồ bịch kêu chứ chi!. Để ba nói....

                                                       ***

Mưa. Mưa miền Trung kéo dài tháng nầy qua tháng nọ có khi qua tiết Đông chí rồi trời còn tiếc cứ mưa rai rai...
Bây giờ đường sá nhà cửa tiếng là quê nhưng cũng bề thế hơn lên dần. Những con đường bê tông thoáng rộng phủ khắp xóm làng, còn đường tỉnh lộ cái tráng nhựa cái bê tông với cấp phối khá vững chãi tạo ra bộ mặt sáng sủa nhiều... Tuy vậy hễ trời mưa gió thì buồn lắm.
Út Sân ngồi nghĩ mung lung... không như ở phố xá thời nào cũng vậy dù có khó khăn bao nhiêu cuộc sống và nhất là quang cảnh cũng tinh tươm. Quê bây giờ phần lớn là hộ người già, không già cũng ở độ năm mươi tuổi trở lên, cuộc sống làm ruộng làm nông vốn đã khó trong thời khủng hoảng kinh tế toàn cầu càng khó hơn gấp bội. Người nông dân một nắng hai sương bán mặt cho đất bán lưng cho trời vất vả nhiều lắm nhưng thu nhập chẳng là bao so với công sức và vốn đầu tư cho từng vụ mùa.
Chuyện được mùa mất giá hay sự chèn ép của con buôn về giá cả là “chuyện thường ngày ở huyện”. Cái nầy bà con biết mà tự thân không thể nào giải quyết được. Ngày nầy sang tháng nọ cùng năm mãn mùa vẫn vậy...

Cây bão Nari ập vào ngay chỗ làng Ven Sông thiệt hại ít cũng có một người chết, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái xiêu vẹo... Mấy ngày qua nhiều đoàn thiện nguyện chở về nào là mì tôm, nước mắm xì dầu... chăn mền và có cả tiền mặt nữa ủng hộ cho người già và nhà bị bão hư hại ít nhiều.
Út Sân mới đi nhận thế cho ông bà Tư Rói phần quà cứu trợ đâu gần hai trăm ngàn và ba trăm ngàn đồng tiền mặt.
Hồi hôm nghe tivi báo sắp có hai cây bão to liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh nam Trung bộ và Nam bộ ảnh hưởng tới Sài Gòn. Định ở lại dăm hôm nữa nhưng tình hình bão bùng như thế nội ngày hôm nay phải bay ngay trở về nhà thôi!.

Những ngày về thăm quê lòng tôi cứ lo lo điều gì không rõ nguyên nhân nên viết truyện ngắn nầy trên chiếc laptop mang theo - Chuyện tình già.
                                                                                                      Hòa Văn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét