Mẹ nói những chuyện về đứa con trai
của mẹ là có thật. Tôi lặng lẽ ghi chép tất cả không có một lời bình luận hoặc
thêm thắt nào.
Ngày 17 tháng 02 năm 1979(1)
Mẹ kính yêu!
Con đã đặt chân lên mảnh đất... – Mảnh đất mà lúc nầy theo như chỉ huy bảo là
của “địch” mẹ ạ!.
Đồi núi nhấp nhô, bình yên, đầy
hoa sim tím... Phía bên kia dãy núi có nhiều ngôi nhà, trong đó chắc chắn có
trẻ thơ và người già. Giờ G sẽ phát lệnh tiến công, C của con đánh mũi trực diện.
Qua điều nghiên của các trinh sát phía ấy không có đồn bót cũng chẳng có binh
sĩ chỉ có đâu mười dân quân trang bị rất sơ sài thế mà con là quân chủ lực nên
mẹ đừng lo gì!.
...
Con của mẹ
Mẹ thẫn thờ nhìn ra sân vắng. Hôm
giáp tết con mẹ về mang theo quà tết của đơn vị tặng mẹ, đang sửa soạn mâm cơm
đạm bạc mẹ nấu để tất niên nó vội vội vàng vàng đứng trước bàn thờ chấp tay bái tiên tổ rồi bảo:
“Thưa mẹ đơn vị gọi con phải trả
phép gấp!”.
Nhanh như sóc con mẹ khoác ba lô
đi... Lá thư đây là hiện vật - lá thư cuối cùng của con mẹ viết từ nơi biên
cương...
(Mẹ cho biết may mà... lá thư được
một đồng đội cùng đơn vị nhặt được mang về trao cho mẹ).
Mẹ nói:
“Vì Tổ quốc mẹ chẳng ngại con hy
sinh nhưng...”
Tôi hỏi:
“Tại sao nhưng...”
Mẹ đáp:
“Cái nầy khó nói... Ờ... Các anh
hay giả bộ!”
Vuốt vuốt cho lá thư thẳng thớm
{thật ra lá thư có nhàu nát gì đâu?} nó được xếp tư vuông bỏ vào bọc nilon cất
cẩn thận vào ống nứa đặt trên bàn thờ.
Đứng vịn bàn thờ lặng nhìn những
làn hương khói nhẹ nhàng lan toả lên không trung, mẹ khấn vái gì đó thầm thầm
trong miệng nhiều lắm, tôi chỉ nghe được câu cuối:
“Con sống khôn thác thiêng phò hộ
cho mẹ được an lành!”
Mẹ thút thít khóc...
Rồi bảo:
“Anh cũng từng là bộ đội à! Bộ đội
thì phải tuân lệnh cấp trên phải không?”
Mẹ từng nói với con trai mẹ chiến
tranh không chỉ có trai tráng ra chiến trường đâu trong mỗi chiến sĩ ở cả hai
bên đối nghịch nhau đều có bóng dáng của người mẹ. Chiến đấu hy sinh nói to lớn
là vì Đất nước nhưng theo mẹ trong đó vì cả Mẹ nữa...
Tôi cặm cụi ghi chép.
Có lúc mẹ nói quá nhỏ hoặc quá
nhanh tôi vẫn không có ý kiến bởi theo tôi chỉ cần một tiếng động khe khẽ chen
vào dòng âm thanh mẹ đang phát ra từ tâm can thì... {tôi nghĩ như thế} thì...
mẹ sẽ biến mất...!
Khuya nay tôi lại gặp mẹ.
Mà không chỉ có một mình mẹ mà còn
có một bà mẹ thứ hai. Hình như thấy tôi đang phân vân mẹ giới thiệu ngay:
“Cùng tiếp anh bây giờ có mẹ M mẹ
của “kẻ địch” của con mẹ!”
Tôi định thần lấy mắt kiếng ra khỏi
mắt dùng miếng vải nỉ lau sạch hai tròng mắt kính xong đeo trở lại.
Đúng! Mẹ nói đúng! Nhìn vóc dáng và
kiểu ăn bận tôi biết mẹ là người nước tôi.
Tôi nhìn kỹ một chặp mới nói:
“Mẹ là mẹ của...”
“Chiến sĩ”
Mẹ M nhanh nhảu tiếp lời tôi như
vậy.
“Thưa mẹ, con trai mẹ giờ còn trong
quân ngũ?”
“Anh nói sao? Con trai tôi à! ...”
Không như hồi nãy nhanh nhảu giọng
mẹ giờ chùng hẳn:
“... hy sinh tháng Hai năm 1979”
Bất giác như có một luồng không khí
lạnh từ ngoài sân xâm nhập vào nhà toàn thân tôi lạnh toát!.
Cố điềm tĩnh tôi nhìn sang mẹ A {bà
mẹ của phần đầu truyện ngắn nầy} mẹ A hiểu ngay điều tôi muốn hỏi”:
“Thì con trai tôi và con trai bả
đánh nhau trên biên giới năm ấy đó mà!”
“Thưa mẹ con hiểu ra rồi thế giờ
hai mẹ gặp nhau tại đây nơi biên cương để làm gì ạ?”
Lần nầy mẹ M nói:
“Chiến tranh đã lùi xa 35 năm
khoảng thời gian đủ để hai người mẹ chúng tôi nhận ra bao điều...”
“Dạ!”.
Tôi không biết tại sao lại buột
miệng “Dạ!” làm ngắt quãng lời tâm sự của mẹ.
Tôi nói:
“Xin lỗi mẹ!”
“Không sao!. Cái chính là anh cùng
tôi và bà A sáng mai đi tìm thêm một lần nữa hài cốt của hai đứa con!”
“Con của hai mẹ “mất tích”?”
Mẹ A:
“Không rõ nhưng sau trận chiến con
mẹ không trở về. Đơn vị của con mẹ báo “Chiến sĩ Lý... đã hy sinh anh dũng
trong cuộc chiến tranh "Vệ Quốc vĩ đại!”"
Mẹ M:
“Chỉ huy đơn vị của con mẹ ngày ấy
có về tận nhà báo tin con trai mẹ đã anh dũng hy sinh vì Tổ Quốc, cùng địa
phương làm lễ truy điệu rất trang nghiêm trước bàn thờ trước di ảnh con của mẹ!.
Mẹ nhớ lồng trong tiếng nhạc kèn hơi hùng tráng điếu văn nêu rõ con mẹ Lê Nam đã
góp phần to lớn cùng toàn dân giành ‘thắng
lợi rất oanh liệt và toàn diện đánh bại sáu trăm nghìn quân T.Q xâm lược - Thêm
một chiến công hiển hách ghi vào lịch sử chống xâm lược của Dân tộc ta’(2)”
Tôi không ghi thêm được điều gì vội
thức dậy viết truyện ngắn nầy xong trước rạng sáng ngày... tháng 02 năm 2014.
H.V
---
(1): Ngày 17/2/1979, khởi đầu cuộc chiến tranh bảo vệ biên
cương phía Bắc Tổ quốc trải dài ở 6 tỉnh Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên,
Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh
(2): Chữ in nghiêng trong ‘’: Theo báo Nhân Dân (V.N) số
9030 ngày thứ Ba 20/03/1979
Truyện ngắn viết từ năm 2014 nay 2019 rồi...
Trả lờiXóaH.V đổi tên truyện Mất tích
Đổi tên truyện ngắn Mất tích
Trả lờiXóa