Như thế, theo cách hiểu của tôi mùa xuân là mùa số một trong năm cũng là mùa khởi đầu của vòng quay xuân hạ thu đông.
1. Bạn đã từng có nhiều cái Tết trong đời nhưng vẫn luôn nhớ những cảm giác gọi là Tết nhất! Tôi nhớ hình như tiếng Việt vẫn gọi Tết nhất. Tùy theo vùng miền mà chữ nhất hay trại thành chữ nhứt! “Mới thôi mà Tết nhất tới rồi!”. Và câu ca “Ai xui Tết nhứt lôi thôi / Năm cùng tháng tận lòng tôi thêm buồn…”.
Tết có nghĩa vẹn nguyên, Tết là số một trong tiếng cười giòn và sự đợi chờ của con trẻ. Người lớn có chờ đợi Tết hay không? Tôi vẫn lưỡng lự không dám chắc. Nhưng trong lòng mỗi chúng ta đã có những ngày xuân nhất. Một trong những ngày xuân nhất đó đối với tôi chính là Tết hành hương. Tết đi dọc lịch sử hay miền hoài niệm. Đó là một cách hướng về nguồn cội. Hành hương có dịp đối diện với lịch sử, với hình bóng quá khứ, những câu hỏi băn khoăn thời đại đã qua để tìm cho chính mình một sức sống chân lý. Giữa thời buổi nhiễu nhương này tìm cho lương tâm một điểm tựa.
Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nhưng tôi chưa bao giờ có dịp lang thang, điền dã hết từng miền đất yêu thương trên quê hương Quảng Nam văn hóa hào kiệt yêu dấu của mình. Cũng có thể nói Quảng Nam là miền đất hào kiệt sản sinh ra rất nhiều anh hùng và thi sĩ. Nhìn ở khía cạnh khác, đó là nơi giao điểm trí tuệ bùng nổ, những lật lẩy nhiều bờ của nội kết, phản tỉnh. Đỉnh của trí thức là tam giác ba cạnh. Mũi nhọn hoài nghi vươn tới, đi lên mãi trên hai chiều đổ xuống của hy vọng và ảo vọng. Câu ngạn ngữ “Quảng Nam hay cãi” là điểm tất yếu của việc cọ xát, không biên giới. Tất cả để dẫn tới sự hài hòa của minh triết. Sự thông suốt uyển chuyển của lý và luận. Những cái tên định danh thân thương như Hội An, Mỹ Sơn, Đại Lộc, Trung Phước, Quế Sơn, sông Thu Bồn, sông Hoài, Hòn Kẽm Đá Dừng, song Tiên… đã khảm dấu tích trong thi ca, ca dao ai cũng biết nhưng chưa chắc suốt một đời mà bạn có cơ hội đi đến hay khám phá hết.
2. Thật bất ngờ thú vị khi cái Tết Ất Mùi năm ngoái đã cho tôi cơ duyên được hành hương trên quê hương Quảng Nam. Qua facebook, tôi được biết nhà văn Hòa Văn ở làng Đông Bàn, thôn Nam Hà nơi cụ Phạm Phú Thứ yên nghỉ. Chẳng ai ngờ thời đại internet, ngồi ở trong làng vẫn ngó nghiêng xét nét được thế giới. Anh rủ tôi Tết về làng anh chơi. Và để thêm hương vị, anh nhứ mồi, gần nhà anh ở là vườn nhà văn Phan Khôi. Nơi đây là vườn mai mà khi còn ở quê nhà, hàng năm Phan Khôi vẫn ngồi khai bút đầu xuân. Không ai biết chuyện nớ hết – Anh kêu lên sung sướng trong điện thoại – Tui phải điều nghiên mãi mới ra đó nghe! Chỉ mới tiết lộ cho Minh! Tết về đây uống rượu nói chuyện văn thì tuyệt cú mèo…”. Phan Khôi người mở màn cho phong trào Thơ Mới với bài Tình già nổi tiếng! Bọn làm thơ nghe tên Cụ mà không cúi đầu bái phục thì ngẫm cũng khó… cách tân được thi ca!.
Thì bậc tiền bối đã từng “mới”, từng tung hoành lẫy lừng thế kia mà! Cuộc đời của Cụ gian truân đầy khí phách. Hệt bài thơ khí phách mà Cụ viết “Nắng được thì cứ nắng”. Không chỉ lĩnh địa thơ mà còn làm báo, dịch thuật. Theo nhiều giả thuyết, Phan Khôi còn là người đầu tiên chuyển ngữ Kinh Thánh. Như vậy đủ để vang danh hậu thế! Để ngoảnh lại trong màn sương khói bóng dáng “Hai mươi bốn năm xưa / Một đêm vừa gió lại vừa mưa…”, thơ vận vào người thật là cõi huyền hồ!.
3. Không hẹn mà gặp cuộc hành hương bỗng có đủ văn nhân thi sĩ. Thì cũng tự đánh tiếng, ham du xuân, chơi xuân mà quấn quít, mà tìm lấy nhau. Đáng kể nhất là nhà phê bình thơ Đặng Tiến từ Pháp về. Ông quê gốc Điện Tiến, sống ở Pháp từ ngày còn trẻ. Là một cây bút thẩm thơ theo tôi “có một không hai”, bậc kỳ tài. Nói cách khác, ông như cái kim la bàn xoay trong “vũ trụ thơ”! Rồi thì các nhà thơ Đông Trình, Uyên Hà, Nguyễn Ngọc Hạnh, họa sĩ Vũ Dương. Khi xe lên đến thị trấn Vĩnh Điện có thêm tay nhiếp ảnh Nguyễn Đức Thắng. Và khi vào đến làng Đông Bàn đã có nhà văn Hòa Văn, nghiên cứu Phan Thành Minh cùng một số anh em văn nghệ khác đón tiếp.
Món khai vị mà chủ nhà đón khách văn thật dân dã và đáng nhớ. Rau tập tàng tươi non hái ngoài vườn luộc chấm muối ớt. Vậy mà ai ăn cũng tấm tắc khen ngon. Nhất là ông Đặng Tiến. Ông cho chúng tôi biết thêm về rau tập tàng thực ra không có loài rau nào mang tên ấy cả, mà chính là… tập hợp các loại rau thảo dã! Cũng có thể nếm thêm hương vị quê hương như tô mì Quảng tôm nước dùng đậm đà khó quên ở Cẩm Lệ. Hay tô bún cá ngừ bốc khói nghi ngút giữa tiết xuân lạnh ở khu chợ xép lúc chúng tôi tạt vào đón nhà phê bình Đặng Tiến. Bên ngoài Đà Nẵng thay đổi hào nhoáng, hiện đại nhưng với tôi, một kẻ đi xa lâu lâu trở về vẫn mong muốn cái trầm mặc, thì thào của làng quê. Và phải đi ra ngoài Cầu Đỏ mới mong tìm thấy ít nhiều cái chất quê kiểng, bình dị. Nhưng cái đổi thay lịch xịch vẫn tới! Ngay tô mì Quảng cũng phải cấu thành thêm nhiều “chất liệu” hiện đại.
Như tôm đồng quê thay bằng tôm… nuôi công nghiệp! Rau sống thảo dã ươm nhà lồng và nguồn nước đôi khi cũng trở mình vì hóa chất. Trên xe, nhà thơ Đông Trình kể chuyện những năm tháng ông về Điện Bàn và Quảng Nam đọc và bình thơ. Ông đã có hơn 500 buổi nói chuyện với bà con nông dân cùng các nhà thơ, nhà văn Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Trinh Đường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo… xuyên suốt “miền đất Cãi”! Đi tới đâu thơ nở hoa tới đó! Đấy là cách hình tượng của ông. Còn nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh kể chuyện anh đã từng tổ chức buổi nói chuyện cho nhà thơ Phùng Quán với người yêu thi ca Điện Bàn những năm đất nước còn khó khăn. Nhà thơ “có những giây phút ngã lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Đó là tình yêu cuộc sống, tình yêu vào sứ mệnh nghệ thuật. Là “lửa thi ca” sưởi nỗi cô đơn thần thánh của sự sáng tạo. Thơ đôi khi mộc mạc như đường cày trên đồng, là bờ rau, ngọn mía mơ mùa thu hoạch của người nông dân…
*** Để rồi có ngày xuân năm rộng tháng dài này, nhà văn Hòa Văn đưa chúng tôi đi thăm mộ chí sĩ Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Lê Đình Dương… Thật khó để quên truyện ngắn Tô cháo gà của nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Theo tôi, hình như ông đã viết lại những giây phút cuối cùng của anh hùng Hoàng Diệu giữ thành Hà Nội. Và khi thành thất thủ, người anh hùng cũng tự tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ mình để giữ toàn khí tiết.
Phạm Phú Thứ với những trang viết Tây hành nhật ký và Tây phú thi thảo như những ghi chép tỉ mỉ của ông những kinh nghiệm, những điều mắt thấy tai nghe từ kinh tế, chính trị, phong tục, tập quán Phú Lang Sa… mà ông nghĩ có thể “canh tân đất nước” khi đưa về Tổ quốc. Chí sĩ Lê Đình Dương, một bác sĩ yêu nước, từng được người dân tin yêu bầu làm “Tổng trấn Quảng Nam tương lai” nhưng đã mất trong lao tù vì sự đàn áp độc ác của kẻ thù thực dân. Và đi thăm vườn hoa xưa của nhà báo, nhà thơ Phan Khôi.
Từ đầu dốc đường Bến Đường thôn Bảo An Đông nhìn xéo qua nhà thờ họ Phan, hình như nghe tiếng xưa đồng vọng lại chưa hề mất… Hôm nay là hoa tâm tưởng kết nối quá khứ vàng ngọc của ngày hôm qua… Giữa cái nắng xuân vàng như mật, bước chân miên man của tôi cứ ngỡ đang đi lạc về một miền lịch sử.
Nguyễn Hữu Hồng Minh
http://duyendangvietnam.net.vn/tin-noi-bat/kham-dau-tich-giua-mua-xuan.html#
*Ảnh tại lăng mộ Phạm Phú Thứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét